Hàng tuần, chỉ có Air Mekong có chuyến bay thẳng từ Hà Nội ra Côn Đảo vào thứ 4 và thứ 6, nên bay các ngày khác hoặc của Vietnam Airlines, bạn sẽ phải nghỉ chặng giữa tại Sài Gòn. Nhưng khi hạ cánh xuống Côn Đảo, bạn sẽ có cảm giác đang hiện hữu trong một giấc mơ.
Ngó qua cửa sổ, dù tầm nhìn bị hạn chế bởi cánh máy bay, nhưng bầu trời màu lục sáng trong vắt, núi non xanh ươm và bờ cát dài trắng óng sẽ khiến bạn tỉnh táo hoàn toàn và phấn khích lạ thường. Sân bay nhỏ, đường bay hạn chế nên máy bay hạ cánh rất sát mặt biển, cảm giác cứ như thể bạn đang ngồi trên một chiếc du thuyền lướt qua những ngọn sóng vậy.
Bước xuống máy bay, hít hà bầu không khí mằn mặn mùi gió biển và tận hưởng cái nắng “đầy” đến chói chang của vùng đảo, bạn sẽ muốn rút ngay máy ảnh ra để chụp lại những khoảnh khắc đẹp đầu tiên tại nơi đây.
Mất khoảng gần 30 phút từ sân bay về tới khu Côn Đảo’s Resort, khách sạn đẹp hướng ra các phía núi và biển. Thiên đường đã hiện ra trong những khu nghỉ dưỡng nằm giữa rừng cây mát mẻ, có khuôn viên riêng và lối đi trải dài, trang trí cây cối gọn gàng, xinh xắn với điểm nhấn là những chum nước mộc mạc trước cửa nhà. Đặc biệt, khu được gọi là nhà Rông nhưng nội thất bên trong lại khá hiện đại, sàn trần đều làm bằng gỗ chắc và đặc biệt khu nhà tắm được thiết kế “lộ thiên” tạo cảm giác rất gần gũi với đất trời, rừng cây gió biển.
Trong ánh chiều tà, dãy nhà Rông lấp ló sau những rặng phi lao đang thả nghiêng mình theo làn gió biển, với sắc xanh trầm. Đó cũng là lúc đoàn người tản dần về phòng nghỉ, rồi í ới hẹn nhau bữa ăn tối đầu tiên thưởng thức đặc sản nơi đây.
Đến Côn Đảo, không nên bỏ lỡ nội dung đi canô ra đảo, lặn ngắm san hô, dùng bữa trưa trên đảo và tắm biển thỏa thích. Côn Đảo là một quần thể gồm mười sáu hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, như Hòn Cau, Hòn Bông Lan, Hòn Trứng, Hòn Tài lớn, Tài nhỏ, Hòn Anh, Hòn em…
Trên Hòn Bảy Cạnh, du khách sẽ thấy bất ngờ với một cái chòi được xây dựng gọn gàng và khá kiên cố, đã có cả bàn và ghế làm từ những gốc cây rừng lớn, mái lợp bằng gạch, nền lát xi măng đàng hoàng. Ngay sau còn có cả khu nhà vệ sinh được xây dựng khá sạch sẽ, phân khu nam nữ riêng, có bồn cầu, phân khu vực tắm, bên ngoài còn có cả bể chứa nước ngọt.
Bơi ở nơi đây, bạn sẽ được thả mình trôi tự do, đắm mình trong làn nước mát với đôi mắt nhắm nghiền mà không lo đụng hay chạm phải ai. Trong cảm giác vô cùng tuyệt vời, chính khoảnh khắc ấy, bạn sẽ thấy mình đang ở chính giữa thiên đường.
Bờ biển trên Hòn Bảy Cạnh dài và còn hoang sơ, đẹp một cách giản dị và gần gũi, khiến bạn sẽ cảm thấy thư thái và yên bình. Cặm cụi nhặt những vỏ san hô, vỏ ốc trắng muốt với nhiều hình thù lạ mắt, bạn có cảm giác như mình được trở về thời ấu thơ cùng biển.
Sau bữa tiệc nướng ngoài trời, bạn nên tham quan khu rừng ngập mặn. Len lỏi qua còn đường mòn nhỏ xíu chừng hơn một cây số, là những nhánh rễ cây nằm bò, cái nổi, cái chìm dưới làn nước tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng khi được pha lẫn giữa màu của lá cây xanh non đang mơn mởn nảy lộc. Lội qua làn nước mát, trong veo, có thế thấy được những dòng cá bé xíu bơi thành đàn dưới nước, hay những gốc rễ cây nổi trên bề mặt tạo thành những cây cầu nhỏ xinh xinh thật thuân tiện để du khách đến tạo dáng và lưu giữ khoảnh khắc, với không gian trên là tán cây xanh nõn nà, dưới là cầu nước róc rách êm đềm trôi. Cảnh sắc hết sức lãng mạn như từ trong một câu chuyện cổ tích.
