Việc nhà, bếp núc một tay mẹ Loan làm. Khi Loan rời Vũng Tàu lên Sài Gòn học đại học, ba mẹ cô thuê nhà, mướn oshin để cô chuyên tâm việc học.
Bạn bè ngưỡng mộ cô trong việc học hành bao nhiêu thì ngán ngẩm cô khoản nữ công gia chánh bấy nhiêu. Mỗi khi lớp tổ chức đi píc níc, Loan không biết làm bất cứ việc gì, kể cả gọt trái cây.
Rồi Loan ra trường với tấm bằng khá, dễ dàng xin được công việc ở một công ty lớn cùng mức lương cao. Cô có người yêu và nghĩ đến lập gia đình, nhưng khi tính đến việc nhà cửa, cơm nước, giặt giũ thì cực kì lóng ngóng.
Cũng như Loan, Mai là con gái một “sếp” lớn. Từ nhỏ cô đã quen đưa rước, mọi việc lớn nhỏ có người giúp việc làm. Mai chỉ biết làm đẹp và học hành. Khuôn mặt khả ái, công việc ổn định, nên Mai có rất nhiều người theo đuổi, cuối cùng cô cũng chọn được một anh.
Gần ngày cưới, cô theo người yêu về ra mắt gia đình. Gia đình chồng tương lai của cô ai cũng tấm tắc khen cô dâu tương lai xinh xắn, có học, dễ thương. Nhưng sau vài buổi về chơi, mẹ chồng tương lai bảo Mai vào bếp chuẩn bị bữa ăn, cô không biết phải làm gì và làm như thế nào. Thế là sự quý mến ban đầu của nhà chồng tương lai giảm đi mất một nửa.
Kết hôn được hơn một tháng, Loan hớn hở rằng cuộc sống bên nhà chồng cũng không đến nỗi nào, bởi “cô em chồng mình cũng đoảng y chang mình vậy”. Thời gian đầu về làm dâu, Loan cũng thắc thỏm lo lắng vô cùng, may mà cô em chồng thuộc tuýp người chỉ giỏi việc chuyên môn, nhưng được nâng niu từ bé nên cũng chẳng biết nội trợ.
Loan kể, một hôm nhà chồng đi vắng hết, chị dâu em chồng dự định làm một bữa ra trò. Nhà bếp do chị em Loan đạo diễn hôm ấy giống như một “bãi chiến trường” với lủng củng đồ đạc nhưng cá kho thì quyện nhiều đường quá, mực chiên thì dính luôn vào đáy chảo gỡ mãi không ra, nồi canh rau cải bị đỏ quạch bởi hai cô đậy vung kín mít từ đầu, nồi cơm vẫn còn nguyên gạo và nước bởi hai cô quên ấn nút “cook”…
Thế là cuối cùng kéo đi ăn tiệm. Loan và em chồng cũng thành “cặp bài trùng”. Chồng Loan trêu, “nhờ giống nhau nên có đồng minh, chẳng lời ra tiếng vào cũng tốt”.
Loan tâm sự, cô cũng muốn nấu ăn lắm, nhất là khi nhà có việc hoặc theo chồng tới nhà bạn, cô bắt gặp những phụ nữ với con dao tự tin thái thịt mà thèm. Nhưng khổ nỗi cứ mỗi lần vào bếp cô lại lóng ngóng vụng về đổ vỡ hết thứ này đến thứ khác. Cô chỉ còn than trời, trách sao ba mẹ nuông chiều quá giờ thì khổ.
Để chữa ngượng, cô thường giành phần đi chợ, ra siêu thị mua thức ăn làm sẵn về, vừa nhanh vừa đỡ phải chế biến.
Mai thì bắt nhịp với thời cuộc hơn. Sau buổi ra mắt “ấn tượng” ấy, Mai quyết định theo học một khóa nấu ăn ngắn hạn. Cô cũng chịu khó vào bếp xem cách mẹ chồng tương lai chế biến món ăn để hiểu khẩu vị của gia đình.
Nửa năm trôi qua, những lóng ngóng ban đầu được khắc phục. Mới đây, nhìn cô thành thạo biểu diễn tay nghề bếp núc, bà con lối xóm khen gia đình nhà chồng khéo chọn con dâu. Mai đỏ chín mặt, còn bố mẹ cô và chồng cô thì cười vui. Cũng may Mai quyết học tề gia nội trợ, nếu không ba mẹ Mai không biết nói sao với ông bà thông gia về cô con gái vụng của mình.
(Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô)