![]() | |
Nhiều công nhân đã vào viện với trạng thái mệt mỏi, buồn nôn, nhức đầu, khó thở. Trong số đó có 28 người nghi bị phơi nhiễm nặng đã được chuyển gấp đến Viện Hạt nhân Đà Lạt làm xét nghiệm. Sau nhiều lần né tránh báo chí, chiều 29/12 lãnh đạo công ty PTSC M&C mới đồng ý tiếp các phóng viên nhưng từ chối cho chụp ảnh và không cung cấp những tài liệu liên quan đến vụ rò rỉ nguồn phóng xạ tại cảng hạ lưu PTSC ngày 28/12. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc công ty, cũng chính thức xác nhận đã chuyển gấp 28 lao động nghi bị phơi nhiễm nặng đến Viện Hạt nhân Đà Lạt làm xét nhiệm, chưa kể số lao động đang điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu), Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur (TP HCM)... Theo ông Tùng, kết quả xét nghiệm phải sau hai tuần mới có. Tối 28/12, sau khi xảy ra sự cố rơi nguồn phóng xạ tại giàn Bunga Orkid D (BOD) trong cảng hạ lưu PTSC (phường 9, TP Vũng Tàu), Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phòng an ninh kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập biên bản với đại diện của công ty Alpha.
Vì sao nguồn phóng xạ bị rơi mà nhân viên giám định của công ty Alpha không biết? Theo quy trình an toàn phóng xạ, sau khi đo xong, thu hồi nguồn phóng xạ phải đo lại để đảm bảo an toàn rồi mới chuyển thiết bị đo đến vị trí khác. Bản tường trình của nhân viên công ty Alpha cho biết nguồn phóng xạ được dùng để đo mối hàn tại giàn BOD lúc 12h ngày 28/12; đến 12h30 thu nguồn, chuyển sang vị trí khác để chụp thì "phát hiện bị rơi lúc 13h55 (không rõ là bị rơi vào thời điểm này hay đến thời điểm này mới phát hiện bị rơi). Nhưng các công nhân làm việc tại hiện trường cho biết, đến khoảng 15h công nhân mới được thông báo rời giàn vì nghi có nguồn phóng xạ trong khu vực. Khi phát hiện bị mất nguồn thì khoảng 400 công nhân làm việc tại giàn BOD đã vào ca, chưa kể hàng trăm công nhân làm việc ca trước đó. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc công ty PTSC M&C, cho biết, việc kiểm tra các mối hàn của giàn BOD cũng như công trình khác bằng nguồn phóng xạ, PTSC M&C thuê công ty TNHH Cảng dịch vụ dầu khí làm nhà thầu. Công ty này lại thuê công ty Alpha làm nhà thầu thứ 3. Liên tục từ sáng đến chiều 29/12, khoảng 100 công nhân làm việc tại giàn BOD đã nhập Bệnh viện Lê Lợi trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn. Ông Trần Văn Bảy, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, cho biết, khoa cấp cứu của bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh viện đã liên hệ và chuyển bớt một phần công nhân nghi nhiễm phóng xạ sang Trung tâm y tế Liên doanh dầu khí Việt Xô để điều trị. Anh Bùi Khánh Tùng (31 tuổi), công nhân lắp ráp tổ 4, đang điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, nói: "Khi ngủ dậy đi làm tôi thấy chóng mặt, thỉnh thoảng hơi tức ngực". Còn anh Ngô Ngọc Dũng, nhân viên bảo vệ công ty dịch vụ bảo vệ Sao Mai, cũng đang nằm do chóng mặt, tức ngực. Đến khoảng 9h30, công nhân Đỗ Văn Lam đến bệnh viện bằng ôtô của PTSC M&C với dáng đi thất thểu, mắt lờ đờ. Đến chiều 29/12, nhiều công nhân của PTSC tiếp tục nhập viện vì các triệu chứng nhức đầu, khó thở. Ông Phan Thanh Tùng cho biết, đến cuối buổi chiều 29/12, đã có hơn 300 công nhân còn lại được đưa đi xét nghiệm mẫu hồng cầu, bạch cầu tại các bệnh viện Vũng Tàu và TP HCM. Về chính sách, ông Tùng nói công nhân khoán gọn (hợp đồng thời vụ) hay công nhân chính thức nếu bị nhiễm xạ thì công ty cũng thực hiện các chế độ, chính sách như nhau. Hiện công trình chế tạo giàn BOD hầu như bị ngưng trệ hoàn toàn, công nhân không dám đến gần hiện trường do chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. (Theo Tuổi Trẻ) |