Rời khỏi khu rừng để trở về đảo lớn, canô sẽ đưa bạn tham quan bể nuôi Vích của các anh Kiểm lâm trên đảo. “Côn Đảo chính là bãi đẻ trứng Vích lớn nhất Việt Nam, mùa sinh sản thường vào tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, đến đây vào tầm đó mọi người có thể xem Vích đẻ trứng đấy”, một anh trung niên đang cắt mực tươi cho Vích ăn, cho biết.
Một trong những điểm nhấn của chuyến tham quan Côn Đảo là việc viếng mộ chị Võ Thị Sáu vào lúc nửa đêm. Người ta kháo nhau rằng, mộ chị Sáu thiêng lắm, nên ai tới Côn Đảo cũng phải tới viếng mộ chị vào đúng mười hai giờ đêm để lấy linh.
Đúng mười một rưỡi đêm, ô tô khách sạn sẽ chở cả đoàn tới nghĩa trang Hàng Dương để viếng mộ. Không khí tại nghĩa trang vào lúc nửa đêm luôn tạo cho người ta cảm giác lạnh lẽo, hun hút và một chút nhút nhát hơn bình thường. Nhưng tại nghĩa trang này thì lại khác, dù là nửa đêm vẫn rất đông du khách. Các sạp bán hàng đèn vẫn sáng trưng, phục vụ cho nhu cầu mua đồ lễ vào thắp hương của đoàn người tới viếng.
Dưới ánh đèn le lói và ánh sáng li ti phát ra từ các thẻ hương ở các bia mộ, mọi người chen chúc nhau để được vào đặt lễ, tiếng cúng vái lầm rầm, tiếng người nói thầm to nhỏ, tiếng bước chân, tiếng khay đồ lễ sột xoạt khiến không gian tại nghĩa trang dường như “vang” hơn so với các nơi khác. Bất giác, bát hương nơi mộ chị Sáu bùng cháy khiến mọi người xung quanh hơi hốt hoảng, nhưng lại vội vàng nhanh chóng tiếp tục trong tiếng lầm rầm cúng lễ, dâng lễ, hạ lễ. Chuyến viếng mộ sẽ đem lại cho bạn một giấc ngủ ngon khi lòng thấy nhẹ nhàng và thanh thản vô cùng.
Phần còn lại của chuyến tham quan chính là chuyến thăm các di tích lịch sự của Côn Đảo. Khu bảo tàng - đang mượn nhà của Chúa Đảo từ thời Pháp thuộc, làm nơi trưng bày các kỷ vật, di tích và bằng chứng về các sự kiện lịch sử liên quan tới nhà tù thực dân tại Côn Đảo. Côn Đảo hay Côn Sơn hay Côn Lôn chính là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo gồm mười sáu hòn đảo này. Qua lời diễn thuyết của cô hướng dẫn viên du lịch, qua những tấm hình mô phỏng, những bức ảnh chụp lại và những mẫu vật trưng bày, có thể mường tượng lại phần nào cuộc sống nghiệt ngã của những tù nhân bị giam cầm nơi đây.
Trại Phú Hải, nơi được coi là trường đào tạo cách mạng với khuôn viên rộng và đẹp như trong tranh vẽ với cây bang lá đỏ, mái ngói xô nghiêng, cảnh sắc khiến không một du khách nào có thể tưởng tượng được, bên trong chứa đựng những điều gì.
Bước chân vào một căn phòng giam khá rộng, nghe nói là phòng giam chung, có thể giam tới hơn một trăm tù nhân tại đây. Những mẫu tượng mô phỏng cho thấy, tù nhân không có mảnh vải che thân, cổ chân bị còng vào một thanh sắt nối dài với hàng trăm cùm sắt tương ứng với số tù nhân có trong phòng. Ban ngày, họ được tháo cùm sắt và lao động các công việc nặng nhọc như Đập đá, Bưng vác, Tuốt lúa, Xay thóc…
Bên Trại Phú Tường, nơi giam giữ tù nhân chính trị với hệ thống “chuồng cọp” nổi tiếng. Lối đi vào lắt léo và rắc rối khiến bạn có cảm giác mình có thể lạc bất cứ lúc nào nếu không bám sát theo đoàn. Leo lên phía trên bằng lối cầu thang bộ dốc đứng, bạn sẽ tận mắt chứng kiến toàn cảnh “chuồng cọp” giam người tại đây.
