Phạm Thị Phong Lan
Em chưa bao giờ mời tôi tới chơi, chỉ tình cờ mà biết được. Mỗi lần qua con đường đó, có một lực hút vô hình kéo tôi hướng về phía ô cửa sổ lẻ loi của cả dãy nhà im ỉm tối.
Đứng lại bên lề đường, đốt thuốc và mong đến cháy lòng em bất chợt hiện ra… Rồi lại cười mình ngớ ngẩn. 30 tuổi, tôi chẳng còn nhiều thời gian cho những mơ mộng.
Vả lại, biết ý nghĩ này, em sẽ bĩu môi xì ra một câu: “Sến…!”. Em đi làm báo, làm thơ, đôi khi làm cả những điều khiến người khác… phát điên lên, lại luôn dị ứng với “phạm trù” tán tỉnh.
Gặp nhau buổi sáng thì đen nóng không đường. Lối nói chuyện tự nhiên, các khái niệm được phân định rành rẽ đến bất ngờ, ngôn từ chính xác ngay cả khi… Chệch ra khỏi chuẩn mực. Với người mới quen, luôn có một khoảng cách rất dễ gây tò mò.
- Anh lên vùng quê em bao giờ chưa nhỉ?
- Chưa. Không có ai mời.
- Không xa, nhưng nghèo và buồn lắm – giọng em chùng lại, nét hồn nhiên biến mất. Tôi muốn nắm lấy hai bàn tay nhỏ đang vẽ những vòng tròn vô thức trên bàn. Em chợt ngẩng lên:
- Phải tạm biệt nhau rồi. Chiều nay em lên núi…
Khi chuẩn bị về quê, em vẫn chào tôi câu đó. Quàng lại chiếc khăn màu rêu đá, em xòe hai bàn tay đeo găng, thì thào vẻ bí mật: “Trên đó lạnh đến mức người ta không dám cầm tay nhau cơ đấy!…”. Rồi cười giòn tan.
Hai ngày cuối tuần chẳng làm được gì nhưng luôn có cảm giác bận bịu. Từ chối mấy cuộc nhậu nhẹt của đám bạn độc thân, tôi loay hoay dắt xe ra đường rồi lại vòng về. Di động tắt. Đã về nhà là em muốn dành hết thời gian cho gia đình, không liên lạc với bất kỳ ai.
Tin nhắn của Hằng: “Mình qua đón em đi đám cưới con Uyên, nhà hàng Vạn Tuế”. Hằng bắt đầu đổi lối xưng hô từ hôm bố mẹ tôi chính thức qua lại bên đó. Mới đầu nghe cũng ngồ ngộ, nhưng rồi lại thấy khó chịu với cái vẻ sở hữu lộ liễu của cô nàng.
Bài lên nhiều đồng nghĩa với việc em ít có mặt ở thành phố. Gọi cho em, nghe tiếng gió đưa trên tóc rối và những làn điệu lới lơ xa gần. “Bao giờ em về?” “Em chưa biết”. Tôi chợt khó chịu: “Sao không phải là chiều nay?”.
Vài giây im lặng trôi qua. Tiếng tắt máy mang âm thanh của chốt cửa được bấm từ phía trong mà kẻ đứng ngoài là… lòng tự ái của tôi. Chưa có cô gái nào dám thờ ơ với tôi sau lần gặp thứ hai, kể cả Hằng nổi tiếng kiêu sa và đỏng đảnh trước hàng chục đối tượng khác.
Em bất ngờ ngồi đối diện tôi ngay khi trở về. Rõ ràng là không hề xinh đẹp, cũng không hẳn dịu dàng, vậy mà những ý nghĩ là lạ về cô bé này không dứt ra được. Em say sưa kể về nỗi niềm của các liền anh, liền chị Kinh Bắc, về những ước hẹn sau xa… Chợt dừng lại:
- Anh đang muốn điều gì nhất?
Ý nghĩ bị bắt quả tang, tôi không giấu giếm nữa:
- Muốn được ôm em
- Như một thói quen hay một nhu cầu? – Có chút gì cay cay trong giọng nói.
- Tôi lắc đầu. Thì ra em chỉ xem tôi như một gã chơi bời. Dễ hiểu thôi, lần đầu tiên nhìn thấy nhau, tôi đang thao thao bất tuyệt với mấy thằng bạn ở quán bia; những lần bắt gặp tiếp theo nếu không ở cửa bi-a club thì cũng là một nhà hàng nào đó.
Em là con gái xứ Đoài, sắc sảo, khôn khéo vừa đủ để người ta không quên được mình. Nhưng muốn tiến lại gần hơn, tôi phải vòng vèo qua bao nhiều lối “phòng vệ” của một người đã trót đi nhiều, biết nhiều, được nhiều mà hình như cũng mất mát quá nhiều.
Nếu quên được đôi mắt thỉnh thoảng bỗng trở nên xa xăm đó, thằng đàn ông biết tận dụng thế mạnh như tôi đã không ngần ngại tìm cách đạt bằng được điều mình muốn.
Uống với anh một ly cho ấm! – Tôi thành thật đề nghị.
Thành ly chạm nhau vang lên thứ âm điệu gần gũi. Các đấu sĩ Hy Lạp xa xưa trước khi vào cuộc quyết đầu vẫn thường chạm ly để bày tỏ lòng trung thực và tinh thần thượng võ. Tôi cũng đang bắt đầu cuộc chiến với nỗi nghi ngờ mọi thứ của cô nhóc bướng bỉnh, cực đoan này.
Tặng anh một món quà nhỏ – Em mở túi, đặt vào tay tôi chiếc phong bì có họa tiết lạ mắt.
Tôi hơi giật mình rút tay lại:
Gì thế?
Không biết có phải vì men rượu làm má em bỗng dưng đỏ bừng:
Anh mang về, mở ra nếu không thích vẫn có thể trả lại em.
Trên đường về, nhìn những chậu mai, đào, quất cảnh im lìm cam chịu dưới tấm bạt che mưa, em bảo mai về quê sẽ cùng mấy đứa em lên núi chặt cành đào đón Tết. Giọng em háo hức:
- Anh biết không? Hoa mang về từ núi luôn có một vẻ đẹp rất lạ, vừa giản dị vừa hoang sơ bí ẩn.
- Em mang tên một loài hoa trong rừng, chỉ rực rỡ nhất vào lúc qua cơn mưa gió tơi bời. Có lẽ vì thế mà đã ra phố phường gần chục năm, em vẫn ngơ ngác, lạ lẫm trước những bon chen, giành giật.
- Tôi chưa bao giờ đọc truyện ngắn từ một bản thảo viết tay. Nét chữ nghiêng nghiêng đều đặn, không cầu kỳ ngay cả những chữ viết hoa.
Viết cho tôi, chuyện một gã trai làng ra phố, nhờ may mắn mà có được chút nể nang của họ hàng, bè bạn vả cả của người thành phố, vẫn không trốn khỏi cảm giác chông chênh mỗi lúc còn lại một mình.
Ở trang cuối, có thêm một dòng trong ngoặc đơn: “Đọc chơi thôi. Đừng vì bất cứ chi tiết nào mà hiểu khác đi, sống khác đi. OK?”. Em lúc nào cũng thế, kéo người ta lại thật gần nhưng rồi lại đẩy ra xa ngay được.
Sinh nhật em. Tôi ra được đến vùng phủ sóng thì đã quá nửa đêm. “Em chưa ngủ. Nhưng muộn rồi…” Nói nhỏ và nhanh, chắc vẫn đang ngồi viết “Anh là người duy nhất nhớ ngày của em, ngoài mẹ”.
Không giận dỗi, không một lời trách móc, cứ nhỏ nhẹ gói kín nỗi buồn lại, giấu thật sâu dưới những nói cười tự nhiên, sôi nổi. Tôi giận mình. Buồn đến đắng ngắt cổ họng.
Không nói thì em cũng hiểu làm nghề xây dựng, thời gian của tôi luôn bị cắt vụn bởi những cuộc gặp gỡ, kí kết, những chuyến đi bất thường tới công trình ở xa. Ban đầu, tôi háo hức săn tìm từng dự án lớn nhỏ, luôn tự hào trước những đồng nghiệp phải chơi dài.
Dần dần, công việc bắt đầu vào guồng quay thì tôi lại trở thành kẻ bị săn đuổi, không còn tìm được chỗ để dừng lại. Nhớ phát điên cũng chỉ có điện thoại, em đều đặn trả lời hầu hết các cuộc gọi và tin nhắn của tôi, dù rất bận rộn.
