Tuyết Nhung
(Truyện ngắn của tôi)
Ba chỉ quanh quẩn ở nhà. Hôm nay tôi về, ba muốn tôi đưa ba đi dạo. Đang giữa mùa hoa lộc vừng, cả một vùng rợp sắc đỏ. Trên cành, những dây hoa lộc vừng buông dài, đung đưa theo gió. Dưới mặt đất ẩm ướt, hoa lộc vừng rụng đầy như trải thảm. Những năm tháng tuổi thơ, cũng con đường này, ba đưa đón tôi. Ba tự hào vì con gái ba càng lớn càng xinh. Nhiều lần ba cứ nhìn tôi như phát hiện ra một điều gì mới mẻ, rồi mỉm cười: "Thế này mới là con gái tộc trưởng". Giờ tôi đã lớn lên còn ba đã già đi. Nhìn ba lưng còng, bước đi không vững, tôi chợt thấy xót xa.
- Con biết không, những cây lộc vừng này sắp bị chặt đi rồi - giọng ba trầm ngâm.
- Sao thế ba?
- Người ta làm đường.
- Nhưng vẫn có thể giữ lại mà ba.
- Đó chỉ là cái cớ, con ạ - ba tôi thở dài, những nếp nhăn trên mặt xô lại như ép chặt nỗi niềm của một đời người.
Tôi biết, ba đang lo đến cây lộc vừng ở thờ họ. Tôi cho rằng ba là người người hoài cổ. Cũng đúng thôi, vì ba là tộc trưởng. Nhưng ba chỉ sinh mỗi tôi. Cả họ đổ hết lỗi lên mẹ. Bao nhiêu lần, tôi đã chứng kiến mẹ khóc xin ba tôi hãy đi lấy người khác. Họ hàng cũng nhiều người mai mối cho ba vợ lẽ nhưng ba từ chối hết. Ba yêu thương mẹ con tôi hết mực và luôn dặn tôi một câu: "Con phải nhớ, con là con gái tộc trưởng".
Con gái tộc trưởng - nhiều lúc tôi muốn từ bỏ cái ngôi thứ đó để tự chủ lấy cuộc sống của mình. Bởi vì tôi yêu Quyết. Quyết chơi với tôi từ thuở đầu trần chân đất. Hơn tôi một tuổi nhưng Quyết học muộn một năm nên vẫn xưng tao mày. Làng tôi có tên hành chính cụ thể nhưng trước giờ người ta quen gọi là Làng Lộc vừng. Trong làng, nhà nào cũng trồng cây lộc vừng ở bốn góc vườn. Họ thắp hương cúng thổ công ở đấy. Việc chặt hạ cây được coi là điều cấm kỵ. Tình yêu của tôi và Quyết cũng gắn liền với những kỷ niệm lộc vừng.
Lộc vừng khoe sắc bên hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mùa thu, Quyết dắt tôi đi khắp nơi lượm lá về cho ba mẹ đun bếp. Đầu hạ Quyết và tôi ngồi xâu những chuỗi lộc vừng làm vòng tay, vương miện rồi chơi trò hoàng tử, công chúa. Thuở lên bốn, lên năm Quyết đã ngây ngô hỏi tôi:
- Sau này lớn lên tao lấy mày, mày có chịu không?
Hồi đó, tôi chỉ hiểu lấy nhau tức là về ở với nhau, tôi thấy thích thú vì như thế sẽ được chơi với Quyết suốt ngày, nhưng tôi lại đáp:
- Để tao về hỏi mẹ cái đã.
Tối về, tôi hồn nhiên hỏi mẹ: "Sau này lớn con lấy Quyết mẹ nhé". Mẹ vội đưa tay bịt miệng: "Im, ai dạy con ăn nói dại dột thế, ba mày nghe được thì chết, từ giờ không được nói câu này nghe chưa, mày chơi với nó thì được, lấy thì không". Nhìn vẻ mặt của mẹ, tâm trí non nớt của tôi đã linh cảm được một điều gì đó rất nghiêm trọng. Khi tôi bước vào tuổi trăng tròn, bắt đầu cảm nhận được rằng sự quan tâm mà Quyết dành cho tôi không hẳn chỉ là tình bạn thì tôi cũng biết lý do mà tôi không thể lấy Quyết: đó là vì Quyết họ Trần, tôi họ Nguyễn. Ba tôi kể rằng: Từ thời cụ cố tổ, tức là đời thứ ba sau tộc trưởng, có một bà cô họ Nguyễn rất đẹp đem lòng yêu anh thư sinh họ Trần. Bà cô tôi con nhà khá giả, còn gia đình anh thư sinh rất nghèo. Dù họ Nguyễn ra sức ngăn cản nhưng bà vẫn quyết tâm lấy bằng được. Thời gian đầu, hai người sống rất hạnh phúc. Bao nhiêu của hồi môn, bà mang về lo cho chồng ăn học. Rồi ông đỗ Thám hoa, làm quan to trong triều đình. Nhưng cũng từ khi có chức quyền, ông quan lấy thêm vợ lẽ và sinh ra ghét bỏ bà cô tôi. Ông suốt ngày hành hạ, nhục mạ và chửi bới cả người họ Nguyễn. Không chịu được uất ức, bà nhảy xuống sông tự vẫn.
Ông quan lặng lẽ cho người đi mò xác và loan tin vợ ốm chết. Người họ Nguyễn biết được sự thật, đang đêm cả họ đốt đuốc sang họ Trần đòi xác. Mộ bà giờ được chôn ở nghĩa trang của họ và nghe nói là mộ kết, đem lại phúc đức cho họ nên không ai được phép cất bốc. Người họ Nguyễn cho rằng, họ Trần vong ân bội nghĩa nên cả họ Nguyễn đã thề trước mộ tổ là con cháu họ Nguyễn không lấy họ Trần. Đến đời thứ bảy cũng có một đôi yêu nhau. Nhưng vì họ hàng cấm đoán nên hai người bỏ đi biệt xứ.
Thời thơ ấu cho đến phổ thông, Quyết luôn ở cạnh bên tôi, lặng lẽ dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt, nhưng hai đứa tuyệt đối không nhắc đến chuyện tình cảm. Tôi đậu đại học từ năm đầu tiên. Ước mơ của tôi là được học ở một thành phố lớn nhưng rồi ba mẹ tôi chỉ cho tôi thi vào trường đại học của tỉnh vì tôi là con gái tộc trưởng, phải thường xuyên về nhà để tham gia việc họ mạc. Ngày tôi lên đường nhập học, lần đầu tiên Quyết nắm tay tôi mà dặn dò:
- Nguyên đừng yêu ai, chờ Quyết nhé.
Quyết đổi cách xưng hô làm tôi đỏ mặt bối rối. Tôi cứ để yên như thế. Cũng là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được một bàn tay con trai có thể có thể che chở cho tôi cả cuộc đời.
Tôi vào đại học năm trước thì Quyết đậu năm sau. Hai đứa cùng trường nhưng tôi học bên sư phạm, Quyết học kỹ thuật. Tôi đón nhận sự quan tâm của Quyết một cách hờ hững. Nhiều lần, Quyết rủ đi chơi, tôi từ chối, khi trường có một buổi văn nghệ nào đó, Quyết bảo hai đứa cùng đi xem, tôi lấy cớ là đã nhận lời đi cùng với một bạn trai khác. Sau đó, tôi ngồi một mình trong căn phòng ký túc, mang sách ra học chỉ để không nghĩ đến việc Quyết cũng đang lang thang một mình khi không có tôi.
Ba tôi vẫn dặn: con gái tộc trưởng phải giữ lấy gia phong nề nếp. Tôi không hiểu nhiều về điều này nhưng tôi luôn vâng lời ba vì tôi yêu và kính trọng ba tôi vô cùng. Dù chỉ là một người làm nông nhưng ba rất hiểu đạo lý. Ở vị thế tộc trưởng, ba gánh vác hết mọi công việc chung của họ. Đặc biệt, ba rất quan tâm đến các cô chú. Ai thiếu cái gì mà nhà tôi có, ba đều chia sẻ. Những chuyện xích mích trong họ ba giải quyết thấu tình đạt lý nên tình đoàn kết của họ tôi chưa bao giờ sứt mẻ. Người họ Nguyễn đi đâu cũng tự hào là con cháu của một dòng họ giàu truyền thống.
