Chợ đầu mối Đồng Xuân những ngày áp Tết. Lượng khách mua buôn và lẻ từ các tỉnh đổ về nườm nượp. Mấy anh trông xe ngay từ ngoài cửa đã thông báo: Giá gửi lên 3.000 đồng/xe máy. Một ông khách phàn nàn “Đắt thế?”. “Tết mà, nhiều xe mệt lắm, ông không gửi thì thôi”, anh trông xe quàu quạu.
Phía bên trong chợ, người đứng mua bán xen chặt. Tại các quầy đồ gia dụng như bát đĩa, ấm chén, xoong chảo, quầy tạp hoá bán khăn mũ, túi... các chủ hàng đều khuyến cáo giá đã tăng thêm 10-20%. Tăng hơn cả là quầy đồ khô với thế mạnh toàn món tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.
Có đi chợ luôn mới biết, so với trong năm, bây giờ mỗi kilogam nấm hương đã tăng gấp 2 lần (từ 75.000 lên 150.000 đồng/kg); 1 kg mộc nhĩ đắt từ thêm đến 15.000 đồng.
Hạt tiêu, miến, măng, đậu xanh, hạt sen... giá đều thêm vào 15.000-20.000 đồng/kg. “Phí vận chuyển đắt, hàng về ít hơn nên dù không thiếu thì giá vẫn phải tăng”, chị chủ quầy đồ khô sau khi đã hớn hở cân cho một bà khách sộp mỗi loại cả ký nhiệt tình giải thích.
Chỉ trừ các quầy hàng vải đã vắng hoe do thời điểm đã cận “phút 89” không mấy người còn mua vải đặt may, ồn ào nhất vẫn là các quầy bán quần áo may sẵn. Có chủ hàng chỉ trong vòng buổi sáng đã bán hết cả trăm cái quần bò, mấy chục áo rét cho khách lấy buôn về các tỉnh.
Phố bánh kẹo Hàng Buồm đồ bày bán ê hề. Điểm mặt, từ bánh kẹo, các loại mứt quả, rượu đồ ngoại vẫn lấn át đồ nội. Nhìn chung giá đều đắt lên chút ít nhất là những loại hàng cao cấp (chocolate Bỉ tăng thêm 15.000 đồng/hộp; kẹo Thái, Malaysia tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg).
Kinh nghiệm của những người đi trước, nếu mua để biếu hay tặng bạn hãy đừng quá chạy theo mẫu mã. Trái lại cần cẩn thận xem kỹ hàng trước những cái tên có xuất xứ nổi tiếng như: chocolate Mỹ, Italy, Bỉ và các loại rượu ngoại đắt tiền (Henessy, Chivas loại trên 10 năm; Remy Martin...). “Vì những loại ấy rất hay bị thay lõi làm rởm do có giá trị cao, cho lãi nhiều”, anh Kiên, chủ một quầy hàng chỗ thân quen bộc bạch.
Phụ trách các siêu thị Intimex, Citimart, Fivimart đều chung nhận định: Hàng hóa năm nay hết sức phong phú, không lo thiếu tuy giá cao hơn một chút (hầu hết các siêu thị đã điều chỉnh từ đợt tăng giá cuối năm vì hai lẽ: phí vận chuyển tăng, và giá thành sản phẩm tăng).
Theo chị Loan, phụ trách Citimart, ngoài tiêu dùng, đây cũng là thời điểm bận rộn của các siêu thị với dịch vụ gói tặng quà mà khách đặt hàng là một số công ty, ngân hàng để gửi đến đối tác làm ăn.
Do giá các mặt hàng đều tăng nên năm nay một giỏ quà tàm tạm (vang Pháp, bánh Kinh Đô, thuốc lá, hộp chè…) cũng có giá thấp nhất 150 nghìn đồng.
Sức mua tăng, hàng không thiếu nhưng sao giá chỉ vận động theo chiều lên chứ không xuống? Theo ông Ngô Trí Long, Phó viện nghiên cứu giá Bộ Tài chính, đây cũng là quy luật muôn thưở của thị trường giá cả mỗi khi Tết đến, xuân về.
Dù trước đó, Sở Thương mại Hà Nội đã công bố sẽ không lo thiếu khi chuẩn bị 75.000 tấn thực phẩm cho mấy triệu người dân Thủ đô đón Tết nhưng “cánh” bán lẻ vẫn tiên đoán: Thế nào cũng “cháy” chợ ngày áp Tết vì sức mua hàng thực phẩm thường tăng đột biến vào ngày đó.
