Phim mở đầu bằng câu chuyện về dòng tộc của lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường). Vì ham mê phú quý, tổ tiên của ông giao kèo với quỷ dữ tên Bạch Lão. 10 năm một lần, họ phải hiến tế một trinh nữ cho Bạch Lão để đổi lấy sự sung túc, bình an cho gia tộc. Qua nhiều đời, quỷ dữ mạnh hơn, không ngừng sai khiến gia đình Hai Hoàng và gieo tai ương đến dân làng.
Hai Hoàng có hai con gái là Tấm (Rima Thanh Vy) và Cám (Lâm Thanh Mỹ). Tấm xinh đẹp, được cha hết mực cưng chiều, trong khi Cám bị hắt hủi vì gương mặt quái dị. Biến cố xảy đến khi hạn hiến tế 10 năm cận kề. Hai Hoàng chọn hy sinh Cám, nhưng cô gái Bạch Lão thực sự mong muốn là Tấm.
Cám một đời tủi nhục
Cám được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, nhưng phim chọn cách kể lật ngược câu chuyện vốn quen thuộc để tạo nên một dị bản mới lạ nhưng vẫn giữ được tinh thần nguyên tác. Phim Cám đi sâu vào việc mổ xẻ căn nguyên Cám trở nên độc ác và nhiều hận thù – điều tác phẩm gốc chưa bao giờ đề cập.
Cám vốn thiện lành, luôn nhường nhịn chị Tấm và chọn phần thiệt về mình. Khi đi chơi với Bờm (Doãn Hoàng), cô bé vô tư cười giỡn và không ngần ngại chia sẻ nỗi lòng ngây dại. Nhưng vẻ ngoài dị biệt của Cám khiến cô nhận lấy thái độ cay nghiệt của người thân và dân làng.
Từ đó, Cám trở nên tự ti, thu mình và không còn tin vào sự tử tế của cuộc sống. Sự thù hận gieo mầm trong cô lúc nào không hay, cho đến khi Bạch Lão xuất hiện và làm bùng lên những uất ức của Cám bấy lâu.
Nỗi tủi phận trong Cám lớn hơn khi cô phải chịu cảnh ghẻ lạnh từ cha mẹ ruột. Ông Hai Hoàng cho rằng Cám là nỗi ô nhục dòng họ nên luôn mắng nhiếc và hạn chế cho cô bước chân ra đường. Mẹ Cám (Thúy Diễm) cũng chẳng khá khẩm hơn. Mỗi khi chồng lạnh nhạt, bà lại "giận cá chém thớt", trút hết bao tức giận lên con gái, chì chiết và đánh đập cô.
Về bản chất, chẳng người mẹ nào nỡ đối xử tệ bạc với con mình dứt ruột đẻ ra. Ở nhiều khoảnh khắc, khán giả vẫn thấy mẹ Cám quan tâm và lo lắng cho con. Song, vì mặc cảm tội lỗi và muốn giữ mặt mũi cho Hai Hoàng, bà buộc phải hà khắc và ngược đãi Cám trước mặt chồng.
Hành động của mẹ Cám phản ánh mặt trái của chế độ phụ quyền trong thế kỷ trước. Ở đó, tiếng nói người phụ nữ không được trân trọng và mọi suy nghĩ, hành vi của họ đều bị tác động bởi tính nam độc hại của người đàn ông.
Vì muốn giữ thể diện gia đình, Hai Hoàng không ngại ruồng bỏ núm ruột. Ông giao bảo vật hộ thân cho Tấm, chọn Cám làm vật hiến tế cho quỷ dữ. Vì sinh ra đứa con không xinh đẹp, mẹ Cám cũng nhận phải sự thờ ơ từ chồng.
Ở lễ hiến tế, chi tiết những người đàn ông tụ họp, cùng trói chặt một người phụ nữ và chứng kiến họ bị hành xác càng cho thấy khoảng cách vị thế khác biệt của hai giới trong thời đại trước.
Cám còn đề cập đến câu chuyện "một đời làm hại, bại hoại ba đời". Vì mong cầu giàu sang cho con cháu, dòng họ Hai Hoàng bắt tay với quỷ, đánh đổi mạng sống nhiều người để đạt được danh vọng, vật chất. Hậu duệ của họ chính là những người gánh hậu quả và chịu cảnh "đời cha ăn mặn, đời con khát nước".
