Sau hơn một năm thúc giục từ phía các ngân hàng nước ngoài, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 22/NĐ-CP về hoạt động của chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài, NH liên doanh, NH con 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Thế nhưng, không có nhiều thay đổi lớn so với các dự đoán trước đây trong nội dung thông tư dự kiến sắp ban hành này. Một nội dung cũng được nhiều NH nước ngoài chờ đợi đó là quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa tại một NH trong nước cũng vừa được ban hành bằng NĐ 69/CP, tuy nhiên mức tối đa cũng lại thấp hơn sự kỳ vọng trước đây.
Bên cạnh đo, các hướng tiếp cận thị trường của các NH nước ngoài là mở chi nhánh, lập NH con 100% vốn nước ngoài, và đầu tư vào các NH trong nước đều có những quy định hạn chế. Sự bùng nổ hoạt động của các NH nước ngoài có lẽ vẫn phải chờ khi thị trường NH được mở cửa hoàn toàn sau 4-5 năm tới.
Theo dự thảo NĐ 22 này, hầu hết các nội dung hướng dẫn hoạt động đối với 35 chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam đều... giống như dự đoán. Những hạn chế về việc mở rộng điểm giao dịch của chi nhánh và huy động vốn nội tệ vẫn tiếp tục được duy trì, cụ thể chi nhánh NH nước ngoài không được mở điểm giao dịch ngoài địa điểm chi nhánh đăng ký trong giấy phép. Đây là hai hạn chế mang tính cơ bản khiến các chi nhánh NH nước ngoài khó có thể phát triển thêm thị phần với tốc độ cao. Tính hết năm 2006, mặc dù về số lượng không hề thua kém các NH Việt Nam nhưng thị phần về huy động vốn cũng như tín dụng của các NH nước ngoài mới khoảng 14% thị trường.
Tuy nhiên, cũng có những điểm kiến nghị của các NH nước ngoài trước đây đã được sửa đổi. Chẳng hạn, chi nhánh các NH nước ngoài được mở thêm các điểm không giao dịch khách hàng ngoài trụ sở chi nhánh nhằm giải quyết chỗ làm việc cho nhân viên đã được chấp thuận, tuy nhiên việc này phải có sự chuẩn thuận từ NHNN. Ngoài ra, sẽ không còn hạn chế việc đặt máy rút tiền tự động (ATM) của các NH nước ngoài, nhưng... vẫn phải tuân theo hướng dẫn riêng của NHNN.
Theo ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam thì việc có thông tư hướng dẫn NĐ trong thời gian tới sẽ giải quyết được một số vướng mắc trong hoạt động của chi nhánh NH nước ngoài. Ông Ashok Sud cũng cho rằng những hạn chế này rồi sẽ được gỡ bỏ theo lộ trình mở cửa của Việt Nam trong thời gian tới, giúp các NH nước ngoài có cơ hội tham gia vào thị trường sâu hơn.
Một hướng tiếp cận những thị trường mới khá phổ biến của các NH lớn trên thế giới đó là mua cổ phần của các NH nội địa nhưng xem ra vấn đề này lại chưa dễ dàng. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển NH (NHNN), kinh nghiệm của các nước mới chuyển đổi cho thấy vẫn cần phải duy trì một hệ thống tài chính nội địa với vai trò nhất định của các NH trong nước. Điều này cũng cần thiết với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Trong NĐ 69/CP vừa được Chính phủ ban hành đã thể hiện quan điểm này với mức sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại một NH nội địa vẫn là 30%, trong đó một cổ đông chiến lược nước ngoài được giữ tối đa 15% (trước đây là 10%). Trường hợp đặc biệt, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ sẽ quyết định mức sở hữu cổ phần nhưng tối đa là 20%. Nếu so với các công ty niêm yết trên TTCK có mức sở hữu cổ phần tối đa là 49% thì mức sở hữu tại các NH thấp hơn khá nhiều.
Đối với một số NH trong nước đã có cổ đông chiến lược là các NH nước ngoài thì sự kiện trên có tác động nhất định. Techcombank đã cam kết sẽ dành cho HSBC mức sở hữu 20% khi pháp luật cho phép, tương tự là VP Bank với OCBC (Singapore), Habubank với Deutsche Bank (Đức)... Với quy định mới này, các cam kết song phương kể trên sẽ không được thực hiện.
“Đã là quyết định của Chính phủ, chúng tôi sẽ tuân thủ. Hiện VPBank chưa có thay đổi gì trong cam kết với OCBC”, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank nói". Trước mắt, trong năm nay VP Bank sẽ tiếp tục tăng vốn theo lộ trình lên 2.000 tỷ đồng từ nguồn góp thêm của cổ đông trong nước, còn đến năm 2008 sẽ trình lên NHNN và xin phép Chính phủ tăng tỷ lệ góp vốn của OCBC lên 20%.
Theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các NH nước ngoài được quyền thành lập NH con 100% vốn nước ngoài kể từ 1/4. Đến nay, HSBC và Standard Chartered đã khẳng định kế hoạch thành lập loại hình NH này tại Việt Nam. Lợi điểm của loại hình NH này là sẽ không bị các hạn chế trong hoạt động bởi nó là pháp nhân Việt Nam và được đối xử bình đẳng như các NH trong nước.
Tuy nhiên, lại vướng ở một điểm là điều kiện thành lập chưa dễ. Theo dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 22/CP thì hầu hết các NH nước ngoài lớn đều đáp ứng được điều kiện về vốn và các tiêu chuẩn khác. Nhưng cái khó nằm ở chỗ các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập NH con 100% vốn thì cơ quan thanh tra, giám sát có thẩm quyền của nước sở tại phải ký cam kết về hợp tác quản lý, giám sát hoạt động, trao đổi thông tin với NHNN.
Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ các NH (NHNN), hiện NHNN chỉ mới ký thỏa thuận trao đổi thông tin thanh tra NH với NHTW Hàn Quốc, Đài Loan, và Nga. NHNN dự kiến sẽ ký thỏa thuận tương tự với cơ quan có thẩm quyền tại Úc, Sigapore, Trung Quốc và HongKong. Riêng với Mỹ đã có kế hoạch ký nhưng chưa xác định thời gian trong khi với Anh (nơi đặt trụ sở của HSBC, Stadard Chartered), theo NHNN, hiện chưa có kế hoạch nào về việc ký thỏa thuận này.
(Theo Doanh Nghiệp và Thương Hiệu)