Với bề mặt sàn tầng trên cao khoảng 4 mét so với mặt đất dưới, chỉ có một lối đi dọc từ đầu bên này sang cuối đường bên kia. Hai bên là các ô đang nong sắt san sát, nhìn xuống mỗi ô là một gian phòng khoảng ba mét vuông, gồm một bệ bê tông, một bộ cùm sắt liền bệ và một thùng gỗ có nắp. Theo mẫu vật mô phỏng cùng lời kể của hướng dẫn viên, thì đây là nơi giam giữ của những tù nhân chính trị đặc biệt, bị kiểm sóat 24/24 giờ. Họ cũng ở truồng, bị giam riêng biệt, vệ sinh tại chỗ và thường xuyên bị tra tấn bởi giám sát viên đứng bên trên, có thể là bị đâm từ trên cao bởi giáo sắt, hay bị đổ nước sôi, vôi pha nước vào người bất cứ lúc nào. Họ không có dù chỉ là một giây không gian riêng tư.
Rời khỏi chuồng cọp, ai cũng trong tâm trạng xót xa. Dù chỉ là tưởng tượng và mô phỏng lại, nhưng cũng đủ để lại những ấn tượng man rợ, dã man mà tù nhân phải chịu đựng khi bị giam cầm tại đây.
Trên đường từ trại giam trở về bạn có thể viếng Đền thờ bà Phi Yến. Theo truyền thuyết, bà tên thật là Nguyễn Thị Răm, vốn là vợ của Vua Gia Long. Người dân ở đây kể lại, thì vì can ngăn vua không nên mượn quân ngoại bang để đánh trận nội chiến, mà bà đã bị đi đày và bị nhốt trên núi. Hoàng tử con trai bà, trong lúc chạy trốn cùng cha, vì xin cho mẹ đi cùng mà bị Vua cha ném xuống biển, xác của hoàng tử trôi vào bờ và được người dân chôn cất. Khi ấy Hoàng tử mới 5 tuổi. Nghe tin ấy, bà đã xuống núi và sống ở tại ngôi làng nơi chon cất Hoàng tử để chăm sóc mộ phần. Trong một lần bất cẩn để kẻ gian lẻn vào phòng và chạm vào tay, để chứng minh trinh tiết của mình, bà đã tự chặt bàn tay bị ô uế. Tuy nhiên, do cảm thấy vẫn tủi hổ, bà đã trầm mình để giữ trinh tiết.
Không xa đền thờ bà Phi Yến là Miếu Cô (nơi thờ bà Phi Yến) và miếu Cậu – nơi thờ Hoàng tử Cải, con trai Bà, tên gọi theo truyền thuyết của người dân ở đây. Chính ở chốn này, bạn sẽ hiểu vì sao ca dao có câu: “Gió đưa cây Cải về trời, rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Thời gian giữa những chuyến tham quan, bạn có thể thuê xe máy tạt qua chợ Côn Đảo để mua quà về cho gia đình. Xe máy ở đây thuê theo giờ, theo buổi, giá rất rẻ. Thuê xong trả xe cứ vứt ở lòng đường, cắm nguyên chìa khóa, không có giấy tờ biên nhận gì hết. Người dân ở đây lành tính thật. Được giới thiệu đặc sản ở đây là hạt bàng, mứt hạt bàng, mực một nắng và cá mú đỏ nên tôi cũng lựa một ít đồ để làm quà, tiện đường lòng vòng thăm quan nốt một vòng thị trấn, mà cứ nuối tiếc mãi cái bầu không khí sạch sẽ, mát mẻ nơi đây.
Thường các chuyến thăm Côn Đảo được khép lại chuyến đi bằng màn đốt lửa trại ăn mực một nắng, uống bia và nướng khoai ngay bãi biển trước cửa phòng. Biển về đêm lạnh hơn ban ngày, nhưng bầu trời, không gian và tiếng sóng biển về đêm dường như lại rất khác.
Rời Côn Đảo sau những ngày nghỉ ngơi tại đây, du khách sẽ mãi lưu giữ những hình ảnh cái xích đu bằng gỗ, cái mùi biển, mùi gió, mùi cỏ cây và âm thanh của tiếng sóng, của chim chóc quanh rừng. Ở Côn Đảo, bạn sẽ được sống và cảm nhận rõ rệt cuộc đời này, không phải là trong một giấc mơ.
Trang Dương