Cái thời Walkman nghe băng, sang CD, đi đâu cũng phải lỉnh kỉnh túi xách đựng đĩa được gọn hoá từ khi có các máy nghe nhạc MP3. Nhỏ gọn, tiện dụng, có thể chứa cả ngàn bài hát, với dân muốn nghe nhạc mọi lúc, mọi nơi, như vậy mới tạm gọi là đủ dùng.
Có thể gọi Trung, sinh viên năm thứ hai trường Nông lâm là ăn, ngủ, đi lại với nhạc. Vốn thích nhạc từ nhỏ, vào đại học, Trung được bà chị làm quà chiếc iPod Mini 4GB, để nghe khi đi xe buýt từ thành phố xuống trường. Cũng từ đó, hình ảnh của Trung trong mắt bạn bè luôn gắn bó với cặp tai nghe và một sợi dây lòng thòng trên áo. Chỉ có lúc nghe giảng hoặc tụ tập đông bạn bè, Trung mới tháo tai nghe, tắt máy.
“Nói đến nhạc MP3 phải nói đến iPod”, Trung nói đầy tính kết luận. “Anh có thể nghe nhạc, lưu trữ dữ liệu, chơi game. Chất lượng âm thanh hay, trung thực. Thiết kế của máy hợp thời trang. Riêng chuyện thiết kế nút vòng điều khiển của máy đã khác với các máy khác”, Trung vừa đưa máy ra khoe, vừa nói.
Ra đời cách đây vài năm, đến nay iPod đã có 5 thế hệ. Theo nhận xét của các tạp chí chuyên ngành, thiết kế và phần mềm của iPod đã giúp nó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. “Chỉ cần đưa bài hát dạng MP3 anh thích vào máy tính, rồi nạp vào iPod, phần mềm iTune theo máy, sẽ tự động tìm kiếm trên internet, bổ sung thông tin về ca sĩ, albumĐó cũng là lý do mà những người như mình thích iPod”, Trung giải thích.
Mới chính thức vào Việt Nam được hơn một năm nay, iPod được giới trẻ hiểu là máy nghe nhạc nén MP3, như cách Honda đồng nghĩa với xe gắn máy của các bậc cha chú hồi thập niên 1970. Do giá bán vẫn còn cao, từ 3,8 triệu trở lên, nên iPod vẫn ngoài tầm tay của giới trẻ trong nước. Nhưng ở nước ngoài, hoặc với cư dân mạng, iPod là chuyện thường. Nếu bạn dùng Google để tìm kiếm thông tin về iPod, bạn sẽ thấy có tới 172 triệu kết quả liên quan.
Cũng chưa có một thiết bị nghe nhạc nén nào, có ít chức năng như iPod lại được sử dụng nhiều đến như vậy. Trong khi các máy nghe nhạc của Hàn Quốc, Trung Quốc có thêm các tính năng như nghe đài, ghi âm, thì người dùng iPod phải mua thêm phụ kiện, với giá từ 100 USD để có các tính năng này. Thế nhưng dân sành phải chơi iPod khiến người ta bỏ qua các thiếu sót đó.
Cũng phải nói thêm, chưa có thiết bị nào được hàng chục hãng chuyên sản xuất phụ kiện ưu ái như iPod. Từ cái lớn như loa dành riêng của Altec Lansing, thiết bị sạc, bắt đài FM của Belkin, cho đến cái nhỏ như vỏ nhựa bao bọc cho đến túi xách không thấm nước dành cho iPod, đều có hàng của các hãng thứ ba. “Đọc các tin trên website về các phụ kiện thôi, cũng đã thấy mê rồi”, Trung nói.
Bên cạnh những tín đồ nghe nhạc nén, yêu iPod như Trung, còn có những người chơi luôn tìm kiếm hàng độc. Anh Trung, phụ trách cửa hàng bán đồ kỹ thuật số ở đường Bùi Thị Xuân khoe liền chiếc máy MP3 mới mua. “Hàng độc nha. Hiệu Toshiba, ổ cứng 60GB, điều khiển từ xa, màn hình màu”, anh nói. Chiếc máy Gigabeat của Trung mua là hàng xách tay từ Mỹ, giá khá mềm. Nếu tính 4GB của iPod có giá 3,8 triệu thì bỏ ra 4 triệu để mua một chiếc máy 60GB là hợp lý.
Tuy nhiên, hàng độc cũng khổ theo hàng độc. Máy hư bộ sạc pin, anh T. lùng cả tháng không có hàng, đành phải chế đồ sạc riêng. “Không cẩn thận, cháy máy, thì hết đường sửa chữa”, anh nói.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, giới sinh viên, học sinh ít có điều kiện mua các máy hiệu đắt tiền, thường chọn hàng Trung Quốc, Hàn Quốc. Một nhân viên bán hàng ở siêu thị máy tính Nguyễn Hoàng cho biết: “Kiểu dáng cũng khá đẹp, mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp nên nhiều người, nhất là nữ vẫn chọn mua”. Quả thật, quầy bán máy nghe nhạc MP3 ở đây lúc nào cũng đông người, hết xem máy lại nghe thử. Kiểu cọ thì lắm, từ cái dành cho đeo cổ xinh xinh, màu sắc tươi, cho đến cái trông hầm hố cho dân hip hop.
Theo Trung, giá máy hạ như hiện nay, chỉ khoảng 1 triệu đồng là có máy nghe được. Trong nhóm bạn của Trung, cũng có vài người dùng máy của Hàn Quốc. “Chất lượng không bằng của mình, nhưng cái chính là đáp ứng được nhu cầu nghe nhạc nén”, Trung nói. Xuân, bạn học của Trung, tán đồng: đã “phê” nhạc thì chỉ cần thụ cảm được, nghe cũng thấy nổi gai rồi.