Sinh năm 1907, cụ Phạm Văn Chính (ngụ tại 86, Duy Tân, quận Phú Nhuận) là một trong số ít người trên 100 tuổi sống tại TP HCM vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thiếp mừng thọ nhân dịp xuân Ất Mùi.

Cụ Chính và cô con gái năm nay đã 59 tuổi. Ảnh: Thiên Chương.
Căn nhà nhỏ rộn ràng tiếng nhạc xuân, nghe có khách đến thăm, ông Chính bảo người nhà ra mở cửa rồi nhắn khách chờ "để tôi vào thay đồ cho nghiêm chỉnh". Vài phút sau, ông được cô con gái gần 60 tuổi dìu ra ghế ở phòng ngoài. Vừa thấy khách, ông vội giơ tay tươi cười: "Năm nay vừa bị gãy chân nên đi lại hơi khó khăn một chút. Nhưng nhà báo yên tâm, tôi lại thấy trong người khỏe khoắn lắm. Nói chuyện thoải mái nhé".
Trỏ tay vào cây quất trĩu quả, ông cho biết vừa cùng con gái chọn mua từ chợ hoa về chưng, rồi chưa chờ khách hỏi, ông nheo nheo mắt chủ động kể rành rọt những mốc chính trong cuộc đời ngoài trăm tuổi của mình.
Sinh thành tại Sài Gòn, chàng thanh niên dáng người nhỏ nhắn học sửa xe và trở thành một trong những người thợ mát tay nhất tại Tân Bình. Giới chức dùng xe sang thời đó ai cũng biết danh "Chính Vespa" bởi cửa hàng của ông trên con đường Hoàng Văn Thụ gần sân bay Tân Sơn Nhất thời bấy giờ.
Điển trai, ăn nói có duyên, lại giỏi nghề, Chính Vespa được nhiều cô gái trẻ thương mến. Ông lần lượt có tất cả 3 người vợ. Người đầu gối tay ấp sống với ông cuối cùng nhỏ hơn ông chục tuổi, hai người đến với nhau có được 6 người con và bà mất cách đây 8 năm.
"Nhà tôi bố mẹ đều sống rất thọ nhưng tôi đâu nghĩ sau này mình có thể sống được đến ngoài trăm tuổi. Tới thời điểm này, tôi là người có tuổi thọ cao nhất trong gia đình", cụ Chính nói.

Cụ Chính và thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Thiên Chương.
Khi được hỏi bí quyết sống lâu, ông cụ đáp nhanh: "Có lẽ do tôi không bao giờ biết buồn". "Không phải vô tâm đâu. Nhưng tôi chưa bao giờ để những chuyện khó khăn ở trong lòng, tôi cũng không để bụng khi ai đó làm gì có lỗi với mình. Buồn giận cũng chẳng giải quyết được gì. Lúc buồn, tôi lao vào công việc. Đến tối lên giường là ngủ luôn đến sáng", ông cụ nói.
Tiếp lời bố, bà Phạm Thị Nga thừa nhận ông cụ sống "vô ưu". "Gần 60 năm sống cùng ông, tôi chưa bao giờ thấy ông buồn. Ai làm ông giận ông cũng mau chóng bỏ qua. Chắc vì thế mà dù đôi lúc gia đình có chuyện, mọi người buồn phiền lo lắng, ăn không ngon ngủ không yên thì bố tôi vẫn ăn ngon ngủ đủ", bà Nga nói.
Về chế độ dinh dưỡng, bà Nga cho biết, bố ăn uống rất điều độ, ông tuyệt đối không uống rượu bia, không hút thuốc lá, thích ăn món chiên xào và canh. "Bố tôi đặc biệt thích món canh cà chua nấu trứng ăn với thịt chiên. Ông có thể ăn món này mỗi ngày. Không uống rượu nhưng ngày nào ông cũng phải uống 2 ly cà phê", người con nói.
Ngoài tai nạn gãy chân phải nhập viện hồi đầu năm và một lần năm 98 tuổi phải đến nhà thương do viêm ruột thừa, ông Chính chưa bao giờ bệnh tật, không bị bệnh huyết áp tim mạch, tai vẫn còn nghe rõ, mắt đọc báo không cần mang kính.
"Năm 106 tuổi, tôi còn đạp xe gần 10 cây số. Mỗi ngày tôi đều dành 30' để tập thể dục. Khi chân chưa gãy, ngày nào tôi cũng nằm trên giường để làm động tác đạp xe trên không 200 cái, giờ thì tôi tập đi lại với ghế tập. Tôi thấy tinh thần của mình rất thoải mái", ông cụ nói.
Quay quần cùng hơn 20 con cháu trong ngày xuân, ông cụ hóm hỉnh bảo các cháu phải sửa lại lời chúc "sống lâu trăm tuổi" thành "càng sống càng khỏe", bởi với ông, chuyện trăm tuổi đã cách đây gần chục năm. Cũng nhân dịp năm mới, ông gửi lời chúc đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ kèm lời nhắn nhủ: "Lối sống lành mạnh là một trong những bí quyết giúp sống khỏe và sống lâu".
Thiên Chương