Máy bay chở con gái nhà sáng lập Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Baoan Thâm Quyến lúc 21h50 ngày 25/9 (giờ địa phương). Mặc bộ váy màu đỏ, bước xuống máy bay trong tiếng reo hò, Meng không kìm được nước mắt, vẫy tay chào mọi người. Đây là lần đầu tiên Meng trở về nước, sau gần ba năm bị giam lỏng tại Canada với cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC thực hiện các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Tôi cảm ơn đất nước và nhân dân thân yêu đã ủng hộ, giúp đỡ tôi. Họ là chỗ dựa lớn nhất để tôi có thể bám trụ đến bây giờ", Meng nói trong bài phát biểu tối 25/9 tại sân bay.
Trước đó, chuyến bay của Meng mang số hiệu CCA552 từ Vancouver về Thâm Quyến được cộng đồng mạng Trung Quốc theo dõi sát sao. Tại sảnh sân bay quốc tế Baoan Thâm Quyến, hàng trăm người đã tập trung, cầm biểu ngữ, hoa và quốc kỳ để chào đón Meng về nước. Nhiều câu biểu ngữ như "Chào mừng cô Meng Wanzhou về nhà", "Meng Wanzhou, bà là một nữ anh hùng. Chúng tôi yêu bà" được hô vang. Nhân viên sân bay phải có mặt để giữ trật tự đám đông.
Trong khi đó tại tòa nhà chọc trời cao nhất ở Thâm Quyến, Trung tâm Tài chính Ping An, cao 555 m, cũng được thắp sáng với thông điệp "Chào mừng Meng Wanzhou về nhà" vào tối 25/9.
Meng Wanzhou bị giới chức Canada bắt tại sân bay Vancouver theo yêu cầu của Mỹ ngày 1/12/2018. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc bà Meng nói dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei. Sau khi bị bắt, bà Meng bị quản thúc tại một biệt thự ở Canada trong gần 3 năm. Bà trải qua nhiều phiên điều trần nhằm chống lại các cáo buộc và lệnh dẫn độ sang Mỹ.
Meng, 49 tuổi, được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver, Canada hôm 24/9, vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà. Để đạt thỏa thuận, bà Meng đồng ý với một số cáo buộc trong vụ án, đổi lại sẽ không bị dẫn độ về Mỹ.
"Trong ba năm, cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Đó là khoảng thời gian đầy xáo trộn của tôi với tư cách là một người mẹ, người vợ và người điều hành công ty. Tôi tin trong cái rủi luôn có cái may. Đó thực sự là một trải nghiệm vô giá trong cuộc đời tôi", bà Meng chia sẻ với phóng viên sau khi rời phiên điều trần ở Vancouver sáng 24/9.
Bà Meng - được mệnh danh là "Công chúa Huawei" - là một trong ba người con của nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei. Bà được cho là người thừa kế sáng giá của Huawei và là một trong những lãnh đạo quan trọng nhất tập đoàn này. Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất toàn cầu. Tập đoàn này là biểu tượng cho sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc trở thành cường quốc công nghệ trên thế giới. Tuy nhiên, Huawei cũng bị Mỹ nghi có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Vụ bắt giữ bà Meng đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada. Trung Quốc cáo buộc Canada tiếp tay "đàn áp" bà Meng, cáo buộc Mỹ tấn công chính trị vào một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này. Vài ngày sau khi bà Meng bị bắt, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig, vì tội gián điệp. Sau khi bà Meng được thả tự do, Trung Quốc cũng phóng thích hai công dân Canada.
Sơn Nam (Theo SCMP)