Ngay trong việc đầu tiên để trở thành công ty đại chúng là chào bán CK lần đầu ra công chúng (IPO), nhiều công ty đã vi phạm trong việc công bố thông tin, như công bố thông tin thiếu hay không chính xác như vụ Intimex gần đây. Trước đó còn có nhiều trường hợp DN ngăn cản NĐT tiếp cận thông tin, vi phạm thời hạn đăng ký mua tối thiểu 20 ngày.
Đơn cử như công ty cổ phần du lịch Vũng Tàu, đã chào bán CK được gần 1 năm nhưng NĐT vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc sở hữu cổ phần cũng như không nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến tình hình DN.
Công ty than Hà Tu đã IPO hơn nửa năm nay nhưng hiện cái mà NĐT có trong tay chỉ là tờ giấy báo trúng thầu và biên lai nộp tiền. NĐT đang đặt câu hỏi tiền của mình được lãnh đạo các công ty đó dùng như thế nào?
Khi gọi điện trực tiếp đến DN hỏi thì được trả lời thủ tục vẫn chưa làm xong. Nhiều NĐT có nhu cầu chuyển nhượng CP nhưng DN vẫn chưa hoàn thiện quy chế chuyển nhượng. Phải chăng chính vì tồn tại này mà mới có chuyện mua bán "CP biên lai" trên thị trường không chính thức?
Những vi phạm kể trên là dễ nhìn thấy và hay xảy ra, còn những vi phạm khác mà NĐT không có khả năng nhìn ra do không đủ quyền hạn và khả năng giám sát.
Những tồn tại trên đặt ra dấu hỏi về việc hiểu biết luật của lãnh đạo DN cũng như ý thức tuân thủ của họ. Đồng thời cũng đặt ra câu hỏi cho cơ quan quản lý và hy vọng trong thời gian tới khi có cơ quan giám sát chuyên trách thì tình trạng trên sẽ được cải thiện.
Các công ty đại chúng có nhiều lợi thế trong việc huy động các nguồn lực sản xuất kinh doanh và nắm bắt được các cơ hội, chia sẻ rủi ro cho nhiều người, đồng thời thương hiệu của DN cũng được nâng cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các công ty đại chúng phải chịu sự điều chỉnh của Luật CK và phải tuân thủ luật này để đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, công khai và bảo vệ được lợi ích hợp pháp của NĐT cũng như vì chính sự phát triển vững chắc của DN.
(Theo Lao Động)