Chia sẻ với Ngoisao.net, chị Vũ Thị Hà (26 tuổi, Hà Nội) cho biết vừa trải qua những ngày như "ngồi trên đống lửa" vì tai nạn hy hữu của con gái. Tối 16/4, hai mẹ con nằm chơi đùa trên giường trước lúc đi ngủ. Thấy nhẫn đeo trên tay mẹ nên bé đòi lấy chơi. Bé Vy Lam đã hơn 26 tháng tuổi, trước giờ rất ngoan không bỏ đồ linh tinh vào miệng nên chị chủ quan đưa cho con. Sau vài phút không để ý, thấy con ọe ọe như bị hóc nên hỏi nhẫn đâu mới biết con đã nuốt vào bụng.
Từng tìm hiểu rất kỹ cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật nhưng khi rơi vào tính huống chị Hà lại luống cuống, khóc lóc quên hết các bước cơ bản. Ngay sau đó chị đưa con đến bệnh viện gần nhà cấp cứu. Lúc này bé vẫn tỉnh táo nhưng tâm lý bất ổn. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy chiếc nhẫn sau khi bị nuốt đã rơi xuống dạ dày. Bác sĩ yêu cầu cho chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm để theo dõi và can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Sau khi bình tĩnh trở lại, chị tham khảo ý kiến của nhiều bà mẹ trên hội nhóm nuôi con nhỏ và xin cho bé về nhà theo dõi, có gì sáng mai sẽ đưa con lên bệnh viện Nhi. Chị cho con tích cực ăn uống, ưu tiên những món ăn nhuận tràng như rau củ, trái cây, sữa chua... May mắn sau hai ngày, chiếc nhẫn cuối cùng đã chịu ra ngoài theo đường tiêu hóa.
Suốt hai ngày chị mất ăn mất ngủ, người thẩn thơ vì lo lắng cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Đây cũng là bài học mãi chị không thể quên. Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Hà mong các bậc phụ huynh nên "cách ly" trẻ với những vật dụng sắc nhọn hay những đồ vật vừa với miệng trẻ. Trong trường hợp phát hiện trẻ nuốt dị vật hoặc thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cần bình tĩnh thực hiện cách xử lý khi trẻ hóc dị vật. Nếu con đã nuốt vào trong bụng cần đưa ngay đến bệnh viện bởi không phải trường hợp nào dị vật cũng chịu chui ra ngoài theo đường tiêu hóa. Rất nhiều trường hợp dị vật bị dính lại thực quả, ruột non, thậm chí đi lạc sang đường thở khiến nạn nhân gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong.