Trang web Comparetravelinsurance của Australia mới đây vừa công bố nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng bị cảm cúm trên máy bay cao gấp 100 lần bình thường. Đó là lý do tại sao, bạn rất dễ bắt gặp một vài hành khách chốc chốc lại sổ mũi hay hắt xì hơi trên khoang.
Tiến sĩ Richard Dawood, chuyên gia sức khỏe du lịch, cho hay môi trường “với độ ẩm gần như bằng 0" trong khoang máy bay sẽ tăng khả năng bị những bệnh truyền nhiễm bằng đường không khí. Con người sẽ dễ dàng bị cảm cúm, bệnh về hô hấp cũng như các virus phát triển mạnh trong môi trường độ ẩm thấp. “Hành khách ho sẽ lan truyền bệnh ngay lập tức đến những người xung quanh, thậm chí trong một số trường hợp nhỏ, cả những bệnh nghiêm trọng như lao cũng có thể truyền theo cách này”, ông Dawood bổ sung.
Theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ, lượng không khí trên máy bay sẽ được lọc sạch mỗi 2-3 phút, nhiều hơn so với các tòa nhà sử dụng điều hòa. Lẽ dĩ nhiên, các hãng hàng không luôn tự hào về sự sạch sẽ của mình nhưng chắc chắn bạn sẽ bị cảm giác bất an.
Thiếu dưỡng khí
Áp suất trong khoang máy bay được ép xuống chỉ còn 75% so với áp suất không khí thông thường. Giảm oxy trong máu có thể dẫn đến thiếu oxy trong các mô, làm bạn cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu.
Nhưng Matt Knowles, đại diện của nhà sản xuất máy bay Boeing, khẳng định rằng hít thở trong cabin máy bay vẫn an toàn: “Các cuộc nghiên cứu vẫn cho thấy rằng khoang máy bay đáp ứng được tiêu chuẩn sức khỏe, an toàn và mức độ chất bẩn tương đối thấp. Bộ lọc bụi khí hiệu suất cao (HEPA) được sử dụng để loại bỏ các vấn đề về bụi trong không khí bao gồm cả vi khuẩn, virus. HEPA lọc khoảng 50% không khí trong khoang máy bay, do đó giảm lượng vi trùng xuống khoảng 50%”.
Có lẽ, rủi ro sức khỏe lớn nhất trên máy bay xảy ra khi chuyến bay bị hoãn, hệ thống điều hòa không khí bị tắt. Tiến sĩ Dawood cho hay: “Rủi ro có thể xảy ra khi máy bay vẫn trên mặt đất và điều hòa chưa hoạt động, dẫn đến bệnh truyền nhiễm do cảm cúm tăng".
Bệnh truyền nhiễm
Theo nhiều nghiên cứu, các vi khuẩn truyền bệnh có thể tồn tại đến một tuần trong khoang máy bay trên các bề mặt như túi ghế ngồi, bàn ăn, cửa sổ, thanh để tay... Trong đó, MRSA, loại vi khuẩn có thể gây bệnh truyền nhiễm, bệnh da liễu, hen suyễn và nhiễm trùng, có thời gian sống lâu nhất (168 giờ). Vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy, hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, sống được 96 giờ.
Vào năm 2010, CNN từng nhấn mạnh 6 khu vực vi khuẩn, trong đó đáng ngạc nhiên nhất phải kể đến nước trên máy bay. Hãng trích dẫn một nghiên cứu năm 2004 chứng minh các mẫu nước lấy từ 327 chuyến bay nội địa và quốc tế, kết quả cho thấy một số có chứa vi khuẩn E.coli. Và trà và cà phê trên máy bay sử dụng nguồn nước này, nhưng lại thường chưa đủ độ nóng để tiêu diệt E. coli.
Đáng lo ngại hơn, khi nước trong chai đã hết tiếp viên còn đổ thêm nước cho du khách từ bể nước này. Một số hãng hàng không đôi lúc còn tiếp nước vào bồn tại các sân bay quốc tế, nơi chất lượng nguồn nước không được bảo đảm.
Không ngạc nhiên lắm khi nhà vệ sinh cũng được xem là khu vực đáng lo ngại. Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) xem nhà vệ sinh là “điểm nóng” lây truyền vào giai đoạn xảy ra bệnh H1N1 và SARS. Hành động xả nước toilet làm nguy hại sức khỏe khi đẩy vi khuẩn trong toilet ra mọi hướng. Trong khi đó, theo bài viết của tờ Wall Street năm 2007, các hãng hàng không chỉ giặt chăn theo chu kỳ 5 đến 30 ngày mà thôi.
Mất vị giác, thính giác
Một phần ba vị giác sẽ bị mất hiệu lực ở trên cao, nơi áp lực và sự hanh khô của khoang máy bay ảnh hưởng đến tai, xoang mũi, khả năng nếm.
Theo nghiên cứu của hãng hàng không British Airways và Trung tâm nghiên cứu thực phẩm Leatherhead, nhiệt độ thấp, ánh đèn tối và áp suất cao cũng làm giảm khả năng cảm nhận đồ ăn. Sự nhạt nhẽo của đồ ăn máy bay có thể bắt nguồn từ sự khô, áp suất ở độ cao lớn, gây ra mất đi hương vị món ăn.
Để giải quyết vấn đề này, British Airways đã tìm đến Nhật Bản, đất nước coi trọng umami, “mùi vị thứ 5” sau ngọt, chua, mặn, đắng. Được phát hiện từ năm 1908, umami là tác nhân hương vị chính trong các loại thực phẩm như cà chua, thịt, khiến cho hãng hàng không phải tìm đến các loại thực phẩm giàu umami hơn cho bữa ăn của mình.
Bức xạ mạnh
Hành khách sẽ phải tiếp xúc với lượng bức xạ tương đương tia X nếu phải đi chuyến bay từ 7 tiếng đồng hồ trở lên. Năm ngoái, chính phủ Mỹ từng lo ngại hành khách bay nhiều giờ có thể chịu nguy hiểm do bức xạ mặt trời và thực hiện ngay một cuộc nghiên cứu khẩn về tác động của bức xạ mặt trời gia tăng của các hạt từ tính trong không khí.
Theo tổ chức Sức khỏe cộng đồng Anh Quốc (PHE), bão mặt trời có thể ảnh hưởng sức khỏe người dân nếu họ bay ngang qua những tuyến đường giao đại dương. Kết quả được lấy từ một nghiên cứu do NASA đầu tư cho thấy bão mặt trời sẽ kích thích các bức xạ nguy hiểm cho sức khỏe, không chỉ trên không, mà còn ở dưới mặt đất.
Thiếu nước
Chỉ với một chuyến bay 3 giờ thôi, cơ thể đã có khả năng bị mất đi khoảng 1,5 lít nước, độ ẩm cơ thể chỉ còn khoảng 4%, làm tăng nguy cơ làm cho các màng nhầy trong mũi, miệng, cổ họng bị khô đi.
Sưng phù
Áp suất không khí thay đổi có thể làm tăng lượng khí ga trong cơ thể, dẫn đến sưng phù, táo bón và các vấn đề liên quan tới đường tiêu hóa. Trong khi đó, việc hầu như không đi lại trên máy bay có thể làm tăng lượng máu ở chân, gia tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Xuân Lộc (Theo Telegraph)