![]() |
Anh Trần Văn Chê cùng với cây dó bầu được đào từ rừng đêm về để trồng ở nhà. |
Hàng trăm kg kỳ nam ở đâu? |
Chiều ngày 11/4, 4 người trúng gần 100 kg kỳ nam vẫn chưa trở về làng. Người nhà của họ bắt đầu đứng ngồi không yên trong khi cơn sốt tìm kỳ nam ở vùng này ngày một tăng nhiệt.
Theo lời kể của anh Trần Văn Chê, một trong 4 người trực tiếp mang vác kỳ nam đào được của nhóm 4 người đàn ông (Tuấn, Tài, Lợi, Giác), gốc cây dó mà nhóm của Tuấn tìm được kỳ nam có 4 rễ phụ chung quanh và một rễ chính ở giữa. Trước đấy, nhiều nhóm tìm trầm đến đào bới 3 rễ phụ nhưng không có trầm. Vì vậy, chẳng ai thèm ngó ngàng đến gốc cây này nữa. Đúng vào chiều 22/3, khi nhóm của Tuấn đang trú mưa dưới gốc cây da, một tiếng sét lớn đánh xuống gốc cây dó gần đó. Thấy vậy, anh Lợi mang cuốc tới đào, với mục đích tìm “búa trời”, nhưng khi đào xuống chừng 1 m thì đụng cái rễ phụ thứ tư. Lưỡi cuốc đào sâu vào gốc rễ chừng 30 cm lộ ra một cái bộng rỗng to bằng cái thùng đựng nước có bán kính 50 cm. Lợi nhìn vào và kêu lên: “Trúng trầm rồi, trúng trầm rồi!”.
Ba người trong nhóm của Lợi vẫn không tin, ung dung ngồi trên gốc cây da hút thuốc. Đến khi Lợi quát to “xuống đây mà xem, khối trầm to lắm”, lúc này 3 người kia mới chịu nhảy xuống. Rễ cây kết tụ thành kỳ nam bắt đầu lộ diện dần, một mùi trầm hương thơm ngát tỏa ra. Rễ cây đã bị mục nát chỉ còn lại một đoạn rễ dài chừng 3 m màu nâu. Đó chính là đoạn kỳ nam được kết tụ mấy trăm năm qua dưới lòng đất. Bốn chàng trai này ai cũng khỏe mạnh, nhưng phải gần 5 tiếng đồng hồ mới đưa được đoạn kỳ nam lên khỏi mặt đất.
“Đi làm trầm cũng như mua vé số vậy, trời cho ai nấy hưởng anh ạ”, anh Chê nói. Theo kinh nghiệm của anh Trần Nhân, người có thâm niên hơn 25 năm đi tìm trầm, những cây dó nằm trên triền đồi thường phát trầm nhiều hơn những cây nằm dưới hố. Cây nào có u sần nhiều, cây đó có trầm nhiều. Cây dó phát trầm nhiều nhất là ở vùng rừng Quảng Nam, nhưng cây phát kỳ thì chủ yếu ở rừng Ninh Thuận và Khánh Hòa. Theo giới làm trầm, cách đây 15 năm, dân làm trầm ở Khánh Hòa đã trúng trên 300 kg kỳ nam, nhưng lúc ấy kỳ không được giá nên ít gây xôn xao. Còn lần này 1 kg kỳ nam giá lên tới 450 triệu đồng nên ai cũng bàn tán.
Theo Người Lao Động, đến 17h ngày 11/4, trong khi nhóm trúng Kỳ Nam của Tuấn vẫn biệt tăm thì ở làng Mỹ Hảo lại vừa nhận thêm một thông tin: “Nhóm của Tuấn trước khi đem kỳ nam đi đã cúng bỏ lại rừng 1 kg kỳ nam”. Thông tin này ngay lập tức thu hút hàng trăm người từ các nơi đổ về khu rừng Kon Tum để tìm món của cúng “thần rừng”. Những người thân của 4 người được trời đãi cho vận may này bắt đầu đứng ngồi không yên.
Mọi nguồn thông tin về 4 người tìm được gần 100 kg kỳ nam vẫn xa vời vợi. Người thân của họ cố tình né tránh người lạ mặt.