Được xem là một trong những loại hàng hóa tiềm năng nhất hiện nay, nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn không thể tránh được sự giảm giá trong đợt điều chỉnh kéo dài của TTCK vừa qua.
Giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng cổ phần hiện đã giảm trên dưới 50% so với thời điểm cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Chẳng hạn như cổ phiếu Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) từ 82.000 đồng giảm xuống còn 60.000 đồng/cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mất gần 4 triệu đồng/cổ phần, còn 10,9 triệu đồng/cổ phiếu; Ngân hàng Phương Đông (OCB) từ 12,5 triệu đồng trong tháng 3, giảm xuống còn 8 triệu đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán-Tài chính-Ngân hàng, Đại học Mở TP HCM, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới. Đặc biệt, đối với giới đầu tư nước ngoài luôn xem tài chính-ngân hàng là lĩnh vực tiềm năng nhất khi tìm đến Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng nước ngoài đã và đang trong quá trong quá trình đàm phán mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam đều muốn sở hữu tỷ lệ lớn hơn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Thậm chí, nhiều nhà băng ngoại còn cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ cổ phần cho phép các ngân hàng trong nước được bán cho nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 15% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.
Có thể nói, lĩnh vực tài chính-ngân hàng đang trong quá trình phát triển mạnh theo lộ trình mở cửa của nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong những năm gần đây đã có tốc độ phát triển nhanh, mạnh và siêu lợi nhuận. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2007, lợi nhuận của các ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong quý đầu năm nay, có ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế gần bằng cả năm ngoái.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong 4 tháng đầu năm lãi 413 tỷ đồng (cả năm ngoái đạt 543,2 tỷ đồng); Eximbank đạt 215 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 4 tháng đầu năm. Do vậy, đây cũng là thời điểm thuận lợi để lĩnh vực tài chính - ngân hàng phát triển.
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trước đây một phần là do ăn theo thị trường cổ phiếu trên sàn và OTC, đặc biệt là cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ vừa mới được cấp giấy phép thành lập hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Trên thực tế, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đã tăng quá cao trong thời gian qua, vượt qua giá trị nội tại của nó.
Chính vì vậy, trong đợt điều chỉnh của TTCK vừa qua, cổ phiếu ngân hàng khó có thể tránh khỏi sự sụt giảm. Nhưng chính đợt điều chỉnh của TTCK vừa qua cũng là thời điểm để sàng lọc giá cổ phiếu của các ngân hàng. Nếu ngân hàng nào thực sự tốt giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Ngược lại, những ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh chưa mang lại hiệu quả cao sẽ có thể trở về mức giá như cuối năm 2006 hoặc đầu năm 2007. Điều này có nghĩa, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nhưng theo định vị của từng nhà băng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu nhà đầu tư nào đã mua cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm giá cao trước đó không nên vội bán ra ở thời điểm này. Bởi so với các lĩnh vực ngành nghề khác, hoạt động của lĩnh vực ngân hàng luôn minh bạch và kiểm soát được rủi ro dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Sự phát triển của ngành ngân hàng đang trong giai đoạn thuận lợi cho việc tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động… Nhưng bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi Việt Nam ngày càng mở rộng cửa đón ngân hàng 100% vốn ngoại. Thêm vào đó, khi TTCK ngày một phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia niêm yết để huy động vốn đầu tư, thay vì đi vay ngân hàng như trước. Chính đây cũng là một trong những thách thức đối với ngân hàng trong việc huy động vốn và cho vay. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, khả năng tăng giá trở lại của cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới sẽ cao hơn diễn biến giảm sút. Vấn đề là tăng ở mức độ nào còn tùy thuộc vào quy mô, hoạt động và quản trị của từng ngân hàng.
Các nhà phân tích thị trường đưa ra lời khuyên, nếu muốn an toàn và tránh rủi ro khi có ý định đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu của những ngân hàng hạng A để mua vào, kế đến là hạng B. Riêng cổ phiếu của các ngân hàng hạng C hoặc D cần thận trọng xem xét trước khi quyết định bỏ vốn. Bởi khả năng tăng trưởng của các ngân hàng hạng A hiện đã có mạng lưới hoạt động, hệ thống quản trị và chiến lược phát triển tương đối vững chắc nên có thể được đảm bảo về lợi nhuận. Đối với các ngân hàng hạng B, C giá có thể tăng lên trong thời gian tới khi có sự góp mặt của đối tác nước ngoài, vì khi đó sẽ phần nào thay đổi được hệ thống quản trị, đồng thời đưa ra được nhiều chiến lược phát triển tốt.
Thị trường cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ có nhiều thay đổi về số lượng cũng như chất lượng của các mặt hàng, khi các nhà băng bắt đầu thực hiện kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được thông qua tại ĐHĐCĐ trước đó. Ngoài ra, kế hoạch cổ phần hóa của nhiều ngân hàng thương mại nhà nước cũng sẽ được hoàn tất và niêm yết vào cuối năm nay. Chính đây là những động thái tích cực tác động đến thị trường cổ phiếu ngân hàng nói riêng và TTCK nói chung.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng (Đại học Kinh tế TP HCM), Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn ngân hàng-chứng khoán cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong xu thế hội nhập nên ngành ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố, phát triển trong thời gian tới. Do vậy, cơ hội để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Ngân, trước khi quyết định lựa chọn cho mình một danh mục bỏ vốn vào lĩnh vực tiềm năng này, nhà đầu tư cần phân định được đâu là ngân hàng có quy mô vốn, bộ máy quản lý và mạng lưới hoạt động tốt.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)