Quán Cơm Bắc bình dân số 4¹ Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích nhỏ, nóng và luôn chật chội nhưng không nản lòng những người thèm cơm Bắc. Ở đây có những món ăn bình dân kiểu Bắc như bắp cải muối xổi với rau răm, thịt rang cháy cạnh, cá bạc má rán, đậu phụ luộc, trứng chiên… và đặc biệt là bát nước rau muống luộc có vị chua thơm rất đặc biệt của sấu dầm hoặc quất (tắc) vắt ăn cùng cà pháo muối ròn. Dù mệt mỏi bao nhiêu, nắng nóng bao nhiêu, ăn bát cơm với những món ăn quen thuộc đậm đà vị quê hương chắc hẳn bạn sẽ thấy mát lòng.
Dân công sở ở quận I lại “kết” quán cơm Bắc Hoàn Kiếm trên đường Nguyễn Du. Quán này đặc biệt ở chỗ: bếp nấu ở bên cạnh chỗ bày thức ăn. Những lúc rỗi rãi, đến quán sớm, khách có thể được ăn những món vừa nấu xong đang ngun ngút khói, hoặc nếu có nhu cầu làm nóng thức ăn, sẽ được đáp ứng ngay. Ở quán này, thức ăn được thay đổi liên tục theo từng bữa, nhưng đáng nhớ vẫn là món giả cầy, thịt kho, bắp cải xào, canh mùng tơi nấu riêu cua... Quán đặt chừng 10 cái bàn, do đông khách nên phải mở thêm ra khoảng đất trống bên cạnh. Tuy vậy, vào giờ cơm trưa và cơm chiều luôn chật kín chỗ.
Những người thích cơm Bắc bình dân cũng thường nhắc tới quán Hương Bắc trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh. Đây là quán cơm có cung cách phục vụ khá chu đáo với dàn phục vụ được mặc đồng phục chỉn chu. Ngoài những món ăn bình dân nấu theo hương vị Bắc ở đây còn có các món hải sản sống và các món nhậu phục vụ cho các bữa chiêu đãi, tiếp khách. Tuy nhiên đặc trưng của quán vẫn là cơm bình dân. Với không gian khá rộng rãi, khách có thể thoải mái vừa ăn cơm, uống trà đá và tranh thủ ngồi nghỉ ngơi đôi chút.
Không đắt như các món Bắc phục vụ tại nhà hàng sang trọng, nhưng cơm “bụi” Bắc ở TP HCM không rẻ như cơm “bụi”… gốc. Ở Hà Nội chỉ chừng 5.000 đồng có thể ăn một suất cơm bình dân, nhưng ăn cơm “bụi” Bắc ở TP HCM phải mất ít nhất 10.000-15.000 đồng cho vài ba món ăn “dân dã”. Còn những món ăn “sang” một chút như cá chép kho, cá thu sốt cà chua hay giả cầy… thì khoảng 20.000 đồng một đĩa cho một suất ăn. Và tất nhiên một bữa ăn của người Bắc trên bàn ăn không thể chỉ có một đĩa thức ăn.
Bởi vậy cơm “bụi” Bắc ở Sài Gòn cũng kén khách. Khách chủ yếu là dân công sở, những người Bắc vào chưa quen ăn cơm miền Nam, những người gốc Bắc lâu ngày gặp bạn bè sau khi “quảng cáo” có quán này ăn ngon thường kéo nhau đến ăn. Nhiều người ở TP HCM vẫn tâm đắc với câu “ăn Bắc, mặc Nam” cho nên không ít khách đến các quán cơm này nói giọng sệt Sài Gòn. Anh Khánh, nhà ở quận 4, TP HCM cho biết thỉnh thoảng buổi trưa anh vẫn đến quán cơm Bắc ăn trưa cùng “bà xã”. Vợ chồng anh rất thích cơm miền Bắc vì theo anh các món Bắc ngon và dễ ăn. Tuy nhiên, vì là “cơm bình dân giá mắc” nên cơm “bụi” Bắc không phải là bữa cơm thường xuyên của vợ chồng anh.
Theo Người Lao Động, các quán cơm “bụi” Bắc ngày càng nhiều ở TP HCM. Những quán này chủ yếu là do những người Bắc mở. Tuy nhiên, cũng không ít những quán cơm Bắc… núp bóng. Những ông chủ không phải người Bắc này khá nhạy bén đã “bắt” ngay cơ hội làm giàu bằng cơm bụi. Họ “bắt chước” cách nấu hoặc thuê người nấu kiểu Bắc.
Anh Trần Hưng, một nhân viên làm việc trong toà nhà Diamond Plaza cho biết, anh được bạn bè rủ đi ăn một số tiệm cơm Bắc, nhưng ăn rồi mới biết mình bị… lừa. Là người Hà Nội gốc, anh nói rằng, đã là cơm Bắc thì các món phải bày ra từng đĩa hẳn hoi, mỗi món một ít thức ăn và một bữa ăn phải có 4-5 món ăn. Không thể có cơm Bắc nấu bằng gạo tấm thơm, cho cơm và các món ăn lẫn vào một đĩa “bự”. Vị đồ ăn của cơm Bắc cũng phải có “gu” riêng không lẫn vào đâu được. Các món Bắc thường ít mỡ, không có quá nhiều vị ngọt, không có “đồ chua”… Thậm chí, bát nước chấm của cơm Bắc cũng không nhiều ớt, tỏi giã nhỏ pha với chanh đường như cơm Nam. Người Bắc thường dùng bát nước mắm nguyên chất, pha ít mì chính, chanh và vài ba lát ớt.
Một số tiệm cơm Bắc ở TP HCM, đặc biệt là những quán cơm Bắc “núp bóng” lại không để tâm đến những điều nho nhỏ nhưng rất đặc trưng như trên của cơm Bắc. Thậm chí, thay vì bát đũa, một số tiệm cơm nấu theo kiểu Bắc “bắt” khách hàng dùng đĩa, nĩa như… tây. Do vậy, dân sành ăn vẫn thích đến những quán ăn quen món lẫn quen mặt chủ để vừa ăn vừa trò chuyện như những người thân lâu ngày.
Ở TP HCM ít có tiệm ăn nào mà không lấy tiền gửi xe của khách dù là tiệm lớn hay tiệm nhỏ, một số quán cơm “bụi” Hà Nội cũng không loại trừ. Nhiều ông khách vui tính vẫn thường kháo nhau: “Đi ăn cơm bình dân lại còn mất thêm 2.000 đồng gửi xe, đúng là cơm “bụi” ở Sài Gòn!”.