Đây là đứa con tinh thần của Anatoly Chubais, chủ tịch ủy ban công sản từ tháng 1/1992. Ý tưởng này thật đơn giản nhanh chóng chuyển quyền kiểm soát các mảng lớn của nền kinh tế công quản sang tay tư nhân. Thật nhanh chóng, một thiểu số đã tỏ ra xuất sắc trong việc thu mua các tem phiếu này. Ủy ban công sản định giá toàn bộ tài sản quốc gia cỡ 150 tỷ rúp, dân số Nga khoảng 150 triệu, nên ấn định mệnh giá tem phiếu là 10.000 rúp (đổi được 40 đôla ngoài chợ đen). Chubais “thổi” với dân chúng rằng trị giá thật của mỗi tem phiếu phải là trên “10 chấm”, tức 150.000-200.000 rúp, và tới chừng đó mỗi người dân Nga có thể tậu được một lúc đến hai chiếc xe hơi Volga “deluxe” nhất nước Nga thời đó.
Trong thực tế “thiếu đói” lúc đó, chẳng mấy ai đủ tiền để cầm cự nên chỉ còn nước đem tem phiếu ra bán đổi lấy được một chai rượu, ai dư của thì thu gom hết, và cứ thế mà làm cổ đông các công ty cổ phần thoát thai từ kế hoạch cổ phần hóa này. Đợt cổ phần hóa đầu tiên năm 1992-1993 kết thúc với 85% xí nghiệp nhỏ và 82.000 xí nghiệp quốc doanh (tức 1/3 tổng số doanh nghiệp nhà nước) được giải tư.
Đến năm 1995, đợt cổ phần hóa thứ nhì diễn ra, lần này các công ty nhà nước lớn nhất được giải tư. Đến giữa năm 1996, công cuộc cổ phần hóa coi như đã hoàn tất. Cùng một “kịch bản” của đợt cổ phần hóa thứ nhất, các công nhân viên đều được chia một số cổ phiếu, số cổ phiếu còn lại bán ra ngoài, ai còn tiền dành dụm thì giữ lại, ai túng tiền thì bán, thậm chí bán “lúa non”. Hầu hết số cổ phiếu và, tất nhiên, quyền làm chủ các cơ sở được cổ phần hóa đã rơi vào tay các con “cá mập” có chân trong bộ máy cầm quyền.
Cổ phần hóa lúc đó đang là bài bản mà các định chế quốc tế như IMF, WB, Bộ Ngân khố Mỹ (cổ đông lớn nhất của các định chế này) muốn chính phủ mới ở Nga áp dụng. Nhờ đó, chính phủ sẽ có tiền lấp đầy ngân sách, sẽ đem vốn về cho xí nghiệp, sẽ tạo động lực lao động vì lợi ích bản thân...
Song bài bản một đằng, áp dụng kiểu Nga lại là một nẻo. Tháng 10/1994, ông Chubais bị đá văng khỏi ghế chủ tịch ủy ban công sản, thay vào đó là Vladimir Polevanov. Sau đó đến lượt Petr Mostovoy, một đồng minh của Chubais, rồi thì hai người khác. Sau cuộc bầu cử năm 1996, chương trình cổ phần hóa lại tiếp tục, chủ yếu tập trung vào các xí nghiệp hàng đầu như YeES Rossii (điện lực), Rosgosstrakh (bảo hiểm)... Một lần nữa, công nhân viên các đơn vị này lại “bán như cho” các cổ phiếu của họ. Từ các đợt cổ phần hóa này, chỉ 5 năm đã xuất hiện một lớp tỷ phú mới ở Nga, tài sản quốc gia từ chỗ là của chung nay trở thành của riêng của một lớp người nhờ đang “ngồi trước” mà “ăn trên”.
Forbes tháng 5/2005 liệt kê danh sách các tỷ phú đôla ở Nga như sau (đơn vị: tỷ USD):
1. Roman Abramovich (18,2), chủ nhân của Tập đoàn đầu tư Millhouse Capital, Công ty dầu Sibneft Oil.
2. Vladimir Lisin (7), chủ nhân Tập đoàn thép Novolipetsk Steel.
3. Viktor Vekselberg (6,1), chủ nhân Tập đoàn Renova.
4. Oleg Deripaska (5,8), chủ nhân Tập đoàn nhôm Rusal.
5. Mikhail Fridman (5,8), chủ nhân Tập đoàn Alfa.
6. Vladimir Yevtushenkov (5,1), chủ nhân Tập đoàn viễn thông, địa ốc Sistema.
7. Alexei Mordashov (5,1), chủ nhân Tập đoàn luyện kim Severstal.
8. Vladimir Potanin (4,7), đồng chủ nhân Tập đoàn Interros.
9. Mikhail Prokhorov (4,7), đồng chủ nhân Tập đoàn Interros.
10. Vagit Alekperov (4,1), chủ nhân Tập đoàn dầu hỏa LUKoil.
11. Viktor Rashnikov (3,6), luyện kim.
12. German Khan (3,5), dầu hỏa, viễn thông.
13. Boris Ivanishvili (3,0), luyện kim, tài chính.
14. Alexander Abramov (2,9), Tập đoàn luyện kim Evraz Group.
15. Aleksei Kuzmichev (2,7), dầu hỏa, viễn thông.
16. Suleiman Kerimov (2,6), công ty đầu tư.
17. Vladimir Bogdanov (2,3), dầu hỏa.
18. Iskander Makhmudov (2,2), luyện kim màu.
19. Nikolay Tsvetkov (2,2), tài chính.
20. Alisher Usmanov (2,0), luyện kim.
21. Mikhail Khodorkovsky (2,0), Tập đoàn dầu hỏa Yukos.
Tổng cