Franchising đã phát triển trên thế giới từ rất lâu trong khi ở Việt Nam, mới chỉ bắt đầu khoảng 10 năm nay. Đặc biệt, với những thành công của Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, KFC và mới đây là sự có mặt của chuỗi cửa hàng bán lẻ 24-seven thì franchising thực sự nở rộ tại Việt Nam.
Theo điều 8, Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, có hiệu lực từ 1/1: "Nhượng quyền thương mại (franchising) là hoạt động thương mại, theo đó, bên nhượng quyền chấp thuận trao quyền và cung ứng các hoạt động hỗ trợ cho bên nhận quyền để bên đó bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa, hệ thống, phương thức do bên nhượng quyền xác định trong một khoảng thời gian và phạm vi địa lý nhất định". Có thể hiểu đơn giản, franchising là việc cho người khác quyền sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ của mình với những nguyên tắc và điều kiện nhất định. Các quyền có thể được chuyển nhượng thông qua franchising bao gồm: quyền sử dụng các bí quyết nghề nghiệp; cách thức tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ; tên thương mại; nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ; khẩu hiệu kinh doanh; biểu tượng và quyền sử dụng các trợ giúp khác...
Tại sao franchising lại phát triển nhanh đến vậy? Câu trả lời chắc chắn là do nó có khả năng đem lại lợi ích cho nhiều phía.
Với bên nhượng quyền kinh doanh, franchising đem lại hệ thống kinh doanh rộng khắp; khả năng chiếm lĩnh thị trường, phát triển nhanh hệ thống kinh doanh. Franchising là phương tiện quảng bá hình ảnh nhanh và có hiệu quả. Thông qua franchising, danh tiếng và uy tín của bên chuyển nhượng cũng như đối tượng chuyển nhượng tăng mạnh, giá trị tài sản vô hình phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh của cả DN nhượng và nhận quyền. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư phát triển kinh doanh thấp, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Mặc dù có phạm vi hoạt động rộng, DN nhượng quyền vẫn có khả năng kiểm soát được quá trình phân phối, chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông qua các nguyên tắc, quy tắc, thỏa thuận của franchising.
Với bên nhận quyền, đặc biệt là những DN mới kinh doanh, franchising là con đường thâm nhập vào một thị trường chuyên nghiệp nhanh nhất, ít rủi ro nhất.
Với bên nhận chuyển nhượng, lợi ích thu được là có ngay một nhãn hiệu, một hệ thống kinh doanh đã có uy tín nên khả năng thâm nhập thị trường nhanh, rủi ro thấp mà không phải mất chi phí và thời gian đầu tư ban đầu. Thêm vào đó, bên nhận chuyển nhượng còn có được sự hỗ trợ tối đa về nghiệp vụ, kỹ thuật, quản lý... đã được kiểm chứng thực tế.
Franchising không chỉ đem lại lợi ích cho bên nhượng quyền, nhận quyền mà còn góp phần tăng doanh thu toàn xã hội, đem lại số lượng việc làm lớn. Năm 2000, doanh thu từ hoạt động nhượng quyền trên thế giới đạt 1.000 tỷ USD với khoảng 320.000 DN trong 75 ngành khác nhau.
Hoàng Anh Tuân - Giám đốc 24-Seven cho biết: Khi nói đến tương lai của franchising tại VN, tôi cho rằng đó là cơ hội cho hai loại hình DN: Thứ nhất, phải kể đến tương lai hứa hẹn cho các DN nước ngoài đang kinh doanh với hình thức nhượng quyền thương mại này tại các quốc gia trên thế giới. Lợi thế của các DN này đã có mô hình kinh doanh thành công, phát triển. Vì vậy, franchising sẽ là công cụ vô cùng hữu hiệu để họ đặt chân vào thị trường VN. Thứ hai, franchising là cơ hội tốt cho các DN trong nước để mở rộng phạm vi kinh doanh. Đã có nhiều DN gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch này như: Kinh Đô, Phở 24, Trung Nguyên và ngay cả 24-Seven. Nhìn từ vĩ mô, một tương lai tốt cho mô hình này tại thị trường VN là không thể phủ nhận. Song tôi muốn nói đến một khía cạnh nữa, đó là tốc độ phát triển của mô hình này. Nếu chúng ta không kiểm soát được tốc độ này thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một khó khăn mới đó là sự bành trướng của các Công ty 100% vốn nước ngoài tại VN. Cần phải có một dự đoán chính xác để có thể điều chỉnh chính sách hợp lý. Hiện tại Luật TM đã có nói đến nhượng quyền TM, song tôi cho là vẫn chưa thật đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu bản chất của franchising là chuyển giao công nghệ, vì vậy kể cả chưa có hành lang pháp lý thì DN vẫn có thể kinh doanh mô hình này với những quy định về sở hữu trí tuệ. Là DN đầu tiên áp dụng franchising vào mô hình “kinh doanh bán lẻ tiện lợi 24-Seven” chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là khách hàng chưa hiểu thế nào là franchising. Chính vì vậy, tôi cho rằng với DN, hãy xác định cho mình nhóm khách hàng tiềm năng và phải nhất thiết là giải thích để cho họ hiểu hết tất cả các khía cạnh của franchising. Một điều nữa là các DN cần chuẩn bị kỹ cho mô hình mà họ định nhượng quyền thương mại. Hãy gói mô hình đó lại thành một “gói công nghệ” để có thể “cài đặt” ở tất cả mọi nơi. Lưu Hữu Dũng - Đại diện Phở 24 phía Bắc: Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu (franchising hay franchise) là một mô hình có khá nhiều cách thức tổ chức (nhiều cách nhượng quyền), chứ không chỉ hiểu đơn lẻ là nhượng quyền kinh doanh không thôi! Mô hình kinh doanh nhượng quyền là một quá trình phức tạp, để đi tới thoả thuận giữa người chủ thương hiệu và người được nhượng quyền thương hiệu đòi hỏi phải có sự hiểu biết chặt chẽ cả từ 2 phía (về luật pháp, các loại giấy tờ hợp đồng ràng buộc, về kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm quản lý điều hành...). Bên cạnh đó, các yếu tố khác nhau như là khả năng tài chính, địa điểm, phong tục địa phương, văn hoá... cũng là những yếu tố quan trọng chi phối sự thành công hay thất bại. Đối với DN theo tôi trước hết, để phát triển kinh doanh nhượng quyền bền vững đòi hỏi chủ thương hiệu phải có một hệ thống quản lý chặt chẽ đối với thương hiệu của mình. Điều đó có nghĩa là chủ thương hiệu trước tiên phải là người hiểu rõ về hệ thống luật pháp và hệ thống các loại hợp đồng để nhượng quyền kinh doanh, tiếp sau đó là các cách thức điều hành, quản lý và cách thức tổ chức bộ máy ... và các cách thức tiến hành nhượng quyền (có 3 cách thức cơ bản: master franchise, area development franchise va single unit fanchise. Mỗi cách đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng.) Phở 24 cũng đang tiến hành theo cách thức thứ 3. Đây là cách thực hiện nhượng quyền riêng lẻ, về tốc độ phát triển nó sẽ không bằng so với việc lựa chọn cách 1 và cách 2, nhưng nó lại dễ dàng kiểm soát tính đồng bộ và chất lượng của các cửa hàng nhượng quyền. Ngược lại, nó đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý cực kỳ chuyên nghiệp và khá là đồ sộ. Chính vì thế các DN cần xây dựng cho mình một mô hình quản lý chặt chẽ và đồng bộ trong toàn hệ thống. |
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)