Cuộc đào tẩu của Nguyễn Ngọc Long (sinh năm 1977, quê Hải Phòng, ngụ phường Cam Thuận, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) không chỉ gây xôn xao dư luận khi kẻ chủ mưu được cho là người tình, vốn là cựu đại úy công an mà còn vì Long là con cưng của một võ sư nổi danh đất Sài thành.
Võ sư Nguyễn Văn Báu, vốn nổi danh với biệt hiệu “Người đàn ông có ống quyển cứng như đồng”. Ông là trưởng môn phái Thiếu Lâm Nững Xị và cũng chính là bố đẻ của Long “Rồng đỏ”. Người cha có con phạm tội trầm giọng kể lại, Long là con trai đầu của mình. Từ nhỏ, Long đã bộc lộ năng khiếu võ thuật của con nhà nòi. Nhờ được cha trực tiếp bày vẽ, Long sớm bước vào con đường võ thuật như điều tất yếu.
Từ năm 8 tuổi, cậu bé Long đã bắt tay luyện võ, 12 tuổi tự tin biểu diễn và 14 tuổi đã tham gia thi đấu trên võ đài. Thậm chí, Long tự tin tranh tài với các đối thủ lớn hơn cả chục tuổi nhưng vẫn giành phần thắng, Long được giới võ thuật đánh giá hiện tượng thời bấy giờ.
“Nó học võ rất nhanh, đường múa sắc nét, nhanh nhẹn”, người cha nhận xét về con trai. Vị võ sư cho hay, Long từ nhỏ vốn tính tình hiền lành, không bao giờ ỷ lại có võ nghệ đi quậy phá lung tung. Long từng tham dự hàng chục cuộc đấu võ do Câu lạc bộ Y võ học dân tộc tổ chức.
Bởi quá đam mê võ thuật, chỉ học hết lớp 6, Long tự ý xin gia đình nghỉ học để chuyên tâm nối nghiệp cha. Con đường nghề võ đang thăng tiến như diều gặp gió thì Long bất ngờ lập gia đình ở lứa tuổi 20. Nhiều huynh đệ trong môn phái nhận xét Long “Rồng đỏ” sở hữu tài ăn nói, có khả năng thu hút người đối diện. Hơn nữa lại hát hay nên khá nhiều cô gái theo đuổi. Người vợ đầu chính là học trò của Long, vì mê mẩn tài nghệ mà lấy thầy làm chồng. Đứa con đầu của Long nay đã tròn 17 tuổi.
Cuộc đời Long sa ngã vài năm sau khi lập gia đình. Người cha cho biết, thay vì chuyên tâm tập luyện như trước đây, con trai ông theo học một số môn phái võ thuật đậm tính mê tín dị đoan. Chính suy nghĩ này đã nhấn chìm Long vào những cuộc tranh tài mà ở đó họ cho rằng đánh võ không cần tập luyện. Hệ quả tất yếu, võ sĩ con nhà nòi liên tiếp gục ngã trên võ đài. Kể từ thời gian này, Long thường xuyên giao du với đám bạn xấu và nghiện ma tuý lúc nào chẳng hay.
Bỏ bê vợ con, Long lưu lạc ra Khánh Hoà chung sống với một phụ nữ khác và có con chung. Không ít người còn trố mắt bởi tài sát gái của Long “Rồng đỏ”. Long tiếp tục bỏ vợ hai, tán đổ cả một nữ đại uý công an rồi hai người sống chung như vợ chồng ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho đến ngày bị bắt vào trại cai nghiện bắt buộc.
Người cha nhìn nhận, tuy sở hữu nhiều năng khiếu nhưng Long cũng lắm tật xấu như ham chơi bời, thích được tâng bốc và hay ảo tưởng. Chính thói xấu này khiến Long rơi vào ảo tưởng bởi những lời ca tụng của đám bạn xấu muốn lợi dụng hắn làm tấm bình phong.
Cũng vì ham chơi, Long “Rồng đỏ” dùng toàn bộ số tiền do mẹ ruột sống ở nước ngoài gửi cho mua nhà để đập "đá”, tổ chức nhiều chuyến trác táng chơi ma tuý xuyên Việt. Đặc biệt nhờ vị thế quyền lực của cô bồ nhí nguyên là đại uý công an ở Bình Thuận, Long cùng đàn em ngang nhiên tung hoành tại đây. Hắn coi thường cán bộ trung tâm cai nghiện, đến nay đã phối hợp cùng đồng bọn tổ chức 3 cuộc chạy trốn khỏi trung tâm.
Bố Long “Rồng đỏ” thừa nhận, nguyên nhân trực tiếp huỷ hoại tương lai con trai mình là ma tuý đá. Còn nguyên nhân gián tiếp bởi Long theo học các môn phái tà đạo, đến khi nhận ra không chịu tiếp thu lời căn dặn của gia đình, huynh đệ mà tiếp tục sa vào ăn chơi đua đòi.
“Mẹ nó chịu khó dành dụm gửi tiền về cho con mua nhà, gom lại cả tỉ bạc đấy chứ. Thế nhưng nhà lớn bán, nhà nhỏ bán, nó nướng sạch tiền vào ma tuý. Tôi phận làm cha nhưng đã hết lời khuyên can đành bất lực”, vị võ sư chua chát nói.
Ông cho biết, dù nhiều lần trốn khỏi trại cai nghiện nhưng Long không dám trở về thăm ông và các em. Hai bố con đã cắt đứt liên lạc nhiều năm nay. Vị võ sư cũng thừa nhận Long sa ngã một phần do lỗi của gia đình đã không can ngăn con kịp thời.
Bản thân là võ sư có tiếng, không những dạy võ, còn dạy cách làm người cho hàng trăm đệ tử; lại là vị thầy thuốc chuyên hành thiện nhưng bất lực với con trai, người cha bộc bạch bản thân đang gánh chịu bất hạnh “cha làm thầy, con đốt sách” mà dân gian thường nói.
Ông trải lòng: “Có quan niệm tên gọi ảnh hưởng nhiều đến vận mệnh đời người. Rút kinh nghiệm thằng Long, những đứa con sau tôi đặt tên là Phúc, Đức với hy vọng cuộc đời chúng sẽ bình yên, không hư đốn như anh cả”. Ông cầu mong con trai mình sẽ sớm nhận ra lỗi lầm, quay đầu làm lại cuộc đời.
Theo Pháp Luật Việt Nam