Sau khi nhận được văn bản của đơn vị đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam thông báo về việc vi phạm bản quyền thương hiệu này trên biển quảng cáo và yêu cầu tháo gỡ, cũng như dừng bán hàng Apple không chính hãng, một số cửa hàng bán lẻ thiết bị di động đã có những tính toán để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh đang diễn ra.
Đầu tiên, đối với vấn đề biển hiệu, anh Chính, chủ một cửa hàng tại quận 7, TP HCM chỉ chuyên bán các sản phẩm của Apple cho hay mấy ngày qua, dân trong nghề đã bàn tính khá rôm rả về việc sẽ xoay sở như thế nào đối với yêu cầu này từ phía đại diện của Apple.
Theo anh, những cửa hàng điện thoại bán tất cả sản phẩm của các hãng mà không tập trung sâu vào dòng của Apple thì có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, với những cửa hàng chuyên bán sản phẩm của Apple như cửa hàng của anh sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề quảng bá, làm biển hiệu.
"Một cửa hàng thì không thể thiếu biển hiệu. Chúng tôi đã bàn đến trường hợp sẽ cách điệu logo của hãng, sử dụng những từ phiên âm như viết 'ai phôn' 'ai pát' để giới thiệu về sản phẩm mình đang kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hình ảnh 'táo cắn dở' hay thương hiệu iPhone đã trở nên quá quen thuộc nên dù thay biển hiệu bằng cách thể hiện khác cũng sẽ không hiệu quả, bắt mắt với khách hàng", anh Chính cho hay.
Anh Quang, chủ một cửa hàng khác tại quận Tân Bình cho biết, hiện chỉ kinh doanh các mặt hàng xách tay của Apple, trong đó hơn 90% là iPhone. Anh bước vào nghề này được 6 năm và có nhóm khách hàng riêng rất chuộng dòng sản phẩm của hãng nên sẽ không có ý định mở rộng kinh doanh thêm các sản phẩm khác để bù doanh thu. Tuy nhiên, anh cũng cho biết, nếu không có biển quảng cáo thì việc mở rộng nhóm khách hàng mới sẽ gặp khó.
Một trong những điều mà nhiều chủ cửa hàng kinh doanh lo ngại nữa là đơn vị này sẽ cấm luôn cả việc sử dụng hình ảnh, logo của hãng để quảng cáo trên Internet. "Nếu như vậy thì việc xây dựng ý tưởng quảng cáo của các cửa hàng sẽ không dễ dàng gì", anh Quang cho hay.
Tại Hà Nội, không ít cửa hàng nhận được thông báo trên cũng đang khá e ngại. Anh Thành, chủ cửa hàng chuyên bán iPhone tại Ngọc Khánh cho hay đã nhận được thông báo tương tự từ phía đơn vị đại diện pháp lý của Apple và cũng đang tính đến phương án sử dụng ngôn ngữ phiên âm sang tiếng Việt và những hình ảnh cách điệu để làm biển quảng cáo.
Tuy nhiên, theo anh Thành, một trong những nội dung quan trọng khác trong văn bản của đại diện Apple ở phía Việt Nam đã nêu rõ, không chỉ trên các biển hiệu cửa hàng, mà ở các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, nếu sử dụng các nhãn hiệu "táo cắn dở", Apple, iPhone hoặc những nhãn hiệu khác mà không được sự đồng ý của đơn vị này thì đều bị coi là bất hợp pháp. Văn bản này cũng nhấn mạnh, việc các cửa hàng kinh doanh hàng hóa mang các nhãn hiệu của Apple nhưng không phải là hàng chính hãng cũng là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nếu không chấm dứt, đơn vị này sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý.
"Các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ tồn tại được đến giờ cũng là nhờ bán hàng xách tay bởi giá thường rẻ hơn hàng chính hãng khoảng 10%. Dù là hàng xách tay, song đây là sản phẩm chất lượng nên ít lỗi, các cửa hàng vì thế vẫn đảm bảo được lợi nhuận khá đều đặn. Tôi có lượng khách hàng quen rất chuộng Apple nên cứ sản phẩm nào mới ra họ cũng đến cửa hàng để mua, đồng thời giới thiệu người quen đến. Nếu hãng làm chặt thì cũng chưa biết xoay xở theo hướng nào để tiếp tục kinh doanh", anh Thành chia sẻ.
Cách đây 4 năm, Apple cũng từng gửi văn bản tương tự đến các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Sau khi gỡ bỏ theo yêu cầu, cửa hàng kinh doanh bình thường. Hiện nay, khá nhiều cửa hàng mới mở sử dụng thương hiệu của Apple nên hãng gửi lại thông báo.
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Trí Việt, Hà Nội cho hay, theo luật sở hữu trí tuệ việc đơn vị đại diện pháp lý cho Apple có yêu cầu các cửa hàng bán lẻ không phải là đại diện chính hãng những nội dung như trên là đúng pháp luật trong nước cũng như quốc tế.
"Apple cũng như các nhãn hiệu của hãng được bảo hộ trên toàn thế giới, và tại Việt Nam cũng như vậy nên dù tổ chức, cá nhân sử dụng để quảng cáo cũng đều phải được sự chấp thuận từ hãng. Việc bán các sản phẩm có thương hiệu của hãng cũng phải tuân thủ các quy định do đơn vị này đặt ra", ông Nam cho hay, đồng thời cho biết, trong trường hợp nếu các đơn vị phiên âm từ ngữ trên biển hiệu ra tiếng Việt vẫn có thể bị coi là vi phạm pháp luật nếu đại diện Apple làm thủ tục chứng minh thông qua một tổ chức có chức năng giám định về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ông nhận định, việc tiến hành các hoạt động này tại Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian bởi hiện nay những vi phạm này khá tràn lan và trên những quy mô, mức độ khác nhau.