- Vai diễn của chị trong "Linh lan trắng" có nhiều chi tiết giống như cô Tấm thời hiện đại, chị nghĩ sao?
- Trong phim có rất nhiều chi tiết lấy từ trong cổ tích, nhưng cốt truyện được làm mới, hợp lý hóa cho các nhân vật phù hợp với thời của thế kỷ 21 hiện nay. Linh Lan là một cô gái hiền lành, nhẫn nại chịu đựng sự đối xử bất công của ba mẹ con dì ghẻ, nhưng Linh Lan là cô gái có cá tính mạnh mẽ, tự lập trong cuộc sống và biết bảo vệ bản thân, chứ không ngồi chờ hoàng tử đến giúp đâu nhé! (Cười)
- Cơ duyên nào đưa chị đến với vai diễn này?
- Phim hoàn toàn quay trong Nam, chọn một diễn viên người Nam hóa thân vào nhân vật sẽ thuận lợi hơn, và cũng đỡ chi phí cho nhà sản xuất. Nhưng casting mãi mà đạo diễn không chọn được diễn viên ưng ý, vừa thể hiện được nhân vật nhiều mặt vừa được cảm tình của khán giả. Thật ra ban đầu tôi casting vai khác, nhưng cuối cùng được chọn đóng vai Linh Lan!

Diễn viên Lã Thanh Huyền.
- Nhân vật cô Tấm trong truyện cổ tích thì từ trẻ con đến người già đều thuộc nằm lòng. Vậy khi vào vai Linh Lan, “cô Tấm” Lã Thanh Huyền cảm thấy mình bị áp lực gì?
- Thực sự khi được chọn, tôi rất lo lắng. Vì với những nhân vật mà ai cũng biết như Tấm - Cám - Dì ghẻ, diễn viên phải thể hiện như thế nào để tránh bị mang tiếng là minh họa nhân vật trong cổ tích. Nhân vật quá hoàn hảo đọc sách văn học khán giả có thể tin được, nhưng phim là đời sống thật phải thể hiện như thế nào để người xem được thuyết phục và tin là nhân vật có thật. Chính vì vậy không riêng gì Huyền mà các diễn viên vào vai Dì ghẻ hay các con của bà đều bị áp lực cả. Áp lực nữa với tôi là mọi người từng biết đến mình là Dương trong Đi về phía mặt trời, rồi giải nhất của Phụ nữ thế kỷ 21. Vì vậy, tôi phải diễn xuất làm sao để khán giả không nghĩ đó là Lã Thanh Huyền, mà tin đó chính là Linh Lan, thì mới tạm gọi là thành công... bước đầu.
- Còn trong quá trình đóng phim, chị thấy khó khăn nhất khi thể hiện vai Linh Lan là gì?
- Đó chính là nhân vật Linh Lan qua từng giai đoạn: Linh Lan còn bé hồn nhiên vô tư, khi có dì ghẻ bắt đầu nảy sinh các mâu thuẫn. Sự thay đổi trong tính cách của Linh Lan rõ nhất là sau khi bố mất, có tới ba con người khác nhau trong nội tâm của nhân vật. Một Linh Lan khi ở cùng nhà với ba mẹ con dì ghẻ, bị đối xử bất công vẫn cam chịu, sống trong tâm trạng nặng nề, dồn nén tình cảm và nuôi hy vọng lấy lại được quyển kịch bản của cha bị dì ghẻ bán mất. Một Linh Lan khi ra ngoài xã hội, dù làm đủ nghề từ ô sin, bán hàng, viết báo, đóng hài kịch... đều luôn có hai hoàng tử và một số... người già giúp đỡ. Còn một Linh Lan khác, khi một mình ban đêm, trở về đúng là con người thật của mình, dằn vặt và dồn nén tâm sự trong các trang nhật ký. Với người diễn viên sợ nhất là diễn độc thoại, mà vai Linh Lan thường xuyên khóc, không dám bộc lộ cảm xúc ra ngoài, rất nặng về tâm lý. Chính vì thế mà khi diễn, tôi luôn nghĩ rằng mình là Linh Lan, nên có cảm xúc thật để thể hiện suôn sẻ...