Nhưng bây giờ ba tôi đã yếu đi, việc chung của họ ba không tham gia được nhiều nữa mà để chú hai thay mặt. Chú hai tôi làm chủ một cửa hàng buôn bán đồ mộc đầu làng. Là dân kinh doanh nên tính chú rất sòng phẳng, mọi cái đều có thể quy về lợi nhuận được. Đó là điều khác biệt giữa chú và ba tôi. Những việc chung của họ bao giờ hai anh em cũng có ý kiến trái ngược nhau. Bao nhiêu lần, chú tôi đã đặt vấn đề xây mới thờ họ, nghĩa là sẽ phải chặt cây lộc vừng cổ thụ đi để mở rộng nhà thờ. Ý chú là họ mình bây giờ giàu rồi, cái nhà thờ cũng phải khang trang lên để còn tự hào với cả làng, với lại giờ truyền thống thờ cây lộc vừng làng cũng đã bỏ, người ta bán một cây lộc vừng cổ thụ có khi lên tới cả chục triệu chứ không ít. Ba tôi hết sức ngăn cản vì ba bảo nhà thờ đã có từ thời các cụ, gỗ vẫn tốt lại được xây theo phong cách kiến trúc nhà của họ Nguyễn nên không thể phá, chỉ cần tu sửa lại là đủ; cây lộc vừng trước nhà thờ cũng không được chặt vì đó là cây thiêng, do thế hệ trước để lại bóng mát cho con cháu. Cuộc tranh luận chưa kết thúc thì ba tôi đột quỵ. Chú Hai không còn sang hỏi ý kiến ba nữa mà âm thầm tiến hành công việc theo ý chú.
Rồi ba giao cho tôi trách nhiệm phải ngăn cản các chú xây mới nhà thờ và chặt cây lộc vừng. Tôi thường xuyên phải về nhà tham dự các buổi họp của họ. Trước đây, họ tôi không bao giờ cho con gái tham gia, nhưng tôi khác, vì tôi là con gái tộc trưởng. Tôi mang những lý lẽ của ba ra để trình bày ở họ, nhưng các chú hỏi một câu làm lòng tôi đau nhói: "Có phải nhà cô nghèo nên sợ phải đóng góp tiền xây nhà thờ không?". Hôm đó, tôi đi lang thang vì uất ức. Tôi cứ đi như thế mà không để ý đến một người đang bám theo mình cho đến lúc hắn chặn đầu tôi và hỏi:
- Này cô, cô có phải cô Nguyên, con gái tộc trưởng họ Nguyễn.
Tôi nhận ra hắn là tay kỹ sư về chủ thầu một loạt công trình xây dựng ở làng tôi. Hắn chưa đầy ba mươi, nhưng trông từng trải và già dặn hơn tuổi.
- Thì sao? - tôi hỏi trống.
Anh ta nheo cặp mắt ti hí nhìn tôi soi mói rồi đáp:
- Người làng bảo cô xinh đẹp, thông minh, hôm nay gặp, quả là tin đồn không sai - hắn gật gù.