Với nền tảng là một câu chuyện cổ tích thân thuộc, dự án mới nhất của đạo diễn Trần Hữu Tấn lồng ghép các chi tiết đặc trưng trong truyện hài hòa, hợp lý. Việc thay đổi trình tự xuất hiện và đảo ngược diễn biến một số tình huống mang đến góc nhìn khách quan hơn cho nhân vật Cám.
Phim đẹp nhưng lê thê và thiếu thuyết phục
Cám tạo được hiệu ứng thị giác tốt khi cộng hưởng giữa khung cảnh cổ kính, trang phục đậm tính thẩm mỹ và hóa trang ấn tượng, cho thấy sự dụng công của đoàn phim. Qua bối cảnh làng cổ 500 năm cùng hơn 300 cổ phục được thiết kế cầu kỳ, phim tái hiện cảnh trí nước Việt xưa đặc sắc với nhiều nét văn hóa thú vị, dù không xác định rõ thời đại của câu chuyện.
Ở những phân đoạn cần sự rùng rợn, tác phẩm tạo dựng không khí chân thực khi dẫn người xem vào khu rừng đước ngập nước, tối tăm và chỉ được thắp sáng bởi những ánh lửa lập lòe. Suốt phim, tác phẩm nhiều lần khiến khán giả sởn gai ốc khi thể hiện trực diện nhiều hình ảnh kinh dị như nắm xôi đầy giòi, tạo hình ma quái của Bạch Lão hay khuôn mặt biến dạng của Cám được thực hiện bởi lớp mặt nạ trị giá 2.000 USD.
Cám có một tiền đề tốt và mở đầu nhiều hứa hẹn. Song, tác phẩm triển khai câu chuyện dài dòng khiến nhịp phim lê thê, đặc biệt ở nửa đầu. Phim ôm đồm thông điệp cũng làm cho nhiều chi tiết bị bỏ ngỏ, nhân vật bị lướt qua dẫn đến một số tình huống không được giải thích thỏa đáng. Về sau, tác phẩm giải quyết vấn đề quá nhanh, để lại sự hụt hẫng cho người xem.
Ở nhiều phân đoạn, thoại nhân vật bị lồng tiếng gượng gạo, không khớp khẩu hình diễn viên. Cách hòa âm thiếu hài hòa khiến giọng nói nhân vật đôi lúc bị tách khỏi không khí tác phẩm. Lối dựng phim không mượt mà dẫn đến sự thiếu nhịp nhàng giữa các cảnh quay, làm hiệu ứng hành động, hù dọa ở một số đoạn chưa đạt được hiệu quả tối đa.
Vào vai Cám, Lâm Thanh Mỹ cho thấy sự trưởng thành trong diễn xuất. Diễn viên 19 tuổi phá vỡ hình ảnh "em bé kinh dị" trong các phim trước, truyền tải trọn vẹn hành trình hắc hóa phức tạp của nhân vật qua lớp hóa trang che kín nửa gương mặt.
Đầu phim, Lâm Thanh Mỹ tạo được sự đồng cảm nơi khán giả bởi nụ cười ngây thơ, đôi mắt trong trẻo và nét mặt dịu dàng. Ở các cảnh bị hành hạ, cô diễn xuất tự nhiên, không gồng cứng, khiến người xem xót xa cho nhân vật.
Khi Cám bị quỷ dữ chiếm lĩnh thân xác, diễn viên biến chuyển thần sắc ấn tượng. Qua bước đi chậm rãi, ánh mắt ma mị cùng điệu cười man dại, Thanh Mỹ cho thấy nội lực dồi dào và nhiều khía cạnh diễn xuất mới có thể khai thác trong tương lai.
Rima Thanh Vy tỏa ra sự thuần khiết và tinh khôi của nhân vật Tấm. Cô tương tác ăn ý với Lâm Thanh Mỹ, thể hiện tròn trịa hình ảnh người chị thương em và giàu lòng trắc ẩn. Song, nhân vật được khắc họa tính cách đơn điệu, chưa có nhiều thử thách cho nữ diễn viên tạo ấn tượng mạnh.
Ở tuyến phụ, Quốc Cường, Thúy Diễm, Doãn Hoàng dừng lại ở mức tròn vai dù đôi lúc, cách diễn, lối thoại và biểu cảm gương mặt còn cường điệu.
Phim Cám có kinh phí đầu tư hơn một triệu USD (hơn 24 tỷ đồng), đang chiếu tại rạp.
Đỗ Hoàng