Dù người dân đã bớt sợ cúm gia cầm mà ăn gà và trứng sạch trở lại nhưng các mặt hàng được dự liệu sẽ tiêu thụ mạnh vẫn là giò chả, thịt bò, thịt lợn.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, cả nước hiện đã có hơn 160 siêu thị và 32 trung tâm thương mại. Hiện, tỷ lệ người dân mua sắm thường xuyên tại các siêu thị đã chiếm khoảng gần 30%.
Các chuyên gia thương mại đã dự kiến, trong dịp Tết, lượng khách đến với các siêu thị có thể tăng 40-50% so với ngày thường.
Nhằm bình ổn giá cả, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đã có công văn yêu cầu các sở chức năng phải kiểm soát thị trường, không để xảy ra khan hiếm hàng tại các địa phương. Cùng thời điểm, các lực hải quan và quản lý thị trường đang căng mình chống hàng lậu, hàng giả.
Thực phẩm tại TP HCM: Thật - giả khó lường
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) và Văn phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM (BVNTD) vừa phải khuyến cáo người dân cảnh giác sau hàng loạt vụ gian lận thương mại với hành vi và tính chất rất nghiêm trọng vừa bị phát hiện tại TP HCM.
Hàng giả, không rõ xuất xứ, hàng quá date, thậm chí hàng bị cạo sửa date… tràn ngập đường phố và có mặt ở một số siêu thị có uy tín… Bị làm giả nhiều nhất là rượu ngoại, mặt hàng dùng làm quà biếu hoặc trong dịp liên hoan trong dịp cận Tết nên bán rất chạy. Tại chợ rượu Nguyễn Thông (quận 3), rượu Champagne Bordeux (Pháp) giá 90.000-105.000 đồng/chai.
Theo một chuyên gia hầu hết rượu vang bán trên thị trường là rượu giả vì loại rượu đó nếu nhập khẩu sang VN giá bèo lắm cũng phải trên 1 triệu đồng/chai.
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt vụ làm rượu giả bị cơ quan chức năng tại TP HCM bắt giữ. Một mặt hàng bị làm giả nữa là lạp xưởng.
Trên vỏ bao lạp xưởng tại một số điểm bán thực phẩm Tết trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), người bán đã sử dụng vỏ bao của các Công ty thực phẩm có uy tín như Vissan, Đồng Khánh… để tráo loại hàng bán theo kilogam.
Mứt Tết (mứt bí, dừa, hạt sen, me, chà là, thơm…) được đựng trong các lọ thủy tinh ngoài giá bán được dán bên ngoài lọ, không có bất kỳ một thông tin quan trọng và cần thiết nào khác.
Theo một số người bán, mứt được lấy từ chợ Bình Tây còn nơi cung cấp đã lấy hàng của ai thì chỉ có trời mới biết.
Mới đây, qua kiểm tra, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM phát hiện tỷ lệ hàn the trong giò sống, chả lụa, mì sợi tại các cơ sở sản xuất là 49%, các chợ, đường phố là 62-74%.
Theo nhận định của cơ quan này, những sản phẩm trên nếu lọt vào nhà bếp của các gia đình sẽ trở thành một nguy cơ về ngộ độc thực phẩm hoặc để lại các di chứng nghiêm trọng như vô sinh…
Đề phòng mua nhầm hàng bị cạo sửa hạn sử dụng
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Bính Tuất càng trở nên nghiêm trọng hơn vì TP HCM hiện nay đang rộ lên hội chứng cạo sửa date (hạn sử dụng) để tiếp tục lưu hành những sản phẩm đã biến chất, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
“Nếu người mua cẩn thận, thủ thuật này rất dễ bị phát hiện”, ông Huỳnh Tấn Phong, Chi cục trưởng QLTT TP HCM nói. Không được trang bị kiến thức kiểm tra chuyên ngành nhưng trong ngày 11/1, chúng tôi cũng phát hiện được khá nhiều sản phẩm bị sửa date được bày bán công khai trên đường Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng… bởi nét sửa không được sắc và rõ ràng. Các sản phẩm bị cạo sửa date nhiều nhất là đồ hộp (cá, thịt…), nước tăng lực rượu vang, bánh kẹo…
Theo ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng BVNTD, gặp sự cố về chất lượng sản phẩm người tiêu dùng có quyền khiếu nại và yêu cầu được bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, để tránh DN kiện ngược lại (như vụ thịt gà của Công ty Phú An Sinh), người tiêu dùng phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục. Điều này khá mất thời gian và nếu được vạ thì má cũng đã sưng. Tốt nhất người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức và cẩn thận khi mua hàng, đặc biệt là thực phẩm.
(Theo Tiền Phong)