![]() |
Xe cổ với phố cổ. |
Lang thang ở thành phố cổ Florence, rồi Rome, thấy cơ man các loại xe máy “lạ” long nhong ngoài phố, nhưng tôi chỉ ham chiêm ngưỡng chủ nhân của chúng, là những cô gái Italy cực xinh, chân dài váy ngắn. Để rồi không ưng của nào, giời trao của ấy, giời cho tôi một cú “thương đau” với xe cổ mà bạn bè đến giờ còn đàm tiếu.
Số là, cái đận lâm sự phải “dạt vòm” ra Hà Nội mấy tháng, qua rượu chè tôi quen với một chàng tài tử điện ảnh chuyên trị đóng vai công tử ăn chơi. Thế rồi không hiểu bằng cách nào, chàng tán tỉnh và “gả” được cho tôi một “em” xe cổ lùn tịt, đen như con trâu và dáng rất ngầu, có cả... hai ống pô mà cả khi đó lẫn bây giờ, tôi cũng chẳng biết “em” thuộc dòng nào.
“Em” rẻ, chỉ có triệu rưỡi, lại còn được khuyến mãi một bữa nhậu. Tất nhiên, “em” là dân lậu, hoàn toàn không có, giấy tờ, biển số giả. Lôi “em” từ nhà kho của chàng tài tử ra, tôi phải "xùy" ra một trăm rưỡi cho mấy cậu sửa xe vỉa hè để có thể nổ máy chạy tới ga Hàng Cỏ rước “em” về Đà Nẵng, nơi tôi đang ở.
Các bác nhân viên nhà ga xuýt xoa nhìn “em”, nhưng năn nỉ gẫy lưỡi các bác cũng không thể chiều lòng cho “em” lên tàu, vì không có giấy tờ! Thế là phải trả vé tàu rồi đẩy “em” ra tuốt bến xe phía Nam Hà Nội.
Đẩy, vì ngay tại ga, “em” đã dỗi ỳ ra không chịu nổ, báo hại ông bạn thi sĩ Lương Ngọc An ở báo Văn nghệ gò lưng trên con Su 125 đen thui, một chân đưa ra phía trước đủn đít “em” ra bến xe. Mướt mải mới bốc được “em” lên nóc xe đò, bắt đầu hơn một ngày trời “đi trong sợ hãi”.
![]() |
Người đẹp với xe cổ. |
Suốt dọc 8-9 trăm cây số đường trường về miền Trung, mỗi lần thấy các bác cảnh sát giao thông giơ gậy là tim tôi thắt lại. Có bác nào ngứa mắt hỏi han thì coi như giữa đường rớt gánh!
Suốt mấy tháng sau đó, “em” lù lù chiếm một góc nhà, xăng nhớt đổ tùm lum, vợ tha hồ chì chiết, rằng thì già rồi còn dại! Dắt “em” ra tiệm, hỏi, thì nghe bảo phải bỏ thêm 3 - 4 triệu đồng mới chạy được.
Dắt “em” đến gặp mấy bác cảnh sát giao thông là chiến hữu để xin hợp thức hoá giấy tờ, thì được hiến kế, rằng: “Để tụi tui ghi số xe, số máy rồi thông báo trên tivi là cảnh sát giao thông... “nhặt” được chiếc xe này, ai là chủ mời đến nhận. Hết thời hạn không ai nhận (tất nhiên), thì sẽ làm giấy tờ mới”.
Giời ạ, nhiêu khê quá! Tôi lại dắt “em” về dựng ở góc nhà, lại xăng nhớt chảy tùm lum, lại nghe vợ ì xèo. Mãi mấy tháng sau mới “túm” được một cậu em đang làm ở một huyện miền núi Quảng Nam, khi thấy nó đến chơi nhà, mê mẩn nhìn “em”.
Thế là hí hửng biếu không “em” cho nó, mất thêm một độ nhậu, mới thoát thân! Kể lể lan man như vậy, để nói rằng tôi luôn bái phục những người chơi xe cổ về mọi mặt, đặc biệt là sự công phu và sức “chịu đựng”.
