Trưa 25/4, TAND TP HCM tuyên ông Trần Quí Thanh, 71 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Mức án với các bị cáo Trần Uyên Phương là 4 năm tù; Trần Ngọc Bích nhận ba năm tù nhưng được hưởng án treo.
Trước đó, HĐXX đưa quan điểm: hành vi giao dịch dân sự cho vay tiền giữa bị cáo và các đương sự là không trái pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo việc vay tiền và tiền lãi phát sinh hàng tháng, các bị cáo đã ký một số hợp đồng chuyển nhượng tài sản gồm bất động sản, cổ phần dự án - đây là các văn bản trái pháp luật.
Sau khi nhận các giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản từ bị hại, các bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra các lý do gây khó khăn, tăng tiền lãi để các bị hại không thể thực hiện, từ đó chiếm phần chênh lệch giữa tài sản thế chấp và số tiền vay.
Ước tính số tiền bị chiếm đoạt là 1.048 tỷ đồng.
Trong vụ án, bị cáo Thanh đóng vai trò chủ chốt, chịu trách nhiệm với toàn bộ tài sản.
Trần Uyên Phương giúp sức cho cha, chịu trách nhiệm với giá trị tài sản chiếm đoạt là hơn 350 tỷ đồng; Trần Ngọc Bích chịu trách nhiệm với số tiền chiếm đoạt của bị hại Đặng Thị Kim Oanh là hơn 600 tỷ đồng.
Kết quả tranh tụng chứng minh tòa có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm vào tội danh truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tòa cũng xem xét việc các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, từng đóng góp cho xã hội. Họ mới chiếm đoạt được tài sản trên giấy tờ, tài sản thực vẫn do bị hại quản lý.
Ba bị cáo cũng là người trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Họ từng được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng bằng khen.
Bị cáo Thanh trên 70 tuổi trở lên. Phương, Bích có vai trò giúp sức, phụ thuộc, hạn chế... nên HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt tương ứng đối với từng bị cáo.
Riêng bị cáo Bích không có tình tiết tăng nặng, nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng các bị cáo đã ký với các bị hại trước đó.
Đối với ông Lâm Sơn Hoàng, tòa ghi nhận sự đồng tình của các bên ông Hoàng phải trả cho ông Thanh số tiền 115 tỷ đồng đã nhận; Hủy các hợp đồng chuyển nhượng, cam kết bán lại và các văn bản liên quan. Buộc người môi giới phải trả lại số tiền 3 tỷ đồng đã nhận từ bị hại.
Nguyễn Huy Đông, tòa ghi nhận, buộc ông Đông hoàn trả lại cho ông Thanh số tiền 78 tỷ đồng; hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai bên đã ký, cam kết bán lại và các giao dịch khác.
Nguyễn Văn Chung, buộc trả lại cho ông Thanh 34 tỷ sau khi trừ đi số tiền thuế phí; hủy hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất đã sang tên cho Trần Uyên Phương và các văn bản có liên quan. Buộc các môi giới trả cho ông Chung số tiền 1,4 tỷ đồng phí đã nhận.
Theo cáo trạng, từ 2019 đến 2020, ông Thanh cùng hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thông qua môi giới đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất 3%/tháng - dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng.
Ông Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản mà yêu cầu người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cổ phần của dự án để che giấu bản chất của việc cho vay. Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận bán lại tài sản ban đầu, thì các bị cáo đưa ra nhiều lý do để không trả lại.
Nhà chức trách xác định ba bố con ông Thanh đã thực hiện 4 vụ chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá hơn 1.048 tỷ đồng. Trong đó, ông Thanh chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của đại gia Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông.
Nguyên Thảo