Cỗ máy thời gian thuộc hàng bom tấn truyền hình của TVB. Tác phẩm sản xuất năm 2000, dẫn đầu tỷ suất xem đài năm 2001 với rating trung bình 33 điểm. Nhờ vai diễn Hạng Thiếu Long trong phim, Cổ Thiên Lạc trở thành người trẻ nhất thắng giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" trong lịch sử TVB, ở tuổi 29. Tại lễ trao giải cùng năm, anh và Tuyên Huyên có tên trong top 10 nhân vật truyền hình được yêu thích nhất.
Bộ phim dựa theo truyện Tầm Tần Ký (hành trình đi tìm nhà Tần) của tác giả Huỳnh Dị, kể về cảnh sát Hạng Thiếu Long được chọn làm người thử nghiệm cỗ máy thời gian, từ năm 2000 trở về thời đại nhà Tần, giúp Tần Doanh Chính lên ngôi Tần Thủy Hoàng. Trong cuộc phiêu lưu ấy, Hạng Thiếu Long kết duyên với các bóng hồng do Tuyên Huyên, Quách Thiện Ni, Đằng Lệ Minh, Trịnh Tuyết Nhi đóng. Sau 20 năm ra mắt, Cỗ máy thời gian vẫn là ký ức đẹp của fan TVB. Dù dòng phim xuyên không có nhiều tựa phim mới xuất hiện, tác phẩm giữ vững vị thế tiên phong.
Dự án hoành tráng
Cỗ máy thời gian là phim đầu tiên TVB thực hiện 80% bối cảnh tại Trung Quốc. Đoàn phim trải qua chín tháng bấm máy ở nhiều địa điểm gồm Bắc Kinh, Hàng Châu, Nội Mông, phim trường Hoành Điếm - Chiết Giang, phim trường Trác Châu - Hà Bắc. Ăn theo danh tiếng phim, các bối cảnh trở thành điểm tham quan hút khách. Nhiều phim Hong Kong, Đài Loan cũng học lịch trình khai thác ngoại cảnh của Cỗ máy thời gian. Phim dài 40 tập, đông nhân vật và nhiều tình huống. Lượng đạo cụ và phục trang lên đến hơn 100 tấn. Trong đó, tượng binh mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được thiết kế kỳ công theo tỉ lệ 1:1 so với hiện vật trong bảo tàng tỉnh Thiểm Tây.
Theo QQ, một số nhân vật trong Cỗ máy thời gian được ghép từ hai nhân vật trong truyện gốc, chẳng hạn Ô Đình Phương (Tuyên Huyên) vốn có hai nguyên mẫu Ô Đình Phương và Phụng Phi. Phim lược bỏ nhiều chi tiết trong truyện nhưng mạch phim vẫn thuyết phục. Nhiều tình tiết mới được sáng tạo như cắt thân tre thành dao và nĩa, đeo số trước ngực khi đá bóng, sử dụng kỹ thuật phòng thủ của bóng đá hiện đại...
Năm ngoái, Cổ Thiên Lạc đầu tư sản xuất phiên bản điện ảnh Cỗ máy thời gian với nội dung nối tiếp câu chuyện 20 năm trước. Nhiều diễn viên chính và phụ của bản gốc trở lại hội ngộ, cho thấy dàn sao năm xưa gắn bó thế nào và Cổ Thiên Lạc được mọi người quý mến, nể trọng ra sao. Riêng tài tử Giang Hoa (vai Liên Tấn/Lao Ái) từ chối vì lo hình tượng năm xưa bị phá hỏng trong phiên bản điện ảnh.
Quách Thiện Ni mất tích bí ẩn
Thời gian đoàn phim làm việc bên Trung Quốc, một hôm Quách Thiện Ni (vai Cầm Thanh) biến mất kỳ lạ. Bạn cùng phòng cho biết ví tiền và giấy tờ tùy thân của cô vẫn còn. Đoàn phim cuống quýt đi tìm, sợ cô đắc tội với dân địa phương nên bị bắt cóc. Mọi người chia nhau vào từng phòng trong khu vực lưu trú của êkíp tìm nhưng không thấy bóng dáng nàng hoa hậu đâu. Nơi cuối cùng họ tìm đến là phòng của Cổ Thiên Lạc. Nhưng chưa ai kịp gõ cửa, nam diễn viên chủ động bước ra. Anh nói không gặp Quách Thiện Ni nhưng cô không sao, đoàn phim không cần báo cảnh sát.
