Bắt nguồn từ mục đích mang đến cho công chúng tiếng cười giải trí dịp lễ đầu năm, nhiều phim Tết Việt Nam gia tăng tính cường điệu trong tình huống, diễn xuất và lời thoại. Điều này vô tình biến hài lố, hài nhảm trở thành công thức gần như mặc định cho mùa phim mở màn năm mới. Giữa bối cảnh như vậy, Cua lại vợ bầu lựa chọn lối đi khác biệt.
Thay vì len lỏi vào từng cảnh phim, hài hước trở thành yếu tố phụ trợ, thi thoảng tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng, đóng vai trò xoa dịu không khí căng thẳng của câu chuyện. Phim tập trung vào mâu thuẫn tình yêu, gia đình với không ít cảnh đầy nước mắt.
Bộ phim mở đầu bằng lời tự sự của Trọng Thoại (Trấn Thành) và Nhã Linh (Ninh Dương Lan Ngọc). Dưới góc nhìn của Trọng Thoại, chuyện tình của họ đẹp như mơ. Anh tôn thờ cô người yêu giỏi giang, thành đạt và an phận làm gã đàn ông nội trợ đứng sau lưng nàng. Trái lại, Nhã Linh chẳng thể chấp nhận tư tưởng thiếu chí tiến thủ trong sự nghiệp, mơ hồ về cuộc sống hôn nhân của người yêu.
Qua những lát cắt ngắn gọn, chuyện tình của họ được tái hiện sinh động từ thuở "gà bông" tới khi bước ra xã hội và đối diện với rạn nứt vô hình. Đúng như Nhã Linh trải lòng, tình yêu thời học trò và khi trưởng thành khác biệt quá lớn, người thứ ba chẳng thể xuất hiện nếu hai người trong cuộc còn trân trọng nhau.
Những vấn đề mà các cặp đôi yêu nhau thường gặp phải ít nhiều được phản ánh trong mối quan hệ của Nhã Linh và Trọng Thoại. Những biến động cảm xúc, nỗi cô đơn, chơ vơ của phụ nữ trong thời kỳ bầu bí cũng được nhìn thấu qua chân dung của nữ chính Nhã Linh.
So với chuyện tình yêu, tuyến truyện gia đình thậm chí tạo điểm nhấn lớn hơn. Mẹ của Nhã Linh (Lê Giang đóng) hội tụ tính cách của một người mẹ tâm lý, hay thủ thỉ tâm sự, bênh con một cách khéo léo và hóm hỉnh trước người cha nghiêm khắc.
Ở thái cực đối lập, ba của Nhã Linh (NSƯT Hữu Châu đóng) ngoài lạnh trong nóng, tỏ ra hà khắc nhưng thực chất rất thương con. Thay vì một khoảnh khắc tình tứ của hai nhân vật chính, phân cảnh xúc động nhất của phim thuộc về cuộc trò chuyện kiệm lời, dung dị, nhiều nước mắt giữa Nhã Linh và ba.
Tuy nhiên, Cua lại vợ bầu lặp lại một lỗi điển hình của phim Việt, đó là lạm dụng lời thoại để giải quyết vấn đề. Mọi nỗi đau buồn hay niềm hạnh phúc của nhân vật đều được tỏ bày bằng thoại. Các nhân vật bị tước đoạt không gian suy tư, thiếu sự cài cắm tinh tế cho những chuyển biến xúc cảm. Câu chuyện dàn trải qua nhiều tầng bậc trắc trở, vậy mà đến cuối phim, Trọng Thoại làm Nhã Linh hồi tâm chuyển ý, khóc cạn nước mắt một cách dễ dàng chỉ bằng những dòng nhật ký và các cảnh hồi tưởng.
Sự khoa trương về diễn xuất hình thể được tiết chế, song một số yếu tố đặc trưng khác của sân khấu kịch nói vẫn hiện hữu trong phim, ví như thiết kế bối cảnh lòe loẹt, một số cảnh dông dài, hóa trang người già của Lê Giang chưa thuyết phục... Chưa kể, mô-tuýp phim khá sáo mòn, có tình huống được giải quyết chưa thỏa đáng, chân dung kẻ thứ ba – Quý Khánh (Anh Tú đóng) mờ nhạt, không đủ tính "uy hiếp" đối với nam chính Trọng Thoại.
Cua lại vợ bầu cho thấy nỗ lực của đạo diễn Nhất Trung trong việc tạo sự khác biệt, phá bỏ "lời nguyền" phim nhảm của mùa phim Tết. Phim đặt nặng tâm lý nhân vật hơn yếu tố chọc cười. Bộ phim khởi chiếu chính thức từ mùng 1 Tết Kỷ Hợi (ngày 5/2). Trước đó, phim thu về 12 tỷ đồng sau ba ngày chiếu sớm 25-27/1.
Phong Kiều