Chủ nhật, 15/12/2024, 09:00 (GMT+7)

'Công tử Bạc Liêu' may mới 300 bộ đồ, đầu tư nhiều trang sức và phụ kiện

Kể câu chuyện cách đây gần một thế kỷ, phim 'Công tử Bạc Liêu' chăm chút yếu tố thời trang, chuẩn bị hơn 10 set đồ cho mỗi diễn viên Song Luân, Kaity Nguyễn...

Lấy cảm hứng từ ông Trần Trinh Huy - người được mệnh danh công tử Bạc Liêu, thiên hạ đệ nhất chơi ngông của Nam kỳ lục tỉnh, phim 'Công tử Bạc Liêu' viết nên hành trình trưởng thành của một thiếu gia phóng khoáng, ham chơi, thích tiêu xài. Lên phim, nhân vật được đổi tên thành cậu Ba Hơn do Song Luân đảm nhận.

Trong khi kịch bản có nhiều đứt gãy trong kể chuyện, phim tạo thiện cảm ở phần mỹ thuật chỉn chu, nổi bật là thời trang. Trả lời Ngôi Sao, nhà sản xuất Giang Hồ cho biết dự án may mới hơn 300 bộ đồ, lên bản phác thảo chi tiết tạo hình trong từng cảnh quay cho các nhân vật trung tâm.

Là người yêu thời trang, cô Sáu (Kaity Nguyễn), em gái út của công tử Bạc Liêu, được đầu tư tủ đồ đa dạng nhất phim. Ở đầu tác phẩm, khi cậu Ba Hơn trở về sau những ngày du học Pháp, cô Sáu hân hoan đón anh trai trong bộ áo bà ba truyền thống may từ lụa tự nhiên.

Áo có lớp lót bên trong, chặn một số điểm để tôn đường nét duyên dáng, có phần gợi cảm nhưng vẫn kín đáo. Hai gam màu trắng - hồng của bộ đồ hòa hợp với vẻ tươi trẻ, ngây thơ của tiểu thư tuổi 16-17.

Sau này theo anh trai lên Sài Gòn, cô Sáu dần hòa nhập vào nhịp sống tân thời, chuyển tử các bộ bà ba truyền thống sang áo dài Lemur hợp mốt. Chiếc áo dài này được may từ vải Taffeta tạo độ bóng. Phần ren thêu tay bằng kỹ thuật hiện đại và các nét phá cách ở phần cổ áo, tay áo gợi cảm giác cách tân.

Theo nhà sản xuất Giang Hồ, nhân vật này có hơn 10 tạo hình trong phim. Kaity Nguyễn bày tỏ một trong những lý do thuyết phục cô nhận vai là được thỏa sức làm đẹp với các kiểu áo dài thời xưa.

Trong vai trò giám đốc sản xuất kiêm giám đốc sáng tạo, nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho hay êkíp lựa chọn áo dài Lemur làm điểm nhấn của thời trang trong 'Công tử Bạc Liêu', bởi đây là một biểu tượng của thời trang ở Nam Kỳ thập niên 1930-1940.

Tuy nhiên, thực hiện loạt áo dài trong phim là một bài toán khó. Khung xương phụ nữ ngày nay thay đổi nhiều so với cách đây cả thế kỷ. Thủy Nguyễn cùng các cộng sự phải tính toán phom dáng, màu sắc trang phục phù hợp thời đại bây giờ nhưng đảm bảo giữ được tinh thần nguyên bản.

Thay vì lụa tự nhiên, đội ngũ mỹ thuật của phim chọn chất liệu phi, tafta, lụa nhân tạo cho các set đồ của dàn giai nhân trong phim. Trang sức của cô Sáu đều dùng ngọc trai, tôn lên nét năng động - theo giải thích của người phụ trách tạo hình nhân vật Hiệp Lê Đức.

Cô đào cải lương Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân đóng) dựa theo nguyên mẫu là NSND Phùng Há gắn liền với các bộ áo dài Lemur trong phim. Nhân vật sử dụng nhiều nữ trang kim cương, ngụ ý về khát vọng thượng lưu.

Một số bộ áo dài của các nhân vật phụ và hai bộ đồ diễn cải lương sử dụng trong phim 'Công tử Bạc Liêu' hiện được trưng bày trong triển lãm 'Mỹ thuật trong điện ảnh'. Triển lãm diễn ra đến hết 25/12.

Là nhân vật trọng tâm của phim, cậu Ba Hơn cũng được chăm chút tỉ mỉ về hình ảnh. Luôn xuất hiện với suit trắng, nhân vật dễ gây nhầm tưởng mặc mãi một bộ đồ từ đầu đến cuối phim. Theo giải thích của đội ngũ mỹ thuật, mỗi set đồ của Song Luân có sự điều chỉnh về sắc độ trắng của vải, chất liệu vải, chi tiết cắt may hoặc phụ kiện. Nam diễn viên có hơn 10 tạo hình trên màn ảnh.

Chuyên gia mỹ thuật Hiệp Lê Đức giải thích thêm: 'Các bộ đồ của cậu Ba Hơn được may theo phong cách cổ điển đúng chất quý tộc, thể hiện cậu là tín đồ thời trang. So với kiểu dáng suit của nam giới cách đây 100 năm, các set đồ trong phim được may gọn gàng hơn, dáng suông hơn'.

Vai diễn công tử Bạc Liêu được chuẩn bị nhiều mũ phớt, cà vạt, đồng hồ, nhẫn, giày da, mắt kính. Êkíp tiết lộ họ phải chuẩn bị cuốn sổ tay phân tích tạo hình nhân vật, kèm quy cách mặc vest vì mỗi tạo hình đi kèm nhiều phụ kiện.

Set đồ lái máy bay của cậu Ba Hơn dựa theo quy chuẩn trang phục bay truyền thống, với áo safari có nguồn gốc từ quân đội, được các binh sĩ Anh và Pháp phát triển sau những cuộc chiến chinh ở châu Âu.

Hai thiết kế trang phục bay dành cho nam và nữ được trưng bày trong triển lãm của bộ phim.

Ông bà hội đồng (NSƯT Thành Lộc - nghệ sĩ Thanh Thủy) được chuẩn bị các bộ áo dài ngũ thân sang trọng. Vai diễn bà hội đồng sử dụng nhiều trang sức vàng để tôn vinh quyền lực, địa vị của bà.

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới