Đối với những đôi chân ham xê dịch, những trái tim mê chinh phục thì hành trình về thành phố Điện Biên Phủ để thăm những di tích lịch sử hầm Đờ Cát, đồi A1, hầm Tướng Giáp, cánh đồng Mường Thanh, nghĩa trang Điện Biên và đặt chân đến A Pa Chải - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nơi con gà gáy dân cả 3 nước cùng nghe để rồi được chạm tay cột cốc số 0 trên đỉnh Khoang La San luôn nằm trong danh sách những điểm “Must go”. (phải đến)
Từ Hà Nội có 2 hướng đi đến A Pa Chải, một là đi Lai Châu qua Mường Lay - Mường Tè - Pác Ma - Mù Cả - Tả Kho Khừ - Đồn Biên Phòng 317 tuy nhiên đường ngắn nhất là đi từ Hà Nội theo hướng QL6, qua địa phận tỉnh Hòa Bình và Sơn La, sau đó đi thêm hơn 250 km từ thành phố Điện Biên vào A Pa Chải, thuộc huyện Mường Nhé, tổng cộng khoảng gần 800 km.
Đầu tiên phải nói đây là một cung đường rất dài và khá vất vả, nhất là đối với những bạn đi hoàn toàn bằng xe máy, nên trước khi bắt đầu hành trình các bạn nên giữ cho sức khỏe và tinh thần ở trạng thái tốt nhất. Mùa hè thì khổ vì nắng, vì mưa, mùa đông thì khổ vì lạnh, vì thế theo tôi thời gian chạy cung này lý tưởng nhất là từ tháng giêng đến tháng 4 và tổng thời gian cho cả hành trình ít nhất cũng khoảng 5-6 ngày cả đi cả về nếu không muốn bị chạy quá sức và phải chạy buổi tối.
Tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội vào buổi tối với 3 xe máy, 4 người. Đi được một lúc, trời bắt đầu mưa, đoạn QL 6 từ Hà Nội đến Hòa Bình vẫn đang làm đường nên đường xấu tệ. Trời mưa, đường xấu, nhiều ổ gà và chạy tối nên phải mất hơn 2 tiếng mới đặt chân đến thành phố Hòa Bình và nghỉ đêm ở đây lấy sức cho chặng đường của ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, Hòa Bình mưa to tầm tã, nhưng không vì thế mà hoãn lại chuyến đi hoặc cứ ngồi chờ mưa tạnh vì như thế sẽ bị chậm lịch trình nên tôi và các chiến hữu vẫn xuất phát. Trời mưa như tát nước vào mặt và vì thế các xe cũng không thể đi nhanh được hơn nữa an toàn luôn là điều quan trọng nhất. Đến đoạn đèo Thung Khe, Mai Châu thì trời hửng hửng được một chút rồi lại tiếp tục mưa. Sang đến địa phận tỉnh Sơn La, trời tạnh mưa hơn nhưng sương mù mịt. Các xe chỉ đi cách nhau một đoạn là khuất tầm nhau và chỉ thấy loáng thoáng đèn xe phía trước. Chạy đến thị trấn Mộc Châu chúng tôi dừng ăn trưa. Vừa đói, vừa lạnh nên nhìn thấy đĩa su su bao tử luộc chấm muối vừng và bê chao bốc khói nghi ngút mấy đứa tôi ăn nấy ăn để. Hành trình của buổi chiều ngày hôm đó là Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên. Trên đường chạy từ Mộc Châu, trời cứ lúc mưa rồi lại nắng to rồi lại mưa khiến các tay lái mất nhiều sức. Chúng tôi đặt chân trên đỉnh Đèo Pha Đin lúc 17h chiều.
Đèo Pha Đin có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nằm trong danh sách Tứ đại đỉnh đèo của phía Bắc cùng với đèo Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng và đèo Khau Phạ. Đèo rất hiểm trở, một bên là vách núi và một bên là vực sâu với vô số các đoạn cua tay áo, trên lưng chừng đèo hay có mây và sương giăng mịt mờ. Đèo Pha Đin là một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bởi trong kháng chiến chống Pháp, đây là một trong những tuyến tiếp vận vũ khí, lương thực huyết mạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ đây đến thành phố Điện Biên còn khoảng gần 100 km.
