Tòa án thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, hôm 20/2 công bố một số thông tin về các vụ kiện liên quan tới vấn đề phong bao lì xì lên tài khoản chính thức Weibo, SCMP cho biết.
Tòa án tiết lộ vụ kiện gần đây nhất xảy ra năm 2016 khi một sinh viên đại học ở tỉnh Vân Nam kiện bố mẹ mình đã biển thủ 58.000 nhân dân tệ (hơn 208 triệu đồng) tiền lì xì của cô trong suốt nhiều năm.
Nữ sinh viên họ Juan quyết định nhờ pháp luật can thiệp sau khi bố mẹ cô, hiện đã ly hôn, không chịu trả tiền học phí cho con gái. Tòa đã xử cho Juan thắng kiện và yêu cầu bố mẹ cô mỗi tháng phải trả cho cô 1.500 tệ (khoảng 5,4 triệu đồng).
Một vụ kiện khác do tòa án thành phố Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang thụ lý, cho biết một người đàn ông cùng ba con cáo buộc vợ cũ đút túi 560.000 tệ (hơn 2 tỷ đồng) tiền mừng tuổi của các con. Số tiền này do ông bà nội, ngoại tặng các cháu nhân dịp năm mới vào năm 2012, vì thế đó là tài sản của những đứa trẻ. Tòa án yêu cầu người vợ trả lại toàn bộ số tiền gốc cộng với lãi suất cho ba con.
Vào dịp năm mới, người Trung Quốc, cũng như Việt Nam, thường có truyền thống tặng phong bao lì xì cho trẻ nhỏ và các cặp đôi trẻ tuổi chưa kết hôn. Thường thì các bậc cha mẹ sẽ giữ hộ con số tiền này.
Tuy nhiên tòa án Tế Nam cho rằng "mọi quyền sở hữu phong bao lì xì phải được chuyển giao cho đứa trẻ được nhận lì xì". Tuy người bảo hộ được quản lý và bảo vệ tài sản của những đứa trẻ mà họ đang chăm sóc, họ không có quyền sử dụng chúng.
"Các cha mẹ phải nói rõ ràng với con cái rằng họ chỉ giữ tiền hộ chúng và không lấy đi. Số tiền đó phải thuộc quyền sở hữu của bọn trẻ", tòa án tỉnh Sơn Đông viết trên mạng xã hội Weibo.
Trước vấn đề này, người dùng mạng Trung Quốc bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều. "Nói thật, người ta lì xì cho con mình vì mình cũng lì xì cho con cái họ, có qua có lại thôi", một thành viên bình luận. "Nhiều cha mẹ nghĩ con cái là tài sản của mình nên tất nhiên họ có quyền giữ tiền lì xì của chúng", thành viên khác thì viết.