Bởi vậy, hôm nọ chàng tài tử xinê Lê Nuôi (từng vào vai người hàng binh Pháp Bernard phim Ký ức Điện Biên) ở Hội An ra tìm, hẹn bữa nào về Quảng Nam chơi cuộc diễu hành xe cổ tại Hội An và Mỹ Sơn, người tôi cứ rộn cả lên với nhiều cảm xúc khó tả!
Bày cuộc và bỏ tiền tài trợ là ông Nguyễn Thành Sang - Chủ tịch HĐQT Khu nghỉ mát Vườn Cọ (Palm Garden Resort) kế bên Cửa Đại cùng nhóm bạn gốc Quảng Nam đang làm ăn ở TPHCM như các ông Phạm Phú Ngọc Trai - Tổng Giám đốc Pepsi Co., Nguyễn Quang Tiên - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông...
Nói về sự rong ruổi đường trường trên xe máy, thì tôi cũng từng lắm dịp. Từ vụ theo đoàn xe đạp đua “Về thăm Trường Sơn” năm 1993 do ông Tư Ngữ (Trần Thanh Ngữ - Giám đốc Trung tâm TDTT quận I, TP HCM, nay ông đã mất) tổ chức, cho đến chuyến mấy anh em balô trên lưng dọc ngang Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây bằng xe máy suốt 28 ngày liền qua 2.800 cây số năm 2002.
Nhưng, quả là hoành tráng, khi tưởng tượng hơn 200 “em” xe cổ đủ kiểu dáng, màu sắc từ khắp nơi đổ về, với những nam thanh, nữ tú, người mẫu, ca sĩ... vè vè chạy quanh phố cổ, và rồi dập dìu bên đền tháp Chămpa ngàn năm!
Lại đúng ngay dịp diễn ra Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản”, chủ đề “Hội ngộ di sản văn hóa Đông Dương”. Suốt gần tháng trời, ông Sang, ông Nuôi tất bật lo khâu tổ chức.
Cũng tưởng chỉ phiên phiến thôi, ai dè vừa bước vào Vườn Cọ, tôi đã hoa cả mắt. Một trời xe cổ tứ phương tụ về, cái hình dong cổ quái, cái gồ ghề khủng bố, cái thì nũng nịu mi-nhon...
![]() |
Thi sĩ Đỗ Trung Quân cũng gầy như “em” Velo Solex. |
Thi sĩ Đỗ Trung Quân người còn cổ và gầy hơn “em” Velo Solex đời thập kỷ 50 thế kỷ trước (ấy là nghe thi sĩ gọi tên xe như vậy, nên biết vậy). Tác giả “Quê hương là chùm khế ngọt” dạo trên con đường di sản trên lưng “em” này.
Ở Sài Gòn, từ 8 năm nay, thi sĩ chuyên cỡi “em” Vespa mini đời 1953, xe này vốn của ca sĩ Hà Trần vẫn cưỡi thời vào hát ở Sài Gòn, sau thông qua nhiếp ảnh gia Vũ Hải Sơn tặng lại.
“Vì em nhỏ nhắn, thanh lịch, hợp với anh chàng... 37 ký như mình. Rất tiện lợi, chỉ trừ mùa mưa ở Sài Gòn. Mùa ấy nước ngập đường, mình mà cưỡi em thì chẳng ai thấy... người và xe đâu!” - Thi sĩ nheo kính cười hóm hỉnh.
Cô Chanh ca sĩ (Phương Thanh) cũng đang tíu tít bên chiếc Mobylette nghe nói từ đời... 1923, bên cạnh là ca sĩ Quang Linh với “em” Mobylette đời 1930.
Cũng lạ, xe cộ tuổi tác toàn cỡ ông nội, bà ngoại, lại trải qua chiến tranh loạn lạc liên miên, vậy mà vẫn có nhiều người còn giữ lại được đến hôm nay. Lân la hỏi chuyện, mới biết thế giới cổ xa vô cùng phong nhiêu, nhưng dân chơi lại luôn tìm cách khẳng định cái “gu” riêng của mình, cho dù cùng sở hữu một chủng loại xe.
