Mận đang vào mùa, bạn có thể tranh thủ mua để làm món mận lắc đơn giản. Đầu tiên, rửa sạch, bổ đôi quả và vặn nhẹ để tách đôi. Đây là cách làm đơn giản nhất, ngoài ra, bạn cũng có thể đập dập cho phần vỏ nứt ra, hoặc cắt vát chừa lại phần hột. Tiếp theo là làm nước xốt trộn mận. Công thức gồm: 5 thìa đường, 1 thìa nước mắm, 1 thìa ớt bột, 1/2 thìa hạt tiêu, 1 thìa muối Hảo Hảo (hoặc gia vị mì), cắt thêm vài lát ớt rồi trộn đều hỗn hợp và đổ lên trên mận đã cắt sẵn, lắc đều cho gia vị ngấm vào trong quả.
Mận dầm ngon nhất là để sau một tiếng, tuy nhiên, không ít người chọn ăn luôn do quá thèm. Mận vẫn giữ được độ giòn tươi, chua dịu, quyện với gia vị ngọt cay mặn, "làm bao nhiêu ăn cũng hết". Có khá nhiều công thức trộn mận khác nhau, bạn cũng có thể thêm một số gia vị yêu thích như mật ong, muối tôm... cho vừa miệng. Về cơ bản, các công thức này thường có nhiều đường để cân bằng lại vị chua của mận. Nhưng nếu không thích ăn ngọt, bạn có thể chỉ sử dụng ớt bột, ớt tươi, muối, tiêu... tùy theo khẩu vị.
Một số công thức khác cho bạn tham khảo. Cách thứ nhất: trộn 0,5 kg mận với 80 gr đường nâu, 5 gr ớt bột, 10 gr muối tôm. Cách thứ hai: trộn 500 gr mận với 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường trắng, 5 gr ớt băm, 1/2 muỗng cà phê bột tỏi. Cách thứ ba: trộn 0,5 kg mận với 1/2 muỗng cà phê mắm tôm, 2 muỗng cà phê đường trắng, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 2 gr ớt băm, 1 muỗng cà phê ớt bột.
Những trái mận chua giòn, ngọt nhẹ luôn là loại trái cây "gây thương nhớ" mỗi khi hè về, dù bị đánh giá là "BHA tự nhiên, có khả năng đẩy mụn" vì mang tính nhiệt, dễ gây nóng trong người. Có khá nhiều cách chế biến mận như mận dầm (lắc), siro mận, mứt mận, trong đó, mận dầm luôn là món được yêu thích bởi có thể thưởng thức trọn vẹn mùi vị của loại quả này. Ngoài ra, để giữ mận được lâu, nhiều bà nội trợ chọn làm siro và mứt để ăn dần.
Trước đây, mận chỉ có ở miền Bắc, phổ biến nhất ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn... Nhưng hiện nay, mận xuất hiện nhiều ở miền Nam, thường được gọi là mận Bắc, mận Hà Nội, phân biệt với trái mận miền Nam (hay còn gọi là quả roi).