Đều đặn mỗi tháng hai lần, Vũ Hằng, 22 tuổi, vượt quãng đường hơn 30 km từ Đại học Văn hóa Hà Nội đến Thạch Thất thăm người yêu. Trước khi đi, cô chuẩn bị tinh thần bằng việc uống thuốc chống say xe, mặc trang phục thoải mái và đi giày thấp. Ấy vậy mà mỗi hành trình đến gặp Tuấn Ngọc, 23 tuổi, vẫn là "ám ảnh" với Vũ Hằng. Cô mắc chứng say xe kinh niên; thường đau đầu, chóng mặt và muốn ói suốt thời gian di chuyển; khi vừa xuống thì nôn thốc tháo, mất 30 phút mới có thể định thần.
"May mà say tình nhiều hơn say xe", Hằng nói đùa. Nếu không, cô sinh viên đã chẳng thể duy trì mối quan hệ tình cảm gần hai năm trước vô số rào cản hài hước.
Tuấn Ngọc học trường quân đội nên phải tuân thủ các quy định về giờ giấc. Hằng thường nhận phần đến thăm người yêu để tiết kiệm thời gian dù cô bị say xe. Đúng 9h sáng Chủ nhật, Hằng đứng chờ ở điểm đối diện Đại học Luật hoặc thuê xe ôm ra đại lộ Thăng Long để bắt xe buýt 107. Lên xe, cô ngồi yên, giữ thẳng lưng và đeo khẩu trang che kín mặt. Suốt hành trình, Hằng không dám nhìn ngang, không kiểm tra điện thoại hay nói chuyện với người bên cạnh. Tuyến buýt 107 thường xuyên đông khách vào cuối tuần nên thỉnh thoảng Hằng phải đứng suốt chặng.
Chàng sinh viên quân đội đón người yêu ở cổng trường với chai nước trên tay. Vừa xuống xe, Hằng ngồi sụp xuống nôn còn Ngọc đứng kế bên vỗ lưng cho bạn gái. Phải mất 30 phút, sắc mặt cô sinh viên có nỗi sợ xe buýt mới hồng hào trở lại. Cuộc gặp của đôi uyên ương sau hai tuần xa cách thường bắt đầu theo cách này.
Mỗi lần hẹn hò, Ngọc đưa Hằng đi dạo trong khuôn viên trường, ngồi ghế đá và ăn uống ở căng-tin dành cho học viên. Đôi trẻ trò chuyện hàng giờ về gia đình, học hành, cuộc sống mà không thấy chán. Kể từ ngày đầu đến nay, Hằng được bạn trai đưa đi xem phim và ăn uống bên ngoài hai lần trong dịp anh nghỉ phép. Còn Valentine, ngày 8/3 hay 20/10, cô đã quen với việc không có người yêu bên cạnh.
16h hết giờ thăm nhưng Hằng hay nấn ná đến 17h cho bõ công vượt đường xa đến gặp Ngọc. Mặt khác cô rùng mình nghĩ đến việc phải tiếp tục trải qua hơn một tiếng ngồi xe mới về đến nhà. Cô sinh viên năm thứ ba bảo mỗi lần tạm biệt người yêu đều chơi vơi trong những cảm xúc khó tả. Hôm nào vui vẻ thì nhớ nhung, quyến luyến; hôm nào cãi vã, hờn giận thì càng say xe nhiều hơn đến mức về nhà Hằng ốm ba ngày mới khỏi.
Hằng từng nỗ lực cải thiện tình trạng say xe bằng cách về quê (ở Vĩnh Phúc) nhiều hơn. Có tháng đi lại tới 6 lượt nhưng lần nào cũng như lần nào, đều "say bí tỉ". Nhiều người bảo Hằng đầu tư các loại thuốc chống say đắt tiền hơn hoặc cố sắm chiếc xe máy để di chuyển cho tiện. Nhưng cô sinh viên không muốn gia đình tốn kém và quyết định chỉ đầu tư tài chính vào việc học nên kiên trì vượt qua.
Trong mắt Hằng, Ngọc là người bạn trai không lãng mạn, thậm chí nguyên tắc. Khi cả hai dạo phố, chàng sinh viên quân đội nhắc người yêu "bước thoáng cái chân lên" hoặc đứng chờ mua vé xem phim cũng để tay thẳng theo hai đường ly quần. Ngọc ít nói nhưng tình cảm. Mỗi lần bạn gái lên hay xuống xe đều nhắn tin hỏi han dù đôi lúc Hằng mệt chẳng thiết trả lời.
Ngày mới gặp Ngọc, Hằng từng nghĩ mối quan hệ giữa anh và cô sẽ chẳng đến đâu, vì khoảng cách 30 km quá thử thách với một người ngửi mùi khói xe đã thấy sợ. Mỗi lần trở về từ trường của Ngọc, Hằng đều thề đó sẽ là lần cuối cùng cô lên chiếc xe buýt 107 nhưng sau đó vẫn "lên đường" mỗi khi "tình yêu vẫy gọi". Chưa tháng nào Hằng đến thăm bạn trai quá hai lần, dù cô nhớ và rất muốn gặp Ngọc. Mỗi chuyến đi, với Hằng, đều là sự cố gắng vượt qua hạn chế của bản thân và nỗ lực vun vén mối tình sinh viên và cô và anh đều trân trọng.
Lam Trà