Nếu như ở đầu phiên giao dịch, lượng cầu lớn được “rót” vào thị trường chứng khoán áp đảo cung, thì vào cuối phiên giao dịch, lượng cung lại áp đảo cầu. Chính vì thế mà khối lượng giao dịch vẫn đạt khá cao với 8,1 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương với 1.123,33 tỷ đồng giá trị. Tuy nhiên, so với phiên trước, khối lượng giao dịch đã giảm nhẹ 7,92% và giá trị giao dịch cũng giảm 1,51%. Mở cửa phiên giao dịch, nhiều cổ phiếu trong đó có các cổ phiếu chủ chốt tăng mạnh giá khiến chỉ số VN-Index vẫn tăng tới 20,23 điểm. Tuy nhiên, gần cuối phiên giao dịch, tốc độ tăng giá của các cổ phiếu blue-chips có khối lượng giao dịch lớn đã giảm, thậm chí giá một vài cổ phiếu đã đảo chiều so với lúc mới mở cửa. Chính vì thế mà chỉ số chung không còn tăng mạnh như đợt khớp lệnh đầu tiên. Cụ thể, ABT đợt đầu còn tăng kịch trần lên 139.000 đồng/cổ phiếu, thì đến đợt kế tiếp xuống 135.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa ở giá tham chiếu 133.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, giá AGF cũng tăng kịch trần đợt thứ nhất và đóng cửa với mức tham chiếu. Các cổ phiếu khác như SJS, GIL phiên đầu tăng và giảm mạnh vào cuối phiên; giá GMD, FPT cũng giảm vào cuối phiên... Giảm mạnh nhất phiên này là STB. Trong đợt khớp lệnh đầu tiên, cổ phiếu này chỉ giảm nhẹ 1.000 đồng/cổ phiếu và giảm mạnh 5.000 đồng/cổ phiếu vào đợt 2 và cuối phiên. STB cũng là cổ phiếu dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch 909.550 cổ phiếu. Các mã giảm mạnh tiếp theo là BMP (-5.000 đồng), SJS và GIL (- 4.000 đồng), PVD (-3.000 đồng)... Ngược lại, trong số 88 cổ phiếu tăng giá trong phiên này, BMC đứng đầu với tăng trần 14.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch chỉ đạt 100 cổ phiếu do không ai bán ra. Cổ phiếu dược DHG cũng tăng kịch trần 14.000 đồng/cổ phiếu. Những mã tăng còn lại trong top 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường là KDC, tăng 11.000 đồng/cổ phiếu; TCT và SFI cùng tăng 10.000 đồng/cổ phiếu. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua vào cổ phiếu trong phiên này. Cụ thể, khối này đã mua vào 2,1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tương đương 277 tỷ đồng (chiếm 24% thị trường). Các mã được mua nhiều, trên 100.000 cổ phiếu là VSH (318.110 cổ phiếu), VNM (291.170 cổ phiếu), VIP (231.710 cổ phiếu), PPC (173.490 cổ phiếu), VFMVF1 (125.100 chứng chỉ quỹ), TDH (113.740 cổ phiếu). Ngược lại, khối này đã bán ra 578.490 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá 71 tỷ đồng; trong đó đáng kể có 133.730 VNM, 114.660 VSH, 59.370 TRI, 43.720 FPC, 42.000 BHS, 39.240 SAM, 36.570 GMD và một số mã khác. Chứng chỉ quỹ PRUBF1 đứng giá ở mức 13.900 đồng/đơn vị quỹ, còn chứng chỉ quỹ VFMVF1 tăng 400 đồng lên 35.400 đồng/đơn vị quỹ. Khối lượng giao dịch của 2 chứng chỉ quỹ này đạt khá cao, VF1 đạt 753.950 chứng chỉ quỹ và BF1 đạt 554.790 chứng chỉ quỹ, đóng góp thêm cho thị trường gần 35 tỷ đồng. Thêm vào đó là 132,81 tỷ đồng giá trị trái phiếu, nâng tổng giá trị giao dịch toàn thị trường TP HCM phiên này lên 1.291 tỷ đồng. Sàn Hà Nội khởi đầu phiên giao dịch mới với mức tăng dè dặt hơn so với TP HCM. Kết quả, có 70/86 mã cổ phiếu tăng giá, 2 mã đứng giá, 10 mã giảm giá và 4 mã không có giao dịch. Chỉ số HASTC-Index chỉ tăng nhẹ 1,03 điểm lên 348,32 điểm so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch tại sàn Hà Nội đạt 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương 380,3 tỷ đồng giá trị. (Theo VnEconomy) |