- Cảnh quay nào trong phim với chị là ấn tượng nhất?
- Đó là cảnh vũ hội hóa trang. Ba mẹ con dì ghẻ diện quần áo lộng lẫy, bắt Linh Lan ở nhà làm bếp. Để “chặn chân” Linh Lan, dì ghẻ cố tình đánh đổ đậu và gạo bắt cô nhặt riêng từng thứ. Lúc diễn cảnh này, tôi có cảm giác ấm ức, tủi thân y như nhân vật.
- Một số diễn viên đóng chung, khen chị học thoại và thuộc thoại rất nhanh, chị có bí quyết nào vậy?
- Phim không thu tiếng trực tiếp, nhưng đạo diễn bắt buộc diễn viên phải thuộc thoại. Mà thoại của phim này rất dài, toàn từ văn học rất khó thuộc. Hơn nữa nhân vật của tôi từ ngôn ngữ đến khẩu hình đều nói theo giọng miền Nam. Ban đầu tôi bị sửa mãi, vì cứ thoại được giọng Nam một lúc lại quên nói tiếng miền Bắc. Sau đó tôi tập nói chậm hơn, cuối cùng rồi cũng nói hết được thoại bằng giọng cô gái miền Nam (cười). Tôi không có bí quyết gì cả, chỉ nhờ xuất thân học kịch. Hơn nữa tôi từng làm MC, quen nhớ các ý chính nên học thoại nhanh hơn đấy thôi.
- Những gì đã trải qua trong cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 năm ngoái giúp ích gì cho chị khi vào vai Linh Lan?
- Không áp dụng được tất cả. Nhưng bù lại nhân vật Linh Lan cái gì cũng biết, từ thêu thùa, nấu ăn, đan lát, cả làm nhà báo... nghĩa là được hình tượng hóa một cách hoàn hảo, gần giống với tiêu chuẩn của Phụ nữ thế kỷ 21 rồi còn gì! (cười)
- Trước đây, chị từng tuyên bố chia tay với nghệ thuật để chuyển sang làm kinh doanh. Nhưng từ sau cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21, lại thấy chị nghiêng nhiều sang nghệ thuật. Vì sao vậy?
- Tôi đang kinh doanh 2 cửa hàng thời trang, sắp tới định mở thêm một chuỗi cửa hàng khác. Nhưng có lẽ trước mắt cứ như vậy đã. Lập công ty với tôi không khó, nhưng để mọi thứ ổn định thì rất mất thời gian. Tôi nghĩ, còn trẻ không làm nghệ thuật thì cơ hội qua đi sẽ không tìm lại được, còn kinh doanh thì càng từng trải càng tốt hơn, nên không việc gì phải vội vàng cả. Quan niệm của tôi là còn trẻ thì cứ mạnh dạn “thử sức”, thành công hay không thì đều là bài học để rút kinh nghiệm, càng tốt hơn cho nghề diễn viên của mình chứ có sao đâu(cười). Lúc đầu ba mẹ ngăn cản quyết liệt, không cho tôi theo nghề diễn viên đâu. Bây giờ tôi mới thấy ba mẹ cản là đúng. Vì con gái làm nghệ thuật vất vả, hay xa nhà, không có thời gian để chăm lo cho cuộc sống riêng...
- Vậy chuyện riêng của chị tiến triển đến đâu rồi?
- Chúng tôi yêu nhau mấy năm rồi. Anh ấy làm công chức nhà nước và ban đầu cũng không thích nghề diễn viên, nhưng khi yêu nhau thì tôi đã là diễn viên rồi. Tôi thì không thích quen và yêu người cùng nghề. Anh ấy luôn tôn trọng sở thích và thông cảm với công việc của tôi. Còn chuyện kết hôn thì tôi nghĩ mình còn trẻ lắm, chỉ mới 22 tuổi thôi mà!
(Theo Đất Mũi)