Từ đèo Pha Đin, đi một lúc, khi trời bắt đầu tối thì cũng là lúc chúng tôi lại được thử thách bằng một trận mưa khủng khiếp. Đường đèo dốc, quanh co và tối om, mưa táp rát hết cả mặt và sấm chớp trên đầu cứ đùm đùm và sáng lòa, nhưng giữa địa hình thế này thì tìm đâu ra một chỗ nghỉ nên chúng tôi cứ phải gắng lên để đi tiếp. Đến một đoạn có cây xăng, còn khoảng 30 km nữa là đến thành phố, do cả ngày đường với hơn 400 km dầm mưa liên tục, chúng tôi cũng đã ngấm mệt và có dấu hiệu kiệt sức nên ghé vào cây xăng để nghỉ ngơi cho hồi sức rồi sau đó lại tiếp tục lên đường. Chúng tôi có mặt tại thành phố Điện Biên lúc 20h tối và tìm được một nhà dân cho nghỉ trọ qua đêm với giá 70.000 đồng một người trong một căn phòng bé tí tẹo và chỉ có một giường. Do đi vào dịp lễ kỷ niệm, du khách khắp nơi đổ về rất đông nên các nhà nghỉ, khách sạn đã cháy phòng.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường vào Mường Nhé. Đến Đồn biên phòng Si Pa Phìn là tầm trưa, chúng tôi bỏ đồ ra ăn, nằm ngắm trời ngắm mây một lúc rồi tranh thủ chợp mắt lấy sức sau đó tiếp tục lên đường. Từ đây, đường càng lúc càng uốn lượn và nắng thì gay gắt. Đường về cực Tây của Tổ Quốc càng đi càng thấy xa xôi và hun hút. Có rất nhiều đoạn lòng chảo và cua tay áo. Nhiều năm trước đây, đến được A Pa Chải là mơ ước của rất nhiều người vì thời đó đường đi cực kỳ khó khăn, gian khổ, nhưng đường bây giờ đã làm đẹp lên rất nhiều, chỉ còn khoảng vài chục km đường xấu và rải đá dăm từ đoạn Mường Chà nên tổng thời gian cũng mất khoảng hơn 7 tiếng từ thành phố vào trung tâm huyện Mường Nhé. Nếu đến đây sớm, bạn có thể đổ xăng rồi tiếp tục chạy thẳng vào Sín Thầu hoặc vào Đồn biên phòng 317 báo cáo, xin ngủ nhờ tại đó để sáng hôm sau lên đỉnh Khoang La San hoặc nghỉ luôn tại trung tâm huyện. Hôm đó toàn bộ mấy nhà nghỉ, nhà khách ở huyện đã kín mít, chúng tôi tìm được một quán karaoke có cái phòng dọn đi làm chỗ ngủ trọ với giá 50.000 đồng một người.
Chúng tôi chạy sớm vào A Pa Chải ngày hôm sau. Buổi sáng chạy đường rừng mát lạnh, ngắm mây bay là là trước mặt và sương đang tan, chạy cùng những tia nắng mặt trời đầu tiên, ngửi mùi cỏ cây thơm ngát, thỉnh thoảng nghe tiếng chim hót líu lo cho ta cảm giác thật dễ chịu mà ở thành phố trong cái tất bật xô bồ, mỗi sáng vội vã hoà vào nhịp sống để đi học, đi làm đâu có nhiều những phút thả hồn xa xỉ này.
Đến đồn biên phòng A Pa Chải hơn 8h sáng, sau khi làm thủ tục khai báo và xin phép, khoảng hơn 9h đoàn của tôi được bộ đội biên phòng dẫn đi. Trước đây, muốn đến được cột mốc biên giới cần phải có giấy phép ở Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên nhưng hiện nay, chỉ cần vào khai báo và làm thủ tục dịch vụ tại Đồn 317 là sẽ được Đồn cử một chiến sĩ biên phòng dẫn đường nên rất yên tâm. Tính theo đường chim bay, từ Đồn Biên phòng 317 đến mốc 0 chỉ khoảng gần 5 km nhưng tính theo độ cao, sẽ mất khoảng 3 tiếng leo lên liên tục tùy vào thể lực mỗi người mà có thể nhanh hoặc lâu hơn.
