Giữa tháng Một, tài khoản Tiktok joehattab.es (Tây Ban Nha) chia sẻ đoạn video review và hành trình trải nghiệm tại địa đạo Củ Chi (TP HCM), nhanh chóng nhận được "bão tim" và đạt lượt view khủng. Hiện video này có gần 40 triệu lượt xem cùng 1,5 triệu lượt thích, trở thành một trong những video review du lịch hot nhất từ đầu năm trên nền tảng này.
Du khách này không phải khách Tây duy nhất thích thú với chuyến du lịch đặc biệt tới vùng đất thép. Với từ khóa "Cu Chi tunnels", hàng chục video xuất hiện, đều do những du khách quốc tế ghi lại. Rất nhiều trong số đó đạt lượng view lên đến hàng triệu, thậm chí vài chục triệu lượt xem cùng vô số bình luận.
Tour trải nghiệm địa đạo Củ Chi được bán trên một số ứng dụng du lịch quốc tế. Do đó, lượng khách nước ngoài biết đến và tới vùng đất thép trải nghiệm mỗi ngày khá đông. Hầu hết du khách Tây đều cảm thấy thú vị, tò mò với trải nghiệm đi vào đường hầm bí mật và đặc biệt là thử "chui xuống lòng đất" qua lối đi đặc biệt, chỉ nhỏ bằng viên gạch, giống phương pháp quân dân Củ Chi từng sinh hoạt và chiến đấu trong kháng chiến. Một số ngần ngại vì chứng sợ không gian hẹp nhưng số khác thích thú với trải nghiệm bắn súng.
Năm 2017, địa đạo Củ Chi đứng thứ 8 trong danh sách Top 25 điểm đến biểu tượng châu Á được bầu chọn bởi người dùng TripAdvisor - ứng dụng du lịch uy tín phổ biến toàn cầu. Năm 2018, báo South China Morning Post của Hong Kong cho Củ Chi vào top 7 tour đường hầm nổi tiếng thế giới. Tờ CNN cũng từng liệt kê địa danh này vào top điểm đến ngầm dưới dòng đất của thế giới.
Cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) còn được mệnh danh "đất thép thành đồng", căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến. Sau này, nơi đây trở thành địa chỉ du lịch "về nguồn" cho du khách Việt và hút khách nước ngoài bởi sự độc đáo, hiếm có.
Địa đạo được hình thành từ năm 1946 trong kháng chiến chống Pháp và liên tục hoàn thiện trong 20 năm. Hệ thống đường hầm dài tới 200 km, sâu dưới dòng đất từ 3 đến 12 mét, gồm 12 tầng, chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Hệ thống địa đạo là nơi sinh sống, làm việc và chiến đấu của quân dân vùng đất thép, gồm nhiều căn phòng, hầm y tế, nhà ăn, phòng họp, nhà kho lương thực, vũ khí, ổ chiến đấu, bếp, nhà may quân trang, công binh xưởng, giếng nước... Ngày nay, di tích địa đạo được bảo tồn ở hai khu vực Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng) và Bến Đình (xã Nhuận Đức). Một số đường hầm được cải tạo, mở nắp rộng hơn hay phục dựng mô hình cho du khách tham quan.
Địa hình khu vực này khá phức tạp và mang nhiều ý nghĩa lịch sử nên phần lớn khách du lịch mua tour có hướng dẫn viên thuyết minh, giải thích và dẫn đường, tránh bị lạc. Ở khu vực ngoài trời, khách sẽ được trải nghiệm cách chui vào cửa hầm bí mật, phủ một lớp đất đá để ngụy trang. Cửa chỉ có bề rộng vài gang tay nhưng khá đông khách Tây có thân hình cao lớn cũng muốn thử cảm giác này. Khu vực đường hầm đã được cơi nới nhiều đoạn nhưng vẫn khá hẹp và chật chội, chỉ phân luồng một chiều ra, một chiều vào nên du khách cần đi theo sự hướng dẫn.
Du khách cũng được giới thiệu về bếp Hoàng Cầm - một sáng tạo độc đáo thời kỳ kháng chiến, đảm bảo khói bếp chỉ bay là là ở mặt đất, không bốc lên cao, tránh bị máy bay phát hiện. Sau đó, hướng dẫn viên mời khách ăn sắn (khoai mì) luộc chấm muối vừng - món ăn quen thuộc của quân dân vùng đất Củ Chi thời kỳ gian khó. Ngoài hoạt động tham quan, trải nghiệm, khách đến địa đạo còn có thể tham gia các trò chơi như thử tháo lắp súng, đánh trận giả bằng súng sơn, bắn súng thể thao quốc phòng.
Nằm tách biệt với thành phố, Củ Chi cũng là điểm dã ngoại tuyệt vời cho dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ với các hoạt động như thuê xe đạp đi dạo, bơi lội, cắm trại, ăn uống, chèo thuyền, đi ca nô, đạp vịt hay khám phá ẩm thực địa phương.