Sự bề thế của BV Chợ Rẫy nói lên sức tiêu thụ thuốc men, y cụ là rất lớn |
Thực ra không phải chỉ gần đây khi bác sĩ Trương Văn Việt, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP HCM) công khai tuyên bố không cho phép bác sĩ của BV mở phòng mạch tư, thì sự bức xúc của y, bác sĩ trong BV mới bùng phát; mà sự bức xúc (về nhiều vấn đề) đã âm ỉ từ lâu!
Cũng phải nhìn nhận rằng, gần 10 năm qua, kể từ khi bác sĩ Trương Văn Việt lên giữ chức giám đốc, đã giúp BV Chợ Rẫy phát triển ở một số mặt. Nhưng đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến y, bác sĩ rất bức xúc.
BV Chợ Rẫy quá lớn, nhu cầu sử dụng thuốc men, máy móc, y cụ và vật tư tiêu hao mỗi ngày vì thế cũng rất cao. Vì lẽ đó, ý tưởng làm giàu bằng việc cung cấp những nhu cầu đó cho BV đã nảy sinh ngay chính trong lãnh đạo BV (cụ thể là giám đốc BV), một số lãnh đạo khoa và cả một số người đang làm việc tại BV.
Với nhu cầu rất lớn như vậy, không phải dễ để chen chân nắm được quyền cung cấp nếu không có người của BV "tiếp sức", hoặc không biết "chạy".
Những vật tư, y cụ như: bông băng, gòn, gạc, cồn, các mẫu xét nghiệm, giấy điện tim, bơm kim tiêm, các dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ phẫu thuật... tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, vì số lượng tiêu thụ mỗi ngày tại Chợ Rẫy là không thể kể hết.
Ở đây chưa đề cập đến những loại có giá trị cao như thuốc men, hóa chất xét nghiệm và các loại máy móc lớn có giá trị từ vài chục đến vài trăm nghìn USD. "Công ty gia đình" đã ra đời trong bối cảnh đó tại BV Chợ Rẫy.
Ngày 18/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến cho biết, đã cử một Thứ trưởng và một Vụ trưởng vào làm việc với ban lãnh đạo BV Chợ Rẫy (TP HCM) để làm rõ việc mua sắm trang thiết bị tại bệnh viện này thông qua "công ty gia đình". Trong trường hợp phát hiện các cá nhân sai phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Cùng ngày, tại hội nghị trang thiết bị do Bộ Y tế tổ chức, Giáo sư Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu việc mua sắm trang thiết bị cần được thực hiện nghiêm túc theo quy chế đấu thầu. Thực tế, có địa phương, khi gửi văn bản xin ý kiến Bộ về việc mua sắm trang thiết bị nhưng trước đó đã tiến hành đấu thầu. Khi được thẩm định, đã phát hiện thiết bị trúng thầu có giá thành cao gấp hai lần giá thực tế. Thứ trưởng Trọng cũng lưu ý việc mua sắm phải trên cơ sở nhu cầu sử dụng và năng lực chuyên môn của cán bộ, tránh tình trạng thiết bị hiện đại nhưng bị "đắp chiếu", rất lãng phí. |
Qua tìm hiểu, tại BV Chợ Rẫy không chỉ có một "công ty gia đình" là Công ty TNHH cung ứng thiết bị BV Hải Lan do chính con gái ruột của bác sĩ Trương Văn Việt làm Giám đốc (nay đã thay đổi người khác làm giám đốc), mà còn có nhiều dạng "công ty gia đình" khác có "dây mơ rễ má" với những người có chức trong BV Chợ Rẫy! Họ tha hồ bán các dụng cụ, thiết bị vào Chợ Rẫy, với doanh số hằng tháng rất lớn, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng!
Trước hết phải kể đến Công ty TNHH cung ứng thiết bị BV Hải Lan (Công ty Hải Lan), trụ sở đặt tại số 175/3 Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 5, TP HCM.
Hải Lan được ghép lại từ tên của con rể (bác sĩ Hải đang làm việc tại BV Chợ Rẫy) và con gái (Trương Thị Xuân Lan) của Giám đốc Trương Văn Việt. Lúc đầu, Công ty Hải Lan do Trương Thị Xuân Lan làm giám đốc, sau đó, do có dư luận trong BV, chức giám đốc được giao lại cho người khác đứng tên!
Ngành nghề kinh doanh của Công ty Hải Lan là mua bán thiết bị, máy móc, vật tư, dụng cụ y tế... Thời gian gần đây, bình quân mỗi tháng, Công ty Hải Lan cung cấp hàng cho BV Chợ Rẫy và Trung tâm Y tế quận 11, TP HCM (nơi vợ ông Việt là bác sĩ Thanh Xuân làm giám đốc) với giá trị ngoài 200 triệu đồng.
Ai cũng biết rằng, Công ty Hải Lan không khó khăn gì để đưa một số mặt hàng vào hai cơ sở y tế, nơi có bố và mẹ của Trương Thị Xuân Lan làm giám đốc. Cho dù Công ty Hải Lan có thay đổi giám đốc đến mấy lần đi chăng nữa, thì người ta cũng không khỏi hoài nghi về "mưu đồ" ngay từ đầu khi thành lập Công ty Hải Lan của Giám đốc BV Chợ Rẫy và những người thân của ông!
