Ngày 4/10, người đẹp Trung Quốc Kitty Wang đã giành vương miện Hoa hậu trong cuộc thi Hoa hậu châu Á tổ chức tại Hong Kong. |
Sự kiện “cải cách” trong tư duy làm đẹp mang tính tiên phong xảy ra vào năm 1983, khi một nhà máy dệt ở Thượng Hải tổ chức “chương trình thời trang” trong nhà kho bỏ hoang với nhóm người mẫu nghiệp dư. Tiếp đó, một công ty dệt đưa các mẫu thiết kế trên lên Bắc Kinh để triển lãm như một cách tiếp thị. Thành công bất ngờ. Tất cả sản phẩm từ công ty may mặc đó ở Thượng Hải bán hết sạch và nhóm người mẫu nghiệp dư trở nên nổi tiếng.
Tiếng vang từ "chương trình thời trang" này thậm chí được một số nhân vật lãnh đạo Bắc Kinh chú ý. Cuối cùng, chính phủ chính thức cho phép hoạt động biểu diễn thời trang. Thập niên 1990, trình diễn thời trang bắt đầu được xem như là một nghề ở Trung Quốc. Bây giờ, nghề người mẫu đã trở thành cơn sốt. "Mỗi năm, tôi thấy ít nhất 200 thí sinh từ khắp đất nước tham gia các cuộc thi tuyển người mẫu chuyên nghiệp", theo Xiao Bin, giảng viên Viện Thời trang Bắc Kinh. Tất cả đều ôm mộng trở thành Lu Yan, một người mẫu nổi tiếng của Trung Quốc đã xuất hiện trên sàn diễn Pans, có mặt trên trang bìa tờ Elle và Paris Match, làm người mẫu quảng cáo cho Christian Dior, Gucci và Christian Lacroix...
Tháng 12/2004, nữ sinh viên Feng Qian, 22 tuổi, đã chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu giải phẫu thẩm mỹ. Cuộc thi được tổ chức (lần đầu tiên) sau khi một thí sinh 18 tuổi bị đánh văng khỏi một cuộc thi sắc đẹp bởi vài chi tiết ngoại hình của cô từng được điều chỉnh dưới nhát dao phẫu thuật thẩm mỹ. Nhắc đến phẫu thuật thẩm mỹ cũng cần nói thêm rằng Trung Quốc hiện cũng bắt kịp sự tiến bộ trong kỹ thuật thẩm mỹ của thế giới. Như công nghiệp người mẫu, công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ từng bị nghiêm cấm. Cách đây 20 năm, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ giới hạn ở kỹ thuật chỉnh hình cho nạn nhân bị tai nạn lao động.
Thế nhưng hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành ngành công nghiệp doanh thu 2,4 tỷ USD/năm với chừng 1 triệu ca mỗi năm. Bệnh viện hoặc thẩm mỹ viện tên tuổi có thể thực hiện 50 ca/ngày. Ít nhất 10.000 thẩm mỹ viện đã được cấp phép. Trên truyền hình, báo chí hoặc thậm chí taxi, người ta có thể thấy nhan nhản quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong bức tranh tổng thể xã hội Trung Quốc thời cái đẹp được tôn sùng, có không ít ý kiến phản đối. Người ta chỉ trích làn sóng thiếu niên còn ở tuổi "con nít ranh" đã nhăm nhe làm người mẫu khi đầu tư cho phấn son nhiều hơn là sách vở. Người ta lên án cơn sốt "sắc đẹp nhân tạo" và người ta cũng dèm pha các cuộc thi hoa hậu, từ "cấp phường" đến "cấp chợ"...
(Theo Người Lao Động)