Đầu mùa hè, mấy công trình phục vụ du lịch phải hoàn thiện gấp. Công trường nắng cháy da, mồ hôi bết vào với bụi, đầu tóc ngứa ran vì nóng bức. Buổi chiều, cơn dông đột ngột kéo đến, đám thợ nề hối hả thu dọn đồ đạc.
Mưa xối xả trút xuống mái nhà bạt, gió rung từng chập những muốn nuốt chửng cái nhà tạm này. Bữa cơm tối ướt nhèm nhẹp, mấy anh em trệu trạo ngồi nhai hạt chín lẫn vào hạt sống. Đám thợ đang uể oải bỗng náo nức hẳn lên sau khi nghe dự báo thời tiết, tôi cho nghỉ hai ngày chờ mưa tạnh.
Vứt chiếc ba lô bám đầy bụi đỏ vào góc phòng, tống mấy bộ quần áo bẩn vào máy giặt, tôi nằm dài trên giường, dãy số thân thuộc nhảy nhót trên bàn phím. Cửa xịch mở, là Hằng. Lúc tôi vừa về, mẹ đã thông báo Hằng sang ăn tối, đợi tôi về để đi thăm bà ngoại.
Mùi mỹ phẩm đắt tiền chiếm lĩnh toàn bộ căn phòng, những móng tay được tỉa tót kỹ lưỡng lùa dần vào tóc tôi: “Mình có mệt lắm không?”. Nỗi bực dọc trào lên, tôi bật dậy bỏ vào nhà tắm. Nước lạnh giúp tâm trí bình tĩnh lại. Chợt nghe tiếng Hằng dọa nạt, sỉ mắng ai đó rất ngoa ngoắt.
“Cô làm cái trò gì đấy?”. Mặt Hằng đỏ phừng lên: “Làm phận sự của một người vợ bảo vệ hạnh phúc cho chồng mình”. Thật lố bịch hết mức! Tôi giận dữ giật lại điện thoại của mình. Dãy số trên màn hình tắt lịm. Gọi lại một lần, hai lần, ba lần…
Tôi lao ra đường, bỏ lại đằng sau nỗi bất lực của mẹ và sự hậm hực của Hằng. Lần đầu tiên tôi leo hết năm tầng cầu thang để chạy đến căn phòng của em. Túi xách, điện thoại còn đặt trên bàn, xấp bản thảo rơi ụp xuống đất.
Tôi sục vào tất cả những nơi em từng đến, cả những chỗ em chưa bao giờ kể. Mấy tiếng đồng hồ phập phồng hy vọng rồi lại thất vọng, người tôi rã ra như đám vữa dưới trời mưa. Điện thoại run lên khe khẽ: “Anh đừng tìm nữa. Sáng mai em lên tàu”.
Nụ cười buồn bã, những ngón tay nhỏ bé nắm chặt quai túi, dáng vẻ đơn độc của em giữa sân gia làm tôi tức ngực. Thà rằng em cứ ném vào tôi nỗi căm ghét, khinh bỉ còn hơn em trốn biệt cảm xúc sau sự im lặng đó. Còn một phút.
Lẽ nào lại mất nhau phi lý thế này? “Cho anh một cơ hội nếu em còn lòng tin”. “Anh cần có sự độc lập để thu xếp mọi chuyện. Em sẽ giữ im lặng trong khoảng thời gian đó…”.
Tôi biết mình không thể giữ em lại theo cách vẫn thường làm với những phụ nữ khác. Em sẽ vượt qua dông bão của lòng tôi để trở về, như bông hoa rừng vẫn rực rỡ lên sau mưa gió tơi bời…
Mẹ gọi tôi về họp gia đình. Tất cả xoay quanh việc tôi phải sớm làm đám cưới, với Hằng. Một phần để tôi bớt lông bông, phần quan trọng hơn là gắn chặt kết cấu trong quan hệ giữa cửa hàng cung ứng vật tư của bố mẹ Hằng với các công trình xây dựng của tôi.
Hằng là con một, trước sau gì cái gia sản kếch xù đó cũng thuộc về tôi. Một phép tính hoàn hảo mà bất kỳ thằng đàn ông thực dụng nào cũng thèm muốn. Đến lúc này tôi mới lờ mờ nhớ lại, hình như tôi chỉ “yêu” Hằng sau những trận uống mừng trúng thầu.
