1. Tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng
Ngay cả khi bạn chỉ ăn một bữa đồ ăn nhanh một tuần, bạn cũng có thể thấy khó chịu sau đó. Trên thực tế, ít ăn đồ ăn nhanh có thể đồng nghĩa với việc bạn nhạy cảm hơn với tác động của thực phẩm chế biến sẵn.
Trista Best, một chuyên gia dinh dưỡng và tư vấn của Balance One Supplements, giải thích: "Thức ăn nhanh thường ít chất xơ, thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất xơ làm tăng khối lượng phân, hỗ trợ nhu động ruột đều đặn và hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn đường ruột có lợi. Thức ăn nhanh thường thiếu chất xơ, có thể dẫn đến táo bón và đi ngoài không đều".
Một hậu quả tức thời khác của việc ăn đồ ăn nhanh mỗi tuần một lần là bạn có thể thấy đầy hơi hoặc chướng bụng sau khi ăn xong.
Best cho biết: "Thức ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, carbohydrate tinh chế và các chất phụ gia nhân tạo, có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột. Sự mất cân bằng này, được gọi là rối loạn vi khuẩn, có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng và khó chịu".
2. Lượng đường trong máu có thể tăng đột biến
Do các bữa ăn fast food thường chứa một lượng lớn carbohydrate tinh chế, đường bổ sung và đồ uống có đường, nên loại thực phẩm này có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.
Mặc dù bạn sẽ không mắc bệnh tiểu đường chỉ sau một đêm tiêu thụ đồ ăn nhanh, Meaghan Greenwood, một chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên sức khỏe, cảnh báo rằng chỉ một phần ăn nhanh cũng có thể "khiến lượng đường trong máu tăng đột biến nhanh chóng, gây căng thẳng cho tuyến tụy để sản xuất insulin".
Cô nói thêm: "Theo thời gian, lượng đường trong máu tăng đột biến có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin, đây là dấu hiệu báo trước của bệnh tiểu đường loại 2".
Bữa ăn nhanh cũng có thể gây ra vấn đề ngay lập tức cho bất kỳ ai đã được coi là mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Bằng cách tuân thủ kế hoạch ăn uống lành mạnh và chuẩn bị bữa ăn tại nhà, bạn có thể giúp hạn chế nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu.
3. Có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
Thông thường, huyết áp của bạn sẽ giảm nhẹ sau khi bạn ăn, theo Medical News Today. Trên thực tế, khoảng một phần ba người lớn tuổi bị hạ huyết áp sau ăn, đạt mức huyết áp thấp nhất trong vòng 30-60 phút sau bữa ăn.
Tuy nhiên, Greenwood cho hay khi ăn một bữa ăn nhanh chứa nhiều natri, huyết áp của bạn không hạ mà có thể tăng vọt. Theo thời gian, điều này có thể gây ra một vấn đề. Chuyên gia dinh dưỡng lưu ý: "Việc thường xuyên tiêu thụ hàm lượng natri cao có thể làm căng thẳng hệ thống tim mạch và tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ".
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy việc ăn đồ ăn nhanh chỉ một lần một tuần làm tăng 20% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch vành của những người tham gia so với những người không ăn. Và những người tham gia càng ăn nhiều thức ăn nhanh, nguy cơ của họ càng tăng. Theo đó, những người ăn thức ăn nhanh bốn lần mỗi tuần có nguy cơ tử vong vì tình trạng tương tự cao hơn 80% so với nhóm đối chứng.
4. Có thể có nguy cơ mắc bệnh gan cao hơn
Theo một nghiên cứu vào tháng 1/2023 do Keck Medicine thực hiện, những người ăn ít nhất 20% lượng calo từ thức ăn nhanh có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một tình trạng nguy hiểm trong đó chất béo tích tụ trong gan.
"Gan khỏe mạnh chứa một lượng nhỏ chất béo, thường dưới 5%, và thậm chí lượng chất béo tăng vừa phải cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu", Ani Kardashian, bác sĩ chuyên khoa gan của Keck Medicine và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Sự gia tăng nghiêm trọng mỡ gan ở những người mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường đặc biệt đáng chú ý, và có thể là những tình trạng sức khỏe này khiến mỡ dễ tích tụ trong gan hơn".
Hướng Dương (Theo Best Life)