Ngoài Công ty Hải Lan, còn có Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Kỹ thuật Hoàng Lộc (trụ sở đặt tại số 48 Long Hưng, phường 7, quận Tân Bình, TP HCM). Hoàng Lộc kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có trang thiết bị y tế. Giám đốc Công ty Hoàng Lộc C.X.Q.A là con gái của một vị đảm trách kho trang thiết bị của BV Chợ Rẫy là C.X.S, vợ ông C.X.S cũng là thành viên công ty. Công ty Hoàng Lộc gần như mỗi ngày cung cấp liên tục nhiều chủng loại dụng cụ vào BV Chợ Rẫy, có ngày xuất đến mấy hóa đơn bán hàng.
Chẳng hạn, trong ngày 1/9, Hoàng Lộc xuất 3 hóa đơn bán hàng cho BV Chợ Rẫy có trị giá 59 triệu đồng; ngày 5/9 Hoàng Lộc xuất tiếp 3 hóa đơn bán một số mặt hàng cho BV Chợ Rẫy (gồm: chỉ phẫu thuật, dây máy thở, gel điện tim...) có trị giá gần 100 triệu đồng; tiếp tục ngày 6/9 bán hơn 65 triệu đồng; ngày 7/9 bán 81 triệu đồng...
Có tháng Hoàng Lộc bán dụng cụ cho Chợ Rẫy gần 2 tỷ đồng, tháng thấp nhất cũng trên 600 triệu đồng. Bình quân (chỉ tính theo con số chúng tôi nắm được), mỗi tháng Hoàng Lộc bán y cụ cho BV Chợ Rẫy có giá trị khoảng 1 tỷ đồng! Theo dư luận, Hoàng Lộc tất nhiên phải biết qua nhiều "cửa" mới nhận được thị phần béo bở này.
Một dạng "công ty gia đình" nữa được thành lập để đưa dụng cụ y tế vào BV Chợ Rẫy đó là DNTN Phạm Hồng Minh, trụ sở đặt tại phường 15, quận 11, TP HCM. Giám đốc công ty này chính là chồng của một vị phó khoa, đồng thời phụ trách đơn vị tiếp liệu thanh trùng của BV Chợ Rẫy là V. Dư luận cũng cho rằng, bà V. là người "rất thân" với Giám đốc Trương Văn Việt.
Theo số liệu điều tra bình quân mỗi tháng DNTN Phạm Hồng Minh cung cấp y cụ cho BV Chợ Rẫy khoảng vài trăm triệu đồng (số liệu gần đây nhất, trong tháng 11 vừa qua là hơn 200 triệu đồng, mặt hàng cung cấp là bông, gạc, gòn miếng, quần áo bệnh nhân). Và hiện tại đơn vị tiếp liệu thanh trùng thực hiện thêm chế độ "gia đình trị" nhằm dễ bề đưa y cụ vào tiêu thụ tại BV. Rồi một "công ty gia đình" khác núp sau một bác sĩ làm việc tại lầu 7 của BV Chợ Rẫy cũng cung cấp nhiều loại y cụ vào Chợ Rẫy bao lâu nay!
Ngoài ra, còn có một "công ty gia đình" nữa (có trụ sở tại phường 15, quận11, TP.HCM), đứng sau là một vị trưởng khoa, mà hầu như nhân viên nào của Chợ Rẫy cũng biết. Hằng tháng, công ty này cung cấp cho BV Chợ Rẫy (mà chủ yếu là khoa Sinh hóa) một lượng hóa chất, dụng cụ xét nghiệm có giá trị rất lớn. Theo tài liệu bình quân mỗi tháng "công ty gia đình" này cung cấp hóa chất, dụng cụ xét nghiệm cho Chợ Rẫy trên dưới 2 tỷ đồng.
Các "công ty gia đình" được sự ưu ái khi bán dụng cụ vào BV, vì vậy việc y, bác sĩ của chính BV Chợ Rẫy nghi ngờ về chất lượng, giá cả dụng cụ do các "công ty gia đình" cung cấp cho BV Chợ Rẫy là điều dễ hiểu. Và gần đây, một số máy móc, trong đó có máy gây mê, máy đốt điện trong phẫu thuật... được Chợ Rẫy mua về với một số tiền khá lớn, sử dụng không bao lâu cái thì hư, cái trục trặc cũng không nằm ngoài mối hoài nghi đó.
Quá trình điều tra đã cho thấy sự vô cùng phức tạp về những phi vụ làm ăn trong lĩnh vực y tế tại BV Chợ Rẫy. Và những gì phản ánh cũng mới chỉ là những chuyện "bên lề" trong nhiều chuyện "làm ăn" tại Chợ Rẫy.
Còn "chuyện chính" đó là việc cung cấp thuốc men (mỗi ngày BV Chợ Rẫy tiêu thụ một lượng thuốc, dịch truyền... khổng lồ để phục vụ cho gần 3 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú và mấy ngàn bệnh nhân đến khám ngoại trú, trên dưới 1 ngàn ca chụp X-quang, CT Scan, hơn 130 ca mổ/ngày...), các thiết bị máy móc đắt tiền! Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra toàn bộ những hợp đồng mua hàng hóa, y cụ của BV Chợ Rẫy, rà soát lại tất cả những công ty mang tính chất "gia đình" bán dụng cụ vào Chợ Rẫy, nhằm tránh sự tổn thất tiền Nhà nước cũng như ảnh hưởng đến người bệnh.
(Theo Thanh Niên)