Từ hôm đó, hắn theo đuổi tôi. Tôi học xa nhà, hắn qua giúp mẹ tôi từ việc bổ củi đến xây lại mái bếp và cả những cái lặt vặt khác. Ba tôi không hài lòng nhưng không nói gì cả vì ba cũng chẳng giúp mẹ được những việc đó nữa. Nhiều làn, hắn còn mang quà lên tận trường cho tôi giúp ba mẹ. Phần quà riêng, hắn bảo: "mang quà cho phòng" để tôi không có lý do từ chối. Hắn còn công khai với họ hàng là thích tôi mặc dù không dám nói gì với ba mẹ. Vậy là các chú, các cô có dịp gọi tôi lại mà khuyên: "Tay đó được, mày còn chê gì nữa", "nó làm nhiều tiền, lấy nó sướng cả đời". Tôi mệt mỏi với những việc của họ mạc, lại muốn Quyết quên tôi đi nên vài lần tôi nhận lời đi chơi với hắn. Nhưng Quyết không xa rời tôi. Ngược lại Quyết còn hẹn tôi ra cây lộc vừng đầu ngõ, nơi hồi bé hai đứa vẫn chơi đùa và hỏi:
- Nguyên, Quyết biết Nguyên không yêu hắn, Nguyên yêu Quyết, có đúng không? Sao lại phải dối lòng mình thế cơ chứ?
Quyết nhìn tôi, ánh mắt giận hờn pha lẫn trách móc. Tôi dửng dưng:
- Quyết đừng yêu Nguyên nữa được không? Chúng ta không có tương lai.
Từ sau đợt đó, tôi tránh mặt Quyết bởi vì tôi không thể bỏ đi với Quyết như bà cô đời thứ 7 của tôi đã làm được.
Một ngày, mẹ tôi gọi điện lên báo tin ba ốm nặng, tôi bỏ học về nhà. Ba phải vào viện cấp cứu, nhưng sau khi được các bác sĩ chăm sóc, ba đã khá hơn và được điều trị ngoại trú. Người đưa ba tôi vào viện là Quyết. Quyết đang nghỉ ôn thi học kỳ ở nhà và thỉnh thoảng vẫn qua nhà tôi hỏi thăm ba mẹ. Sau khi trấn an ba, tôi mới để ý rằng, bên thờ họ, tiếng máy cưa đang rào rào chạy, những cành lộc vừng to đã đổ xuống. Cả họ tập trung ở đấy, chú hai đang chỉ đạo tốp thợ làm việc. Trên bậc thềm cũ rêu phong, tay kỹ sư tán tỉnh tôi đứng giữa một đám thanh niên - những đứa suýt soát tuổi tôi và gọi tôi bằng bác. Hắn say sưa trình bày về một kiểu thiết kế mới cho thờ họ. Tôi chạy đến bên ba:
- Ba ơi, con xin lỗi, con về không kịp rồi.
Ba tôi cười khắc khổ:
- Không còn gì nữa đâu, con đi đi, ba biết thằng Quyết nó đang chờ con.
- Ba, còn ba thì sao?
- Ba khỏi rồi, đi đi con, đời người có những lúc không thể làm lại được đâu, Quyết là người tốt, con hãy đến với nó, ba đồng ý.
Tôi sang nhà tìm Quyết. Mẹ Quyết bảo chờ mãi không thấy tôi nên vừa mới lên trường, chắc chưa ra khỏi làng. Tôi cảm ơn bác rồi tức tốc chạy đi. Tôi chạy nơi con đường đã bị đốn hạ hết cây lộc vừng, bên dưới đã rải đá chuẩn bị đổ bê tông. Những viên cuội trồi lên, đâm vào chân tôi đau nhói. Rồi tôi băng qua đường tắt để mong kịp gặp Quyết. Tôi cứ chạy như thế cho đến lúc nghe tiếng gọi:
- Nguyên, Nguyên ơi.
Đó là tiếng của Quyết, tràn ngập yêu thương. Tôi cứ nghĩ là tiếng gọi ấy vọng về từ một miền ký ức tuổi thơ mà tôi đã cố tình chôn kín cho đến khi thấy Quyết ở ngay trước mặt. Quyết bỏ ba lô, chạy lại ôm tôi vào lòng. Rồi tôi khóc trên bờ vai anh. Quyết lau nước mắt cho tôi. Hình như lúc đó, tôi đã khóc bằng cả những giọt nước mắt của thời bé dại, khi mà ba bế tôi đi nhong nhong, tôi vẫn không dám khóc nhè, vì mọi người vẫn dọa: "con gái tộc trưởng không được khóc".