Sau khi Bộ Tư pháp Canada thông báo quyết định cho phép Mỹ thực hiện các phiên điều trần nhằm dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) hôm 1/3, luật sư đại diện cho bà Meng đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao British Columbia, khởi kiện chính phủ Canada, Cơ quan Dịch vụ Biên giới (CBSA) và Cảnh sát Hoàng gia Canada. Trong đơn kiện, luật sư của bà Meng cáo buộc các cơ quan này đã vi phạm Hiến chương Canada về Quyền và Tự do khi bắt, lục soát và thẩm vấn bà trong ba giờ tại sân bay Vancouver đầu tháng 12 năm ngoái.
Trong đơn kiện trình lên tòa án ngày 1/3, luật sư của bà Meng cho biết các sĩ quan đã bắt giữ bà khi đang làm thủ tục quá cảnh tại sân bay Vancouver. Họ lấy đi hai điện thoại, iPad và máy tính, sau đó bắt bà cung cấp mật khẩu của các thiết bị đó. Luật sư cho rằng các nhân viên CBSA đã cố tình trì hoãn việc ra lệnh bắt, đồng thời tiến hành lục soát và thẩm vấn trái pháp luật. Trong khi đó, cảnh sát Hoàng gia Canada chỉ đưa ra lệnh bắt giữ ba giờ sau khi bà Meng bị giam giữ "bất hợp pháp" tại sân bay.
Meng Wanzhou, con gái người sáng lập tập đoàn viễn thông Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), bị Canada bắt giữ hôm 1/12/2018 theo đề nghị của Mỹ với lý do vi phạm các lệnh trừng phạt của nước này nhằm vào Iran. Sau 3 phiên điều trần, tòa án British Columbia cho phép bà Meng được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD cùng một số điều kiện khác.
Ngày 28/1, trong cáo trạng gồm 13 điều, bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Huawei và bà Meng Wanzhou lừa dối một ngân hàng quốc tế cùng cơ quan chức năng nước này về quan hệ giữa tập đoàn với công ty con Skycom Tech và Huawei Device USA để tiến hành các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.
Trước các cáo buộc từ Mỹ, Huawei và bà Meng Wanzhou lên tiếng phủ nhận. Hiện tập đoàn này đối mặt với hàng loạt khủng hoảng đến từ sự tẩy chay của nhiều quốc gia và nhà mạng châu Âu. Hai nước New Zealand và Australia đã cấm các công ty viễn thông sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động 5G.
Sơn Nam
Theo Bloomberg