Dẫu là hẻm cụt, chỉ rộng hơn ba mét nhưng ban ngày, hẻm là đường đi, buổi tối, hẻm là nơi tụ họp của những gia đình chung vách “tối lửa tắt đèn”. Lúc nhà tôi mới chuyển từ quê vào, nghe rằng ở thành phố nhà nào chỉ biết nhà nấy, lòng chợt thoảng nỗi buồn rười rượi. Ở được vài hôm, thấy con hẻm thoáng mát lại tĩnh lặng về đêm nên mẹ tôi lấy ghế ra ngồi hóng gió.
Vợ tôi luôn ước nguyện được đặt một bông hồng nơi chúng tôi gặp nhau lần đầu trong con hẻm nhỏ. |
Rồi chị Năm nhà sát bên xởi lởi tìm tới thăm hỏi. Lát sau, thêm bác Sáu lân la sang bắt chuyện, rồi anh Ba, cô Tư... Cứ thế, hẻm không tên lại trở thành nơi tụ hội tình thân của mọi người lúc nào chẳng biết. Kể từ đó trở đi, hễ nhà ai có việc gì thì mọi người đều xúm tay vào. Cưới xin, ma chay, giỗ chạp nhà nào, người trong xóm đều xem như chuyện nhà mình, hết lòng giúp đỡ mà không chút đắn đo, suy tính. Nhờ hẻm mà cái điệp khúc buồn: người thành phố thế này, người thành phố thế nọ... rơi đâu mất lúc nào chẳng hay!
Con hẻm ấy cũng là nơi ghi dấu mối tình đầu của tôi. Khi tôi gặp em, chỉ có ánh mắt trao nhau và đôi tim chung nhịp hạnh phúc trong ánh sáng dịu vàng của ngọn đèn điện đứng lẻ loi trong khuya vắng. Khi đã nên vợ nên chồng, em vẫn hay nhắc: Cứ đến đúng ngày cưới thì anh nhớ đặt riêng cho em một bông hoa ngay tại chỗ ấy để nhớ hồi mình hẹn hò... Những lúc đó, tôi chỉ cười trừ cho qua chuyện. Để rồi sau này, bên giường bệnh, khi sắp sửa ra đi thật xa, nắm chặt tay chồng, em lại nhắc lại lời nguyện ước...
Rồi dòng đời đưa đẩy tôi định cư ở nước ngoài, rời xa con hẻm lưu dấu bao hoài niệm vui buồn. Để rồi mỗi khi giáp mặt với nỗi cô đơn, đối diện với sự dửng dưng vô tình của những người hàng xóm khác biệt màu da, ngôn ngữ, lòng tôi lại cồn cào, nao nao khi nhớ về con hẻm nhỏ thân thương ngày ấy.
(Theo Người Lao Động)