Trong ba tháng qua, các sàn giao dịch CK luôn đông người đến mua/bán. |
Theo chân một phụ nữ trạc gần 40 tuổi mới đẩy cửa bước vào Công ty cổ phần CK Sài Gòn (SSI). Sau khi nhìn quanh quất, chị tiến tới chiếc bàn đã có 3-4 anh thanh niên có vẻ kinh nghiệm đang ngồi bàn tán rôm rả. Rất tự nhiên, chị cất tiếng: “Anh ơi, tôi muốn mua một ít cổ phiếu (CP), nên mua loại nào bây giờ?”.
Dường như đây là câu hỏi khá quen thuộc nên mọi người đều không tỏ vẻ ngạc nhiên. Chị kể đang làm việc ở một tỉnh phía Bắc, sẵn có chuyến công tác dài ngày vào TP HCM, nghe bạn bè giới thiệu “buôn bán CK có ăn lắm” nên quyết mua. “Mình không hiểu gì về tài chính cả, nhưng mà giá cứ tăng hoài, cứ mua thì thế nào cũng trúng”, chị giải thích.
Ở sàn của Công ty CK Ngân hàng Á Châu (ACBS), một phụ nữ dường như sáng nào cũng có mặt tại sàn. Chị giới thiệu tên Châu, ở nhà nội trợ. Là người giữ tay hòm chìa khóa của gia đình, thời gian rảnh cũng khá nhiều, chị “chơi” luôn CK. Buổi sáng đi chợ xong xuôi, chị tiến thẳng đến sàn ACBS. 10h30 kết thúc giao dịch, chị chạy về nhà lo cơm nước.
Đâu vào đấy, chị xoay sang nghiền ngẫm báo viết về CK, các bảng cáo bạch và thông tin tài chính của các công ty. “Mới đầu đọc không hiểu gì cả nhưng nhờ mấy anh chị ở sàn chỉ bảo nay cũng biết được chút chút”, chị Châu khoe. Ngồi gần chị là một bà giáo về hưu. Bà giáo kể vừa nghỉ dạy, gom số tiền dành dụm bấy lâu để mua CK đã gần hơn tháng nay. “Giờ bán ra thì tôi lời rồi, định đợi thêm ít lâu nữa xem ra sao, nhưng mà đau tim quá”, bà nói, mắt không rời khỏi những con số đang nhảy lia lịa trên màn hình.
Thị trường chứng khoán (TTCK) những ngày này đầy những nhà đầu tư “tay mơ” nhưng người buôn bán chuyên nghiệp cũng không ít. Ông Chấn, một nhà đầu tư đã bám sàn của Công ty CK Bảo Việt sáu năm nay, cho biết cuối năm 2003 ông bỏ ra hơn 1 tỷ đồng mua vào, “toàn những CP tốt”. Nay giá CK tăng nóng, số tiền trong tài khoản của ông tại Bảo Việt cũng được nhân lên gấp ba.
Mới đây ông quyết định bỏ việc bên ngoài để dành trọn thời gian cho CK. Sáng ông đến sàn, theo dõi đặt lệnh mua bán. Chiều tham gia các phiên đấu giá CP, lên mạng tìm thông tin, phân tích các báo cáo tài chính để ra quyết định cho ngày mai. “Bây giờ tôi xác định đây là nghề của mình”, ông Chấn tâm sự.
Trên sàn cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Tại sàn CK SSI, cặp vợ chồng người Nhật vừa theo dõi bảng giá vừa thảo luận liên tục, sau cùng nhau đến quầy giao dịch đặt lệnh.
Theo anh Trực, người đã sống ở Nhật bốn năm, vừa về VN tham gia TTCK, do TTCK Nhật có nhiều tay chơi quá sừng sỏ nên nhiều nhà đầu tư “dạt” sang VN. “Một số người Nhật lúc đầu chỉ đi VN du lịch, sau thấy cơ hội nên ở lại đầu tư luôn. Số tiền họ bỏ ra so với bên Nhật là nhỏ, nhưng với thị trường VN là có trọng lượng”, anh Trực nói. Ngoài Nhật, các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc, Đài Loan... cũng đã xuất hiện khá nhiều.
Thừa tiền, thiếu CK
Cơ quan đầu tư chứng khoán Hàn Quốc vừa thành lập Qũy đầu tư Hàn Quốc tại VN (KITMC Vietnam Growth Fund”) với mục tiêu ban đầu là huy động khoảng 50 triệu USD từ các nhà đầu tư tại Hàn Quốc để đầu tư vào thị trường chứng khoán VN. Theo giám đốc Cơ quan chứng khoán Hàn Quốc Hong Sun Il, sau đó cơ quan này sẽ mở rộng phạm vi sang cả đối tượng các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và tiếp tục thành lập các quĩ đầu tư tương tự thông qua các pháp nhân tại New York, London, Hong Kong. |
Theo các công ty CK, giá CK tăng liên tục là do lượng tiền của những nhà đầu tư mới đổ vào thị trường quá nhiều trong khi lượng CK niêm yết giẫm chân tại chỗ. Ở Công ty CK Bảo Việt, cuối năm 2005 tổng số dư tài khoản chỉ có 26,5 tỷ đồng, hiện nay đã lên gần 90 tỷ đồng. Ở SSI, con số này cũng đã lên đến 150 tỷ đồng. Ở ACBS, mỗi ngày có 20-30 nhà đầu tư đến mở tài khoản, tính chung từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 tài khoản mới...
Nhà đầu tư quá nhiều, số lượng đặt mua một loại CK luôn gấp 4-5 lần số lượng chào bán nên nhiều nhà đầu tư khi đặt lệnh đã chọn giá kịch trần, tức lấy giá đóng cửa ngày hôm trước cộng thêm 5% (biên độ tăng giá cao nhất được phép) để mua cho bằng được.
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết rất khó để dự đoán diễn tiến kế tiếp của TTCK VN trong những ngày tới. Được hỏi liệu giá CP đã là “bong bóng”, ông lắc đầu: “Tôi nghĩ điều này không chính xác bởi ai cũng biết giá trị của các doanh nghiệp nhà nước công bố lúc cổ phần hóa không phải là giá trị thật của chúng. Giá cao hiện tại cũng có thể là nhà đầu tư đang định giá lại DN.
Tuy nhiên, họ cần phải quay lại sự tính toán căn bản hơn, đó là nhìn vào lợi nhuận của các công ty làm ra. Tất nhiên, nhìn vào thị trường lúc này, giá một số CP như Kinh Đô, Ree, Vinamilk... đang quá cao, những nhà đầu tư mới muốn gia nhập thị trường phải bỏ ra một số vốn quá lớn. Thế là họ xoay sang mua CP của những công ty kém hiệu quả như Bông Bạch Tuyết, Bình Triệu…với hi vọng giá đang thấp thế này thì thế nào cũng tăng nữa. Cách tính toán đơn giản này có thể dẫn đến những rủi ro”, ông nhận định.
Theo các chuyên viên môi giới, lượng tiền đổ vào TTCK còn tăng cao vì các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản đang tắc. Thông tin hàng loạt quĩ đầu tư nước ngoài với vốn lớn đang ngấp nghé ngoài cửa là một trong những động lực thúc đẩy nhà đầu tư mua CP vì họ tin đây sẽ là những khách hàng tiềm năng của mình. Ngoài ra, việc VN sẽ gia nhập WTO trong năm nay cũng xới lên những kỳ vọng về các DN sẽ áp dụng các qui định minh bạch, công khai tài chính và nâng cao năng lực quản trị công ty.
(Theo Tuổi Trẻ)