Hai tuần từ ngày gửi cún cưng "đi học" tại trung tâm huấn luyện, anh Ngô Quang Thắng (quận Long Biên) gặp lại chú chó giống Golden và cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của nó. "Chú chó khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nghe lời hơn sau khi 'học mẫu giáo'", anh Thắng nói. Anh chi chín triệu đồng để thú cưng được "học tập".
Anh Thắng mua cún từ tháng 7/2021 khi nó chập chững hai tháng tuổi. Khi cún về nhà, anh Thắng cho biết nó thường đi vệ sinh lung tung, nhiều lúc anh phải đi theo canh cho đúng giờ, đúng chỗ. Khi vật nuôi được năm tháng, cơ thể khá cứng cáp, anh gửi đi huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS (huyện Gia Lâm). Mỗi cuối tuần, anh hoặc người thân lại đến thăm nom và chơi với cún.
Với anh, giai đoạn đầu đời vô cùng quan trọng để chó phát triển đủ kỹ năng và hình thành thói quen. Trước khi ký hợp đồng, anh Thắng trao đổi thông tin với trung tâm, thảo luận cam kết và nguyện vọng. Khi gửi vào PDS, chú chó Golden không chỉ được rèn kỷ luật, thể lực mà còn được chăm sóc y tế.
"Mỗi loài chó có bản tính khác nhau. Golden nhà tôi khá thân thiện nhưng do còn nhỏ nên đôi khi không nghe lời. Tôi cho nó vào trung tâm mới hai tuần, nay đến thăm thấy rất ổn", anh Thắng nói khi nhớ cún, cuối tuần sắp xếp lên thăm. Trước đó, anh phải gọi điện đặt lịch hẹn với HLV.
Trần Lê Thành Tiến, 24 tuổi - huấn luyện viên kiêm bác sĩ thú y - cho biết Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS được thành lập năm 1996. Trung tâm có nhiều năm kinh nghiệm huấn luyện và phòng trị bệnh cho chó. Hiện cơ sở huấn luyện khoảng 100 con, bao gồm tất cả giống loài trên thị trường.
Theo anh Tiến, khoảng bốn, năm năm trở lại đây, nhu cầu gửi chó huấn luyện, chăm sóc tại trung tâm tăng cao. Mỗi khóa ngắn là một tháng, dài ba tháng, tùy vào điều kiện gia đình. Thú cưng được làm quen với huấn luyện viên, thức ăn và môi trường đến các bài tập như đứng, nằm, ngồi, bắt tay, "giả chết", đi cầu thang bộ. Kết thúc khóa học, cún phải làm một bài tốt nghiệp, gửi lên ban giám đốc trung tâm chấm điểm. Nếu đạt, cún được ra trường, nếu không sẽ phải... học lại.
Mỗi khách hàng đến Trung tâm PDS có nhu cầu khác nhau. Có người muốn cún ngoan, ở trong nhà không sủa, không cắn ghế, không cắn bàn. Người khác lại yêu cầu cún phải dữ lên, không được nhát.
Để đáp ứng nhu cầu từng chủ chó, anh Tiến cho hay mỗi huấn luyện viên sẽ gặp trực tiếp chủ để tìm hiểu những mong muốn và nguyện vọng. Nếu họ yêu cầu chó dữ lên, trung tâm sẽ tập trung huấn luyện về thần kinh. Ngược lại, thú cưng cần hiền lành sẽ được HLV "xã hội hóa" bằng cách để nó chơi với tất cả mọi người và những con chó khác.
"Mức giá một khóa học dao động từ tám đến chín triệu đồng. Với dòng chó Pitbull hay chó ngao Tây Tạng khó dạy, cần những người có nhiều kinh nghiệm, mức giá tăng lên 12 triệu đồng. Cún được học thêm những lệnh như tấn công, bảo vệ chủ, cắn xé bên cạnh những thao tác cơ bản", anh Tiến nói.
Theo anh, khó khăn nhất trong huấn luyện là ngày đầu làm quen thú cưng. Nhiều "bạn" không thích người lạ nên tấn công HLV, không cho tiếp cận. Anh mất cả ngày, thậm chí vài ngày với những chú chó dữ mới có thể làm thân. Quá trình huấn luyện bắt đầu khi cún cưng và HLV quen nhau. Hàng ngày, thú cưng được thả ra sân cỏ hoặc sân bê tông chơi vận động, xả stress trước khi vào tập. Mỗi lần huấn luyện kéo dài 15-30 phút, không tập quá mức thời gian này bởi dễ dẫn đến việc cún chán, không chịu hợp tác. Sau đó, chúng được thả ra sân lần nữa để giải phóng năng lượng, rồi quay lại chuồng nghỉ hoặc tiếp tục bài tập lần hai.
Chế độ ăn uống với tất cả chó đều giống nhau, nấu và ăn chung, như cám hạt, đầu hay cổ gà, gan, thịt bò. HLV thay đổi thực đơn thường xuyên để "học sinh" không bị nhàm chán.
"Hiện trung tâm có 11 huấn luyện viên, chia đều mỗi người quản lý từ năm đến bảy con, tối đa 10 con", anh Tiến cho biết HLV được đào tạo ba tháng, từ các kỹ năng cơ bản làm quen, tiếp cận đến huấn luyện. Sau khi tốt nghiệp, họ được trao chứng chỉ và bắt đầu nhận chó để huấn luyện.
Anh Tiến chia sẻ yêu cầu tiên quyết đối với một HLV chân chính là phải yêu nghề, yêu thú cưng. "Mỗi chú cún một tính cách, để có thể 'dạy dỗ' chúng, nếu không đam mê, không thể theo đuổi công việc này".
Hoàng Thái Bảo, 24 tuổi, rất thích thú cưng nên xin vào trung tâm PDS làm việc. Cũng như bao huấn luyện viên khác, anh trải qua ba tháng huấn luyện kỹ năng trước khi được nhận chó. Giữa chó cảnh và chó chiến đấu, Bảo chọn chó cảnh vì đáng yêu, dễ tiếp cận hơn. Anh đang chăm sóc ba chú cún dòng Husky, Alaska và Golden. Mỗi loài có tính cách khác nhau nên phải áp dụng các biện pháp chăm sóc riêng biệt.
"Thỉnh thoảng mình bị các bạn cún cắn, gây thương tích. Nhiều bạn ở nhà được nuông chiều nên khi đến trung tâm dễ nổi cáu", Bảo nói tùy từng con, nhanh nhất một tuần, nửa tháng hay thậm chí một tháng, chúng mới hết hung dữ và bắt đầu hòa đồng.
Sau khóa huấn luyện, trung tâm cam kết cún sẽ ngoan và có kỷ luật hơn, không cắn chủ, biết làm nhiều trò. Một số khách hàng phàn nàn việc chó về nhà đi vệ sinh không đúng chỗ dù đã được huấn luyện thành thạo tại trung tâm. Bảo nói do thay đổi môi trường sống đột ngột, cún chưa kịp hòa nhập. Để khắc phục, HLV và chủ kết hợp hướng dẫn lại thói quen này cho cún.
"Công tác huấn luyện chó gặp nhiều khó khăn nhưng với những người yêu chó, đó là những sở thích và niềm vui trong công việc", Bảo tâm sự.
Nguyễn Ngoan