![]() |
Kể cả khi thị trường đi xuống, SSI vẫn đạt lợi nhuận cao. |
Còn lợi nhuận quý 1 và năm 2006 của những “ông lớn” trên thì ngay đến cả “hiện tượng” BMC cũng chào thua (cả về mức lãi trên vốn). “Bí quyết” của lợi nhuận khổng lồ trên là gì?
Lâu nay nhiều nhà đầu tư cứ thắc mắc “chứng khoán lên giá ai là người lợi nhất?”. Giờ đây câu trả lời đã quá rõ ràng: Chính là các CTCK.
Hầu hết các CTCK đều có chức năng tự doanh, đồng nghĩa với việc được mua bán chứng khoán giống như mọi nhà đầu tư khác. Nhưng họ lại có những lợi thế mà các nhà đầu tư thông thường chưa bao giờ có được.
Không ít lần các CTCK bị phạt và bị khách hàng “chỉ mặt” vì ưu tiên lệnh của mình trước, hủy lệnh giao dịch trong cùng một phiên, luôn mua được các loại chứng khoán giá tốt trước khi thị trường có thông tin.
Các CTCK đều biện minh đại diện giao dịch của họ “sơ suất, nhầm lẫn” khi vi phạm nhưng thực tế thì đó là “mánh khóe” mà CTCK nào nếu có dịp đều tranh thủ vì nếu có bị phát hiện mức phạt cũng khá nhẹ, chỉ trên dưới 20 triệu đồng.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn thừa nhận: “Trong kinh doanh ai cũng phải đảm bảo lợi nhuận của mình trước, CTCK nào cũng làm như vậy nên chúng tôi không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc”.
Năm 2006, SSI đầu tư cho những “phi vụ” ngắn hạn lên tới 1.786 tỷ đồng, còn đầu tư dài hạn chỉ 147,8 tỷ. Nói nôm na họ tìm được những cơ hội, thông tin hấp dẫn và chủ yếu “đánh nhanh, thắng nhanh, rút gọn”.
Không chỉ SSI mà VCBS, ACBS, BSC, BVSC... cũng rất ưa chuộng hình thức đầu tư ngắn hạn này. Họ cho rằng kinh doanh phải nhanh nhạy, chuyển động kịp thời theo diển biến thị trường. Trong khi đó quỹ đầu tư nước ngoài nào đầu tư kiểu này lại bị “chụp mũ” là “góp phần làm giá, lũng đoạn thị trường”.
Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam đặt câu hỏi: “Có phải các CTCK mới chính là người điều khiển được thị trường?”. Câu hỏi ấy hoàn toàn có cơ sở khi mà dù có hàng trăm, hàng nghìn tỷ tiền vốn thì bất cứ quỹ đầu tư, cá nhân nào cũng phải giao dịch qua các CTCK.
Vì vậy các CTCK có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ để “lệnh không khớp được” và ai là người điều khiển TTCK có lẽ đã có câu trả lời. Chỉ đổ lỗi cho quỹ đầu tư ngắn hạn, các “đại gia” làm giá, kéo đẩy TTCK lên xuống theo ý họ có lẽ thiếu mà còn phải thêm các CTCK vào. “Vừa đá bóng vừa thổi còi” thì các CTCK không thắng lớn, lời nhiều mới là chuyện lạ.
Trong lúc dư luận đoán già đoán non các quỹ đầu tư nước ngoài đổ tiền vào loại chứng khoán nào, họ sẽ đầu tư vào ngành nghề nào là chủ yếu, chứng khoán gì sẽ hấp dẫn họ thì các CTCK đã biết rõ ngọn nguồn.
Do phải giao dịch qua các CTCK, chỉ cần các quỹ nhờ tư vấn (nếu có) hay chuẩn bị đầu tư vào đâu, CTCK là nơi biết đầu tiên các thông tin “bạc tỷ” này.
