Lúc đó, Công ty Goldsun Focus Media hoàn toàn một mình một chợ. Nhưng nay, thị trường quảng cáo này đã bắt đầu bước vào một cuộc cạnh tranh ngầm, quyết liệt.
Năm 2005, Goldsun Group, lúc này đã là một trong những “đại gia” của làng quảng cáo Việt Nam. Nhưng có lẽ cái áo cũng đã quá chật, cần tìm kiếm và mở rộng thị trường. Qua nghiên cứu tìm hiểu, Goldsun đã đi đến quyết định đầu tư cấp tập vào loại hình quảng cáo mới đang còn “trống bãi”, loại hình quảng cáo trên màn hình LCD tại các nơi công cộng. 80 tỷ đồng cho đầu tư ban đầu và bà Trần Thị Lan Thanh được bổ nhiệm là Giám đốc quản lý Công ty Goldsun Focus Media (GFM).
Tháng 11/2007, GFM chính thức ký hợp đồng nhượng quyền với Tập đoàn Focus Media Thượng Hải, tập đoàn chiếm 99% thị phần quảng cáo trên màn hình LCD tại các nơi công cộng ở Trung Quốc.
Việc mở đường của GFM vào lĩnh vực quảng cáo trên màn hình LCD ở các nơi công cộng là một cuộc đột phá ngoạn mục. Theo các cuộc điều tra độc lập từ hai công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Việt Nam là TNS và Nielsen thì chính tính hiệu quả của loại hình quảng cáo mới đã tạo nên cú đột phá này: 100% khách hàng nữ và 89,4% nam ở Hà Nội và TP HCM được phỏng vấn trả lời có theo dõi quảng cáo trên màn hình LCD tại các siêu thị và trung tâm mua sắm, 42% số người đã quyết định mua sản phẩm sau khi xem quảng cáo LCD.
Dù mới ra lò nhưng về phương diện là một kênh quảng cáo, LCD đã sớm vượt qua báo và Internet, xếp thứ 2 sau TV, nhưng so về giá cả, 1 mẫu quảng cáo trên LCD chỉ bằng 1/3 trên TV.
Chính vì vậy, tháng 5/2007, GFM mới triển khai những hợp đồng đầu tiên với khách hàng và sau 6 tháng GFM đã lắp được 1.500 màn hình LCD ở hầu khắp các siêu thị lớn ở TP HCM và Hà Nội. Tháng 3, toàn bộ hệ thống đã tăng lên 3.500 màn hình và từ trung tâm mua sắm, siêu thị LCD đã vào tới các tòa cao ốc văn phòng, bệnh viện lớn để “tư vấn” tận nơi cho khách hàng…
Bà Lan Thanh, Giám đốc GFM, nói: “Nóng lắm rồi, các đối thủ của GFM giờ đã nhanh chóng thâm nhập vào thị trường bằng nhiều ngả: lên taxi, có mặt ở bến phà… và cũng đã vào các siêu thị, trung tâm mua sắm, cao ốc văn phòng… Nhưng bà Lan Thanh cho rằng cạnh tranh lành mạnh, đúng luật là tốt. Và bà cam kết sẽ cạnh tranh theo kiểu phục vụ tốt hơn, chẳng hạn sẽ bảo đảm quyền lợi cho các đối tác bằng cách thuê công ty nghiên cứu thị trường giám sát thời gian, thời lượng… phát hình cho khách hàng. Trường hợp có sự cố mất điện (được xác định), GFM sẽ phát bù lại cho khách hàng. Bà cho biết GFM cũng đang nghiên cứu cùng với Đài Truyền hình TP HCM sản xuất các chương trình riêng cho màn hình LCD của GFM, làm cho nó hấp dẫn hơn, độc đáo và hút người xem hơn.
GFM sẽ giảm giá tới 50% cho các khách hàng hợp đồng quảng cáo với thời gian tối thiểu là 1 tháng trên toàn bộ màn hình LCD của hệ thống siêu thị. Như vậy trong cuộc cạnh tranh này, người được lợi chính là khách hàng quảng cáo và cả người mua hàng.
Ngay từ đầu năm 2008, có tới 80% khách hàng tái ký hợp đồng với GFM. Hàng loạt những nhãn hàng tên tuổi như Mitsubishi, Motorola, Ngân hàng ANZ, Unilever dầu gội đầu Henkel, P&G... đã đến với GFM.
Tùng Dương