Hà Thanh Giang
(Thi viết 'Người phụ nữ tôi yêu')
Khi còn bé, mỗi lần được hỏi: "Con thương ai nhất?", câu trả lời của tôi luôn là: "Con thương mẹ nhất trên đời!". Và đến bây giờ, nếu có ai đó nhắc lại câu hỏi ngày nào, tôi vẫn nói như vậy. Với tôi, mẹ là người phụ nữ giỏi giang nhất. Mẹ làm được tất cả mọi việc, kể cả những việc nặng nhọc, cần tới sức mạnh của đàn ông. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có một người mẹ vĩ đại như vậy.
Mẹ tôi là con cả trong gia đình có 9 chị em. Nhà ngoại tôi rất nghèo, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào gánh tạp hóa bà ngoại bán trước cửa nhà. Vì thương ông bà vất vả nên ngay từ nhỏ, mẹ tôi đã phải vừa đi học, vừa trông các em, vừa đi làm thuê để phụ giúp gia đình.
Lớn thêm chút nữa, gia đình khó khăn, ông bà ngoại muốn mẹ nghỉ học để giảm bớt gánh nặng. Mẹ đã phải thuyết phục ông bà mấy ngày liền để được tiếp tục đi học. Từ đó, mẹ phải vất vả, làm nhiều hơn để tự kiếm tiền học. Lúc đó, ai thuê làm gì mẹ cũng làm, từ việc cày xới đến làm cỏ, bỏ phân, mẹ không hề từ chối bất cứ việc gì, miễn có tiền đem về cho bà ngoại là được.
Với bao nhiêu công sức bỏ ra, cuối cùng mẹ cũng học hết lớp 12 và theo học ngành sư phạm mầm non. Thời đó lương giáo viên đúng nghĩa "ba cọc ba đồng", chẳng làm sao đủ để trang trải chi phí cho cuộc sống. Mẹ vẫn buổi sáng đến trường, buổi chiều vác cuốc lên rẫy để kiếm thêm nguồn thu nhập. Khi các cô gái cùng trang lứa lần lượt về nhà chồng, mẹ vẫn tần tảo sớm hôm một mình vì trách nhiệm của một người con, một người chị. Đến khi bị ông bà ngoại thúc giục mãi, cũng là lúc các em đã lập gia đình gần hết, mẹ mới đồng ý nhận lời cầu hôn của ba tôi - một người lính đã ngoài ba mươi với vết thương cột sống do chiến tranh để lại.
Ngày cưới là một ngày vô cùng trọng đại của đời người, bất kỳ cô dâu nào cũng mong muốn mình là người đẹp và hạnh phúc nhất. Mẹ tôi cũng vậy. Nhưng vì không có tiền để thuê hay mua trang phục cưới nên mẹ đã tự tay sửa lại cái áo dài trắng của mình. Mẹ tự thêu những cánh hoa, kết hạt cườm cho thêm phần lung linh. Một đám cưới đơn sơ, giản dị nhưng vẫn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Về làm dâu trong một gia đình khuôn phép của người Bắc, những khác biệt trong cung cách sống, khác biệt vùng miền, cộng với sự đố kỵ, ganh ghét của các cô - em của bố, làm mẹ thêm phần vất vả. Sau ngày cưới, mẹ vẫn tiếp tục việc dạy học và làm rẫy của mình. Ngày mẹ bụng mang dạ chửa, gần tới ngày sinh, mẹ vẫn đi cắt cỏ thuê, vác những gánh phân nặng trĩu ra đồng. Ngày tôi ra đời, mẹ đã tự tay may từng cái khăn, chiếc tã, cho đến những bộ quần áo bé xinh. Thuở nhỏ, hai chị em tôi đều được mẹ may quần áo cho mặc, từ đồ ở nhà, đồng phục đến trường, cho đến những bộ váy, đầm dễ thương không thua gì được bán ngoài chợ.
Chúng tôi lớn lên trong sự yêu thương, hy sinh của bố mẹ. Nhờ sự cần mẫn, siêng năng và chắt chiu từng đồng của mẹ, gia đình tôi dần dần khá hơn. Ngôi nhà tranh vách đất được thay thế bằng nhà tường xây, mái ngói khang trang. Chiếc tivi trắng đen cũ kỹ, thường xuyên mất tín hiệu được thay bằng một chiếc tivi màu hiện đại hơn, đàn heo của mẹ được nhân giống ngày một đông hơn. Mỗi khi ra đường, tôi thường được nghe mọi người bảo: "Mẹ mày giỏi thật đấy, cái gì cũng làm được". Tôi thấy lòng vui và hãnh diện khôn tả.
Mặc dù bận nhiều việc nhưng mẹ luôn dành thời gian để nói chuyện với chúng tôi. Chính vì thế, tôi coi mẹ như một người bạn thân thiết. Mỗi lần đi học về, tôi lại thao thao kể với mẹ hết mọi chuyện đã xảy ra trong ngày. Từ chuyện tôi để quên sách, chuyện đứa bạn cùng lớp bị phạt vì tội không làm bài, cho đến cả những mối tình "ngốc xít" của mình. Mẹ luôn lắng nghe và đưa ra những lời khuyên dí dỏm nhưng vô cùng hữu ích. Tôi đã khôn lớn, trưởng thành hơn từ những quan tâm, những bài học rút ra từ đáy lòng mẹ.
Ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, mẹ mừng rơi nước mắt. Nhưng điều đó cũng chất thêm gánh nặng trên vai mẹ khi đứa con gái lần đầu tiên xa quê. Ngày lên xe vào thành phố, mẹ đã căn dặn tôi đủ điều, tự tay chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết và không ngớt sụt sùi khiến tôi cũng không cầm được nước mắt.
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã rời xa vòng tay mẹ để sống nơi đất khách quê người này được gần 8 năm. Một quãng thời gian rất dài không có gia đình, người thân bên cạnh, tôi đã phải tự mình vượt qua những khó khăn, sóng gió trong cuộc đời. Lúc tôi tưởng mình không thể trụ nổi, người đầu tiên tôi nhớ đến là mẹ. Và khi gọi điện thoại về, trút hết những điều mình đang phải đối diện, tôi đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi biết mẹ cũng đau lòng lắm khi thấy tôi khổ sở như vậy, chính sự động viên, vỗ về của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh để tôi có thể bước đi.
Tôi biết rằng dù tôi có khôn lớn đến thế nào thì với mẹ, tôi vẫn là đứa con gái bé bỏng, dại khờ. Nhân dịp 8/3 này, tôi muốn gửi đến mẹ những suy nghĩ, tình cảm từ đáy lòng để làm món quà tặng mẹ. Và một câu mà tôi đã muốn nói ra từ lâu nhưng vẫn không thể thốt nên lời: "Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!".