Khi cảnh sát có mặt, Đinh Văn Nguyện, nhân viên của cơ sở trên đang đóng rượu vào các chai thủy tinh và nhựa. 515 chai rượu mang các thương hiệu nếp hoa vàng, nếp đục, San Lùng, 310 lít rượu nguyên liệu, hàng nghìn vỏ chai, 3 chai tinh dầu hương ngô và hương cốm, túi đường hóa học, máy đóng nút chai... đã bị tạm giữ.
![]() |
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất "rượu quê". |
Bước đầu, ông Nguyễn Tiến Vinh, chủ cơ sở thừa nhận, sản xuất rượu khá lâu nhưng không có giấy phép kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Rượu được bán cho các quán nước, quán cơm bình dân phục vụ cho sinh viên, thợ xây. Giá một chai là 4.000 đồng. Hàng bán khá chạy vì chúng được "quảng cáo" là rượu quê. Mỗi ngày, hàng trăm chai rượu các loại được tiêu thụ.
Công thức pha chế các loại rượu quê trên là, rượu trắng ngâm lấy màu, pha thêm hương cốm, ngô thành rượu San Lùng. Rượu trắng, trộn thêm bã rượu nếp sẽ trở thành các loại rượu nếp cái, nếp đục. Trên nhãn mác không ghi địa chỉ sản xuất. Các chai hương liệu dùng để pha chế rượu cũng không hề có nguồn gốc.
Rượu được quảng cáo khá hấp dẫn như được sản xuất bằng nếp cái hoa vàng ngâm hạ thổ 3 tháng, có mùi thơm dịu của gạo, vị ngọt của men, dễ uống, không đau đầu, rất tốt cho sức khỏe” hoặc “Được nấu từ 100% gạo nếp với nguồn nước tự nhiên tinh khiết, được lên men theo phương pháp gia truyền với loại men đặc biệt làm từ 32 loại thuốc bắc”...
Việt Dũng