Bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), Giám đốc tài chính Huawei, có mặt tại Tòa án Tối cao British Columbia để tham gia phiên xét xử dẫn độ về Mỹ hôm 20/1 (giờ địa phương). Giai đoạn đầu tiên của phiên xử dự kiến kéo dài ít nhất bốn ngày. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có thể mất nhiều năm tòa án mới ra phán quyết dẫn độ Meng Wanzhou hay không, do hệ thống tư pháp của Canada vận hành chậm chạp và cho phép kháng cáo với nhiều quyết định khác nhau.

Bà Meng Wanzhou vui vẻ rời biệt thự ở Vancouver để đến tham gia phiên xử hôm 20/1. Ảnh: AFP.
Tại phiên tòa này, thẩm phán sẽ cân nhắc liệu tội phía Mỹ cáo buộc có phải là một tội theo luật pháp Canada hay không. Theo luật sư của bà Meng, nếu hành vi của bà diễn ra tại Canada, nó sẽ không vi phạm lệnh cấm vận nào của nước này.
Nếu bị kết tội ở cả hai quốc gia, hay còn gọi là "tội phạm kép", bà Meng sẽ bị dẫn độ về Mỹ. Trong trường hợp tòa án chưa đủ điều kiện để kết luận "tội phạm kép", bà Meng sẽ được thả tự do. Tuy nhiên theo các chuyên gia pháp lý, đây là vụ án phức tạp, liên quan đến quan hệ ngoại giao của cả Mỹ, Canada và Trung Quốc nên có thể kéo dài vài tháng hoặc tới vài năm.
Meng Wanzhou, 47 tuổi, con gái nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei, bị bắt khi đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Vancouver, Canada, tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ do vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran của nước này. Bà Meng đối mặt với hàng loạt cáo buộc như lừa đảo, ăn cắp bí mật thương mại và không tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, cả bà Meng và Huawei đều phủ nhận các cáo buộc này.

Bà Meng Wanzhou đi cùng nhân viên an ninh.
Sau vụ bắt giữ bà Meng, quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor vì cáo buộc về gián điệp, đe dọa an ninh quốc gia. Họ bị từ chối quyền tiếp cận với luật sư và không thể gặp gia đình. Trong khi đó, bà Meng được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và tự chi trả chi phí an ninh. So với các công dân Canada bị bắt giữ, bà Meng có cuộc sống thoải mái trong căn biệt thự 16 triệu USD, được tự do tiếp khách và di chuyển trong phạm vi Vancouver, miễn là về trước giờ giới nghiêm 23h.
Sau sự việc xảy ra với bà Meng, Huawei liên tục rơi vào khủng hoảng khi bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen, cấm các công ty của nước này giao dịch kinh doanh với gã viễn thông khổng lồ. Đồng thời, Mỹ cáo buộc Huawei có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và các thiết bị của công ty này có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Huawei hiện dẫn đầu công nghệ 5G nhưng cũng chịu sự tẩy chay từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Newzealand... Tuy gặp nhiều khó khăn, Huawei vẫn là hãng viễn thông lớn nhất toàn cầu và đơn vị sản xuất smartphone đứng thứ hai thế giới, sau Samsung.
Sơn Nam (Theo Reuters, CNN)