Thói hiếu thắng trong cả thương trường lẫn tình trường đã đẩy tôi lăn sâu vào thứ quan hệ không hề có cảm xúc. Khi muốn dừng lại thì mọi chuyện có phần đi xa hơn tầm kiểm soát. Hằng quá tinh khôn để trói buộc tôi bằng áp lực gia đình.
Những lý do tôi đưa ra để chấm dứt kiểu tình cảm này khiến bố mẹ nổi trận lôi đình. Bố dằn mạnh bát cơm xuống bàn, chỉ thẳng tay vào mặt tôi: “Quân nghịch tử! Nếu mày muốn bán rẻ danh dự gia đình thì cuốn xéo ngay cho khuất mắt tao!”.
Đứa em gái vội vã đi lấy cho mẹ cốc nước lọc cùng hai viên thuốc trợ tim nhỏ xíu… Những hợp đồng vẫn tới tấp bay về, tôi như con diều thuận gió, nghênh ngang chao liệng trong vùng trời kỳ vọng của hai gia đình.
Ra khỏi vùng trời đó, tôi sẽ trở về nguyên trạng là một đám giấy vô dụng, thảm thương nằm trơ trên mặt đất. Tôi không hề muốn che đậy điều gì, trước em.
Nhưng cũng không thể phơi bày sự thật trần trụi, nghiệt ngã của những toan tính. Bên trong cái vẻ kiêu bạc, tự tin, hơi lành lạnh, tôi cảm nhận được cái phần vị tha, trong sáng, dễ xúc động của con người em.
Đối diện với điều đó, tôi bỗng nhận thấy tiền bạc, danh vọng, lòng kiêu hãnh chỉ là những ảo vọng phù phiếm. Tôi phải bứt tung cái sợi dây ràng buộc bấy lâu nay để cất cánh bằng chính sức mình.
Một thời gian ngắn nữa, thanh toán hết các hợp đồng, tôi sẽ tách khỏi cái liên minh gia đình quái quỷ này. Dù biết rằng phía trước là những tháng ngày khó khăn, chật vật khi phải bắt đầu từ con số không. Nhưng đó là cuộc sống thực sự để tôi không cảm thấy xấu hổ với em.
Cuối thu, những đám mây sẫm lại làm bầu trời trĩu nặng nỗi buồn. Em gọi cho tôi: “Gặp nhau một lát nhé. Em phải đi ngay”. Quán lạ, nhạc không lời da diết, em xách theo hành lý cho một chuyến đi xa.
Em lẳng lặng đưa cho tôi chiếc máy ghi âm nhỏ, công cụ tác nghiệp luôn mang bên mình. Tôi sững người : bằng giọng nói lạnh lẽo nhấn mạnh từng âm tiết, mẹ tôi đã tìm được cách khiến một người quá nhạy cảm và tự trọng như em dừng lại ở ranh giới bà mong muốn.
Em im lặng nhìn tôi, đôi mắt của cánh rừng sau cơn lũ quét, trống rỗng đến lạnh người. Tôi bối rối, hốt hoảng y như cái lần trót đánh rơi kỷ vật chiến trường của ông nội xuống lòng giếng sâu hút, đến tận lúc ông mất, tôi vẫn chưa tìm lại được.
- Em không mang đến cho anh những thứ mọi người nghĩ là anh cần phải có. Vì thế… đừng tiễn em.
Một cơn đau trực tiếp xộc thẳng vào ngực, trái tim muốn vỡ nát ra:
- Anh yêu em. Anh chỉ cần có em thôi.
Hai bàn tay nhỏ, mềm mại đặt trong tay tôi.
- Em cũng thế, rất yêu anh. Nhưng em đã cạn lòng kiên nhẫn để chịu đựng những thử thách. ở lại, em sẽ bị tước đoạt hết cả lòng tự trọng. Lúc đó, anh sẽ mất em thật đấy, Dũng ạ!
Giá có thể hét vỡ lồng ngực để chứng tỏ việc mình làm cho em bằng những lời hứa hẹn. Nhưng lời nói nào bây giờ cũng trở nên vô nghĩa. Ngoài cửa, chiếc taxi trắng thành thục cua một đường lượn sát vỉa hè.
Nếu không để em ra đi, sẽ chẳng có sự trở về nào hết. Đi hết mùa thu này là tròn một năm tôi có em. Năm mới của chúng mình sẽ bắt đầu được tính từ mùa thu, đúng không em?
(Theo Tiền Phong)