Mahendra, 13 tuổi, bị cả làng ruồng bỏ và xa lánh chỉ vì phần đầu, thay vì thẳng đứng như bình thường, lại bẻ quặt một góc 180 độ. Mahendra bị một chứng hiếm gặp gọi là "congenital myopathy" (cơ bẩm sinh) khiến cơ cổ em yếu tới mức không đỡ nổi đầu, theo Huffington Post.
Cha mẹ của Mahendra, Mukesh Ahirwar và Sumitra Ahirwar, suốt nhiều năm qua tìm thầy thuốc chữa trị cho con nhưng đều vô ích. Cách đây hai năm, gia đình quyết định không đưa con đi khám nữa bởi đến đâu họ cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Họ thậm chí còn chấp nhận thà để con trai chết còn hơn là chứng kiến cậu bé liên tục bị cơn đau hành hạ.
Hàng sáng, mọi sinh hoạt của Mahendra đều phải trông chờ ở mẹ. Mẹ cho ăn, tắm và thay đồ cho em. Trong khi chị gái và em trai đến trường, anh cả đi làm kiếm tiền, Mahendra chỉ quanh quẩn ở nhà. Bạn bè quanh đó không ai muốn cho Mahendra chơi cùng. Cậu chỉ có thể ngồi xem bạn chơi mà chẳng bao giờ được tham gia.
Cuối cùng, Mahendra cũng được phẫu thuật nhờ lòng tốt của một bà mẹ hai con người Anh, Julie Jones, 35 tuổi. Julie đọc được tin về Mahendra Ahirwar trên mạng và thương cảm với trường hợp này.
"Đó là một bi kịch. Tôi nghĩ đến con trai và không thể hình dung sẽ thế nào nếu con mình trong trường hợp ấy", Julie chia sẻ.
Bị ám ảnh về cậu bé, Julie quyết định phải làm gì đó giúp em. Cô lập trang gây quỹ giúp Mahendra chữa bệnh. Chỉ trong vòng 28 ngày, trang này đã thu về hơn 17.400 USD. Julie chưa bao giờ nghĩ việc làm ý nghĩa của cô cuối cùng đã giúp Mahendra được phẫu thuật. Biết đến trường hợp của Mahendra, bác sĩ phẫu thuật Rajagopalan Krishnan đồng ý mổ miễn phí cho cậu bé. Ca phẫu thuật của ông Krishnan và êkíp hồi tháng 3 vừa rồi tại Bệnh viện Apollo ở New Delhi diễn ra suốt 10 tiếng.
Câu chuyện cuộc đời Mahendra được phát trong loạt chương trình nói về những con người phi thường trên kênh truyền hình của Anh hôm 19/5. Bộ phim tài liệu ghi lại hành trình gia đình Mahendra vượt chặng đường dài trên chuyến tàu đêm tới thành phố thực hiện ca phẫu thuật mạo hiểm có thể phải đánh đổi tính mạng cùng chuyến thăm của Julie.
Vài ngày sau ca mổ, Julie bay tới thành phố New Delhi để gặp Mahendra.
"Thằng bé có nụ cười rạng rỡ. Nhìn cháu, tôi không thể kiềm nổi nước mắt. Tôi vuốt ve mái tóc của Mahendra và nhờ phiên dịch hỏi xem cháu thế nào", Liverpool Echo dẫn lời Julie kể.
Julie tâm sự cô là người tình cảm nhưng bất cứ ai có con cũng sẽ đồng cảm và xúc động như vậy. Cô hy vọng giữ liên lạc với Mahendra để biết sức khỏe của em tiến triển ra sao.
"Tôi biết ơn các mạnh thường quân đã gửi tiền và tất cả những ai liên quan. Nhờ đó, Mahendra giờ có được cuộc đời mới, ngoài sức tưởng tượng của gia đình trước đây", Julie chia sẻ.
Mahendra ở bệnh viện hai tuần trước khi trở về ngôi làng thuộc bang Madhya Pradesh. Đoàn làm phim cũng theo chân Mahendra về nhà để ghi lại hình ảnh cuộc sống của cậu sau phẫu thuật. Mahendra được một mạnh thường quân giấu tên tặng xe lăn điện. Cậu cũng có thể xem tivi và chơi cùng bạn bè. Với phần đầu được dựng thẳng, Mahendra thậm chí còn nói to hơn trước. Hiện, em phải đeo nẹp cổ trong vòng 6 tháng và cần phải quay lại thành phố để được bác sĩ Krishnan thăm khám thường xuyên.
"Cháu chẳng hy vọng có cuộc sống tốt hơn nhưng giờ mọi thứ đều ổn khi mọi giấc mơ đã được 'dựng dậy'. Cháu muốn thành công trong cuộc sống", Mahendra tâm sự.
Tiến sĩ Krishnan cho hay ông bị sốc khi gặp Mahendra.
"Lần đầu tiên trông thấy cháu, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là bệnh nhân bị bỏ mặc trong tình trạng như vậy suốt 12 năm mà không được chẩn đoán bệnh hay chữa trị. Tôi chắc chắn có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống cho cháu và giúp cậu bé nhìn thế giới một cách bình thường, thay vì nhìn ngược, nhưng cũng phải đảm bảo không nguy hiểm tới tính mạng", ông Krishnan nhớ lại.
Tiến sĩ Krishnan cho rằng Mahendra có thể phải phẫu thuật thêm trong tương lai.
Hà Phương