Công cuộc chạm tay vào mốc bắt đầu bằng việc vượt qua quả đồi đầu tiên, cũng là một trong những đoạn dốc nhất của hành trình nên đối với những bạn thể lực không tốt hoặc chưa quen trek rất dễ bị mất sức sớm. Tuy nhiên đoạn này khung cảnh lại rất đẹp với cây cối vẫn đang mùa thay lá và đồi núi trùng trùng điệp điệp bên dưới. Đi qua vài ngọn đồi cỏ tranh thì đến khu vực rừng già. Đường mỗi lúc một dốc hơn. Trong này nắng ít khi chạm được đến và sương và mưa cứ ngày ngày đắp lên những lớp lá rụng bên dưới càng làm cho đường thêm ẩm ướt, trơn trượt. Em Thắng - bộ đội biên phòng dẫn đoàn chúng tôi và một đoàn nữa thỉnh thoảng phải đứng lại chờ. Chân càng lúc càng nặng hơn và cái mệt cũng mỗi lúc một sâu hơn, nhiều quãng phải đứng lại hít vào thật sâu để điều hòa nhịp tim và hơi thở. Thi thoảng chúng tôi gặp một vài người đi từ trên núi xuống lại hỏi với theo: Còn xa nữa không hay sắp đến nơi chưa ạ. Và câu trả lời nhận được luôn luôn là: Cố lên, sắp đến nơi rồi, 100 m nữa thôi. Nhưng tôi đếm dễ phải đến 5 cái 100 m rồi mà đỉnh thì vẫn chưa thấy đâu.
Trước lúc chúng tôi bắt đầu leo thì trời nắng là thế, leo được đến khoảng nửa đường thì trời càng lúc càng mù mịt. Đi được khoảng gần 2 tiếng thì cơ thể bắt đầu thích nghi hơn với địa hình. Chúng tôi cứ thế đi cho đến khi nghe thấy có nhiều tiếng cười nói xôn xao từ trên vọng xuống thì mừng quýnh biết là đỉnh ở ngay trên kia rồi, tự nhiên bao nhiêu cái mệt bỗng chốc chạy bay đi đâu mất. Tôi bước thật nhanh những bước cuối cùng để lên trên đỉnh. Cột mốc đá hoa cương hiện ra trong sương mù, ở giữa là cột hình tam giác có ba mặt hướng về ba nước, phía Tây Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây Nam giáp Lào, bao xung quanh là những chiếc áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ, hầu như đoàn nào cũng mang theo lá cờ tổ quốc để thể hiện lòng tự hào và chụp ảnh kỷ niệm với cột mốc. Thực ra trước khi lên đến đây, tôi cũng hý hửng tưởng tượng ra sẽ được chụp ảnh với Cột mốc biên giới kiêu hãnh kia dưới nền trời xanh biếc, nhưng kế hoạch đã bị phá sản do lúc chúng tôi lên đến đỉnh một lúc thì trời bắt đầu xám xịt rồi mưa. Chúng tôi trở lại con đường dẫn xuống núi khi trời mưa to dần và vì thế đoạn đường về dẫu không mất sức như lúc leo lên nhưng lại ướt nhẹp và trơn tuột. Thế mà tôi lại cảm thấy sung sức hơn bao giờ hết, bởi phải chăng trong lòng đang mang niềm hân hoan, niềm vui khi đã được chạm tay vào cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Gần 1.800 km và 5 đêm 6 ngày là quãng đường và thời gian đi và về để đến cực Tây. Không hề nhàn hạ chút nào nhưng lại là những ngày thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì ước mong đc đến thăm viếng Nghĩa trang Điện Biên, đồi A1, hầm Đờ Cát, được đổ nốt con đèo thứ 4 trong tứ đại đỉnh đèo phía Bắc, được ngắm hoàng hôn ở phía tây của Tổ quốc, được chinh phục đỉnh Khoang La San ở độ cao hơn 1.800 m - nơi có cột mốc biên giới chung của ba nước. Hạnh phúc đơn giản vì cái cảm giác hạnh phúc khi được đi, hạnh phúc vì đồng hành cùng những chiến hữu tuyệt vời, cùng trải qua những ngày mưa, ngày nắng, những niềm vui, những nỗi mệt mỏi cùng nhau. Không thể phủ nhận là nhiều khi chúng tôi cũng thấy kiệt sức khi phải dầm mưa mấy trăm km từ sáng đến tối, có khi đường thì tối om mà sấm chớp trên đầu thì sáng loà, kiệt sức khi trời nắng vỡ đầu mà đường về miền biên cương thì cứ dài hun hút, lưng, mông và vai đau ê ẩm. Có lúc mệt quá tôi và chiến hữu quay ra mà bảo nhau rằng: “Giá mà giờ đang này nằm bãi biển có con mực khô và uống beer mát lạnh thì có phải sướng không. Nhưng rồi, đến những quãng đường đẹp, cảnh vật mây trời, hoa lá đẹp, nhìn thấy những đứa trẻ dân tộc thật đáng yêu, thực hiện được điều mình muốn thì cái phê nó lại lấn át hết những cái mệt mỏi, lại thấy phấn khích và sung sướng.
Cực Tây, nếu có thể, hãy đi và cảm nhận.
Sunflower Pham