![]() |
Nhà đầu tư hy vọng cuối năm chứng khoán sẽ sôi động. |
Thị trường hiện tại là không thích hợp cho việc phát hành thêm hay IPO và Chính phủ đã có động thái giãn cung, các công ty cũng không còn ồ ạt phát hành thêm. Nhưng từ giờ đến cuối năm vẫn có một số công ty lớn của Nhà nước tiến hành IPO cộng với các công ty cổ phần phát hành thêm phiếu để huy động vốn.
Các quyết sách của cơ quan quản lý là cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Song tác động ngay lập tức của việc này là giảm cầu làm cho thị trường chứng khoán giảm.
Nhà đầu tư cá nhân và nhiều tổ chức trong nước luôn có tâm lý và xu hướng hành xử theo sự tác động trước tiên của các quyết sách này đối với thị trường. Tâm lý của nhà đầu tư trong nước là rất bi quan. Giữ tiền, chưa giải ngân nếu thị trường chưa chắc chắn xu hướng đi lên là câu nói quen thuộc, chưa kể đến việc bắt buộc phải bán ra để trả nợ ngân hàng.
Đánh giá nguồn cầu theo số tài khoản trên số dân là khả quan. Nhưng khi thị trường chưa sôi động thì rất khó lôi kéo lượng vốn tiềm năng này. Khi thị trường sôi động vào cuối năm 2006 đầu năm 2007, số lượng tài khoản mở trong thời gian nhiều gấp mấy lần các năm trước đó cộng lại. Cầu trong nước cũng bị ảnh hưởng rất lớn vào đánh giá của nhà đầu tư trong nước về cầu nước ngoài. Nếu nhà đầu tư phán đoán cầu nước ngoài đối với thị trường hay cổ phiếu nào tăng, họ thường có xu hướng mua vào các cổ phiếu đó.
Nhìn lại quá khứ, thời điểm Chính phủ "rục rịch" nâng room cho người nước ngoài từ 30% lên 49%, nhà đầu tư trong nước gia tăng mua trước nhà đầu tư ngoại. Một điều nữa cần chú ý, đánh giá cầu trong nước lại không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Nguồn cầu tiềm năng đến từ nước ngoài là lớn, đặc biệt đối với những cổ phiếu của doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty hàng đầu thị trường quyết định sự lên xuống của VN-Index đã không còn phần cho họ. Chính điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với quyết định của nhà đầu tư nội khi quyết định mua vào các blue-chips, mặc dù họ có kiến thức luôn biết rằng giá của chúng đã ở mức rất hợp lý.
Động thái của các nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện quan điểm của họ về giá cổ phiếu này cao hay không. Trong phiên giao dịch, có những lệnh đặt mua REE hay GMD... bị gạt ra do kín room. Gần đây nhất là STB, mặc dù PE của STB hiện nay khoảng 29. Song, khi có sự nhầm lẫn về room thì họ đổ lệnh vào cổ phiếu này lên đến gần 3 triệu đơn vị.
Đối với những cổ phiếu OTC, nhà đầu tư ngoại luôn sợ rủi ro. Bởi vì các doanh nghiệp này chưa có thói quen tự nguyện công bố thông tin như những DN niêm yết, làm ảnh hưởng đến việc phân tích, quyết định đầu tư. Nhà đầu tư ngoại luôn đánh giá cao sự minh bạch và rõ ràng. Ngoài ra là rủi ro trong vấn đề chuyển nhượng dưới nhiều hình thức như doanh nghiệp chưa cho chuyển nhượng, hay thủ tục phức tạp.
Mục tiêu thực sự của các tổ chức lớn đến từ nước ngoài là các công ty lớn của Nhà nước chưa cổ phần hóa. Rõ ràng VN-Index giảm có lợi cho họ trong việc tham gia đấu giá hay trở thành nhà đầu tư chiến lược do thị trường niêm yết có tác động quyết định đến giá IPO thành công bình quân.
Cũng có quan điểm cho rằng nhìn thấy vấn đề này, Chính phủ sẽ dãn IPO đến thời điểm thích hợp và nhà đầu tư sẽ muốn VN-Index lên để tiến trình này được tiếp tục. Tuy nhiên, chung quy lại hạn chế về room vẫn là mấu chốt cho khả năng họ trực tiếp tác động vào VN-Index.
Hơn nữa đối với những tổ chức hoạt động toàn cầu, thị trường chứng khoán VN có tiềm năng. Nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu và khi mà họ chưa thể đầu tư ở VN thì họ sẽ phân bổ nguồn vốn sang các thị trường khác.
Xét chung lại thì hiện nay cầu đang bị cản và yếu thế so với cung.
(Theo Lao Động)