Vừa giao dịch cho khách vừa mua bán cho mình, chỉ riêng việc mua, bán được trước các nhà đầu tư khác 1,2 phiên thì món lợi hàng tỷ đồng/ loại chứng khoán không phải là chuyện quá khó.
Cho nên nói như nhà đầu tư Trần Thắng Trung (sàn SSI TP HCM) thì “cứ đặt lệnh theo các công ty chứng khoán là chắc ăn”. Giới đầu tư cũng xem việc săn tin “nội bộ” từ nhân viên các CTCK xem họ mua, bán gì là thông tin quý nhất trong ngày.
Việc tự doanh của các CTCK đang là nỗi bức xúc lớn nhất của các nhà đầu tư vì họ cho rằng sân chơi này thiếu công bằng trong khi UBCKNN lại luôn “giơ cao đánh khẽ” khi các CTCK bị phát hiện tự doanh sai luật.
Đầu tư hay kinh doanh chứng khoán niêm yết kiểu gì thì nhà đầu tư cũng phải chịu phí môi giới trả cho các CTCK. Dù chỉ ở mức 0,2-0,3% tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư (dưới 100 triệu thường thu 0,5%).
Như phiên ngày 28/5, hai sàn Hà Nội, TP HCM đạt hơn 936 tỷ đồng phí môi giới các công ty thu về cũng trên 2 tỷ đồng. Vì lợi nhuận hấp dẫn này mà các CTCK thi nhau nâng cấp dịch vụ, cải tạo mặt bằng để “chiều chuộng” khách hàng.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng giám đốc SSI, cho biết: “Khi SSI đóng cửa với các nhà đầu tư mở tài khoản dưới 100 triệu đồng, chủ yếu là vì chúng tôi chưa mở rộng mặt bằng kịp chứ thật ra CTCK nào cũng cần càng nhiều khách hàng vì đó là nguồn sống”.
Với các CTCK mới như Đại Việt, Tràng An, Âu Lạc, Quốc Tế thì nguồn thu này càng quan trọng và họ luôn đưa ra những tiện ích mới để chào đón khách hàng vì “không mở tài khoản ở công ty này thì cũng phải sang công ty khác.”
Thời gian gần đây, khi các đợt IPO diễn ra liên tục và đa số là “thành công ngoài mong đợi”, các CTCK luôn “vớ bẫm” khi được chọn làm bảo lãnh phát hành.
Ngoài các CTCK “đại gia” trên thì Đại Việt, Quốc Tế, CTCK TP HCM gần đây cũng trúng nhiều hợp đồng bảo lãnh phát hành và phí thu về hàng tỷ là “chuyện nhỏ”. Ngoài ra, các CTCK còn đứng ra làm đại lý đấu giá, nhận ủy thác đấu giá cho khách hàng với mức phí thu về không nhỏ.
Như đợt IPO sắp tới của Bảo Việt, CTCK Quốc tế thu phí ủy thác tối thiểu cho mỗi khách hàng trúng là 2 triệu đồng, không trúng là 1 triệu đồng. Ngoài ra hàng trăm tỷ đặt cọc/một đợt IPO của nhà đầu tư không hề hưởng lãi trong ít nhất một tháng sẽ “sinh sôi nảy nở” không ít cho các CTCK.
Vì vậy dù nhà đầu tư có trúng hay không thì CTCK kiểu gì cũng có tiền. Lợi nhuận quá hấp dẫn và vị thế của các CTCK đang kích thích hàng chục CTCK mới chuẩn bị ra đời và con số 100 CTCK hoạt động có lẽ không còn xa.
FPT đã vào cuộc, ngành dầu khí, cao su, than khoáng sản... cũng không chịu đứng ngoài cuộc bởi TTCK có lên hay xuống, tiền nhà đầu tư còn chảy từ túi này sang túi khác thì ai cũng phải san sẻ vào “túi” của CTCK.
(Theo Tiền Phong)