Ngược lại cổ phiếu không có tính chu kỳ thuộc các doanh nghiệp sản xuất và phân phối những mặt hàng và dịch vụ chúng ta cần, như: thực phẩm, năng lượng, nước, gas. Dù nền kinh tế khó khăn đến đâu, dù cuộc sống của chúng ta có thiếu thốn đến đâu thì vẫn có những thứ mà chúng ta không thể cắt giảm, thí dụ: kem đánh răng, xà phòng, dầu gội, bột giặt. Do vậy, tự thân loại cổ phiếu này có khả năng chống lại sự ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động xấu.
Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại cổ phiếu này đơn giản là sự khác biệt giữa sự cần thiết và sự xa xỉ. Bạn không thế sống nếu thiếu cái ăn, cái mặc, đồ dùng sinh hoạt. Nhưng một chiếc xe hơi lại là thứ mà bạn đang tìm kiếm. Dĩ nhiên, bạn sẽ thấy thích thú hơn nhiều khi mua một chiếc xe hơi so với việc mua một bánh xà phòng.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều hiểu rằng, khi mức sống của người dân tăng lên thì nhu cầu của con người cũng tăng theo, con người có khuynh hướng gia tăng nhu cầu đối với những mặt hàng cao cấp hơn, đắt tiền hơn. Do vậy, tương lai cho các ngành sản xuất, dịch vụ này là rất sáng sủa cũng như hứa hẹn sức hấp dẫn của loại cổ phiếu này. Đặc biệt, với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Việt Nam thì chúng hoàn toàn đáng để bạn xem xét đầu tư.
Nhưng sự lên xuống của nền kinh tế là hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, để đầu tư thành công vào các cổ phiếu chu kỳ đòi hỏi bạn phải có sự dự đoán cẩn thận. Bạn sẽ kiếm được một gia tài kếch xù nếu như dự đoán đúng thời điểm chúng xuống đến đáy và bắt đầu lên trở lại. Nhưng bạn cũng có thể bị mất khoản vốn lớn nếu chọn sai thời điểm đầu tư.
Đầu tư vào cổ phiếu của các ngành sản xuất nhu yếu phẩm là an toàn. Dĩ nhiên, mọi công ty đều tốt hơn nếu nền kinh tế tăng trưởng, nhưng cổ phiếu tăng trưởng thì an toàn ngay cả khi nền kinh tế suy thoái.
Dù trong tình trạng kinh doanh tệ hại nhất thì nó vẫn tăng trưởng, dù có phần chậm hơn so với trung bình dài hạn. Các hãng lớn như Procter & Gamble, Colgate-Palmolive, Gillette Co vẫn tồn tại và phát triển trong bất cứ giai đoạn kinh tế nào. Trong khi đó, cổ phiếu chu kỳ lại phản ứng một cách mạnh mẽ hơn nhiều đối với những thay đổi của nền kinh tế.
Chúng có thể bị thua lỗ triền miên trong suốt thời kỳ suy thoái, thậm chí là phải trải qua những thời điểm cực kỳ khó khăn để tồn tại và đợi đến giai đoạn hưng thịnh trở lại. Nhưng khi mọi thứ có dấu hiệu khả quan thì ngay lập tức những cổ phiếu này sẽ có bước nhảy vọt, chuyển từ thua lỗ sang có lợi nhuận vượt trội. Do vậy, so với cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu chu kỳ có biên độ dao dộng rộng hơn rất nhiều.
Nói một cách khác, đầu tư vào cổ phiếu chu kỳ có mức rủi ro cao hơn so với đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng. Nhưng an toàn thường đi liền với khả năng sinh lợi thấp. Và ngược lại, khả năng sinh lợi cao bao giờ cũng tiềm ẩn rủi ro cao.
Việc tiên đoán sự đi lên quả là khó khăn, đặc biệt là khi một số cổ phiếu chu kỳ đã bắt đầu chuyển biến tốt nhiều tháng trước khi nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Do vậy, để đầu tư thành công với cổ phiếu chu kỳ đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cả sự dũng cảm của nhà đầu tư.
Đầu tiên, nhà đầu tư nên phán đoán xem ngành công nghiệp nào sẽ có sức bật trong tương lai. Trong ngành đó lại chọn tiếp những công ty có sức hút mạnh mẽ. Thường thì những công ty lớn nhất là những công ty an toàn nhất, những công ty nhỏ hơn thì rủi ro nhiều hơn, nhưng trong tương lai, tất cả đều phải thể hiện được tỷ suất sinh lợi ấn tượng nhất.
Lưu ý là khi đầu tư vào cổ phiếu chu kỳ, việc tìm kiếm những công ty có tỷ số P/E thấp có thể là một chiến lược không hiệu quả. Thu nhập của cổ phiếu chu kỳ dao động quá lớn để tỷ số P/E có ý nghĩa. Hơn thế nữa, cổ phiếu chu kỳ với tỷ số P/E thấp lại có thể là một khoản đầu tư nguy hiểm. Một tỷ số P/E cao thường là dấu hiệu cho biết nó đã đến đáy của chu kỳ, trong khi một tỷ số P/E thấp thường là dấu hiệu kết thúc quá trình tăng đến đỉnh. Hãy cẩn thận!
Trong trường hợp này, tỷ số P/B (giá trị thị trường trên giá trị sổ sách) có thể lại hữu ích hơn tỷ số P/E bởi nó sẽ cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ đối với sự hồi phục trong tương lai. Thường thì khi sự hồi phục bắt đầu, giá cổ phiếu sẽ tăng gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách. Ví dụ, khi lên đến đỉnh chu kỳ thì cổ phiếu của các nhà sản xuất linh kiện điện tử được mua bán với giá gấp 3-4 lần giá trị sổ sách. Tuy nhiên, cổ phiếu thuộc lĩnh vực hóa chất, xi măng, bột giấy và những ngành tương tự có khuynh hướng tăng cao hơn trước tiên. Khi sự hồi phục dần ổn định thì các cổ phiếu công nghệ, như linh kiện điện tử, bắt đầu theo sau. Và sau cùng là cổ phiếu của các công ty tiêu dùng như quần áo, hàng không, hàng tự động.
Dấu hiệu mạnh mẽ nhất để bạn mua vào cổ phiếu chu kỳ có lẽ là lúc người trong nội bộ mua. Nếu công ty đã xuống đến đáy của chu kỳ, Ban giám đốc và những quản trị cấp cao sẽ mua, điều này cho thấy lòng tin của họ đối với sự hồi phục hoàn toàn của công ty.
Cuối cùng là bạn nên theo dõi thật sát bảng cân đối kế toán của công ty. Khi nền kinh tế còn nghèo, khả năng tiền mặt của công ty có thể rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư dự định mua cổ phiếu đang ở đáy. Những công ty có nhiều tiền mặt sẽ cho nhà đầu tư nhiều thời gian để kiểm tra liệu chiến lược đầu tư của họ có phải là một chiến lược thông minh hay không.
Bạn cũng cần hiểu rằng, không thể dựa vào những cổ phiếu chu kỳ để kiếm lợi dài hạn. Khi nền kinh tế có vẻ đã lên tới đỉnh thì bạn nên bán chúng đi trước khi chúng sụt giảm. Nếu bạn đã lỡ để cổ phiếu của mình vào trong giai đoạn suy thoái thì hãy cố gắng chờ đợi, 10 năm, thậm chí là 15 năm để chúng có thể lấy lại được giá trị như chúng đã từng có.
(Theo Tin Nhanh Chứng Khoán)