Sau 16 tiếng mất tích bí ẩn, Quách Thiện Ni trở lại đoàn phim. Cô hoàn toàn bình thường nhưng không ai biết cô đi đâu, làm gì. Tuy nhiên, sự việc dấy lên tin đồn Cổ Thiên Lạc và Quách Thiện Ni bí mật hẹn hò. Một số nhân viên đoàn phim rỉ tai nhau rằng họ bắt gặp hai ngôi sao có cử chỉ thân mật. Sau này được phóng viên hỏi tới, cả hai đều phủ nhận.
Trăm cực ngàn khổ
Khi tới Hà Bắc ghi hình, cả đoàn phải sống trong cảnh khan hiếm nước sinh hoạt. Cổ Thiên Lạc ba ngày liền không được tắm. Một đợt, anh ốm nặng, sốt cao 40 độ, phải nhập viện gần 10 ngày. Anh được chẩn đoán nhiễm khuẩn, ba ngày phải chích máu độc một lần. Dù về sau sức khỏe phục hồi tốt, anh cảm thấy quay phim truyền hình quá vất vả nên chuyển hướng làm điện ảnh. Cỗ máy thời gian trở thành sản phẩm cuối cùng của anh tại TVB. Thực tế, tài tử còn nợ một phim tại đây. Anh nói chắc chắn sẽ trả nhưng chưa biết khi nào mới trả được.
Đối với Đằng Lệ Minh (vai Thiện Nhu), đây là phim dài ngày và vất vả nhất trong sự nghiệp. Cô nhớ lại: "Điều kiện ở các địa phương rất khó khăn. Chúng tôi từng trải nghiệm sống ở nhà nghỉ bình dân, vừa tắm vừa giẫm sợi xích để kéo hút nước ngầm. Nhưng lượng nước rất ít, gần như nhỏ giọt. Ban ngày, trời nóng 40 độ nhưng nước rất lạnh".
Thách thức lời thoại
Với bối cảnh trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, Cỗ máy thời gian gây khó khăn cho các diễn viên bởi thoại nhiều cổ văn. Lần đầu tiên đóng phim cổ trang, lại là người Singapore, Trịnh Tuyết Nhi (vai quận chúa) "học vẹt" nhưng hoàn toàn không hiểu mình nói gì. Quách Thiện Ni cũng chật vật học thoại cho nhân vật nữ học sĩ văn chương lai láng.
Diêu Doanh Doanh (vai mẹ của Tần Thủy Hoàng) lớn lên ở Singapore, vốn không rành tiếng Hoa. Những lúc không có cảnh quay, cô luôn ở khách sạn học thoại rồi nhờ thành viên trong đoàn sửa. Cô đầu tư bút ghi âm để nhờ trợ lý đạo diễn đọc thoại và ghi âm làm mẫu.
Cặp đôi vàng của TVB
Cỗ máy thời gian đánh dấu lần thứ tám diễn chung, lần thứ tư đóng cặp của Cổ Thiên Lạc và Tuyên Huyên. Sự ăn ý trong diễn xuất và tình bạn thân thiết ngoài đời khiến họ được xếp vào top tình nhân màn ảnh được yêu thích của TVB. 18 năm sau Cỗ máy thời gian, Tuyên Huyên đầu quân làm nghệ sĩ trực thuộc công ty của Cổ Thiên Lạc, hai người mới có dịp hợp tác trở lại. Ở tuổi 51, hai ngôi sao độc thân vẫn được fan ủng hộ về chung một nhà.
Xem thêm: Hậu trường phim Cỗ máy thời gian 20 năm trước
Phong Kiều (Theo HK01, KK News, QQ)