Võ Tuấn Anh - Trưởng nhóm “Vespa Cố Đô” - dẫn đầu một đoàn 19 chiếc vượt Hải Vân từ Huế vào Hội An cho biết: “Huế tuy chơi xe cổ sau Sài Gòn, Hà Nội, nhưng tay chơi cự phách thì không kém cạnh. Cách chơi của Huế là tôn trọng nguyên bản, không độ lại, nếu có độ lại thì cũng để đưa chiếc xe về lại đúng với nguyên bản của nó, từ màu sơn đến từng con ốc”.
Khác với phong cách “đằm” của xe cổ Huế, xe cổ đến từ Vĩnh Long lại rất “anh Hai Nam Bộ”. Không chỉ là kiểu dáng, mà còn ngay từ cách chơi. Đoàn cổ xa này đã không thèm tăng-bo đoạn nào, mà rong ruổi nổ máy vượt 1.200 cây số ra tới Hội An, chấp nhận hỏng hóc, sửa chữa dọc đường.
Nhóm xe cổ 6 chiếc đến từ Hà Nội (sau bổ sung 4 chiếc tại Hội An) thì rất “cậu”, trong đó có chiếc Vespa Standard của nữ chủ nhân tên Thúy, ngoại thất được đính bằng hạt ruby! Xe cổ đến từ Sài Gòn thì khỏi nói, không hề “đụng hàng”.
Độc không ai bằng, đó là chiếc “xe trâu” của chàng thanh niên 23 tuổi Nguyễn Văn Đỉnh. Chàng trai gốc quê lúa Thái Bình truyền thống gia đình thợ mộc, hứng khởi với SEA Games 22 “Trâu Vàng” tổ chức tại Việt Nam, đã biến chiếc DH cũ kỹ thành một con trâu hoàn toàn bằng gỗ đỏ, chạm khắc công phu.
Không chỉ là dân chơi xe cổ chỉ biết máy móc, Đỉnh còn là một nghệ nhân đúng nghĩa, khi tự mình thiết kế ngoại thất và chạm khắc lên xe những hoạ tiết độc đáo và lãng mạn về truyền thống dân tộc, từ sự tích Tấm Cám, Sọ Dừa, đến Rồng Tiên...
Đỉnh cho biết, tuy chi phí không đắt như những loại xe cổ khác, chỉ khoảng 30 triệu đồng, nhưng công sức và sự suy nghĩ, sáng tạo đổ vào đấy mới là chính yếu. Ở nhà, anh hiện còn hai chiếc xe cổ ngoại thất được ốp hoàn toàn bằng vỏ dừa khô và vỏ cây cổ thụ.
Dự định năm con trâu sắp tới, Đỉnh sẽ đấu giá chiếc “xe trâu” có một không hai này để làm từ thiện, sau đó sẽ ốp gỗ một “con” xe khác kềnh càng hơn (600 phân khối). Dự định tiếp theo là lập một câu lạc bộ toàn xe gỗ, mà hiện số người đăng ký đã lên tới vài chục.
Những tưởng chuyến xe đò chở xe cổ của tôi dạo nọ đã là “công phu”, té ra anh chàng Đỉnh có gương mặt rất thư sinh này còn chơi “gớm” hơn. Từ khi con trâu gỗ của Đỉnh ra đời, mỗi lần đi dự hội hay triển lãm ở đâu đó, anh chàng toàn cho nó đi bằng máy bay!
Như đợt này, từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, con trâu gỗ đã “ngốn” trên 2 triệu tiền cước hành lý, gấp đôi bình thường. Cái hay là không phải tháo rời chi hết, mà chỉ trút hết xăng nhớt ra ngoài cho an toàn.
Nắng đã neo trên những đền tháp uy nghi phía trước mặt, trên đôi vai trần vũ nữ Chămpa, trong tiếng kèn saranai, tiếng trống ghinăng đón chào. Đường vào Mỹ Sơn lần đầu tiên rộn rã đến thế với đoàn cổ xa đến từ thế giới hiện đại.
Tiếc thế, đoàn xe không thể vào gần hơn trong cổ tháp. Nhưng ánh mắt, nụ cười những thiếu nữ Chăm, Khơme, Lào đến từ các miền Di sản Đông Dương đã nói thay lời chào chúc phúc cho cuộc chơi mơ mộng thời hiện đại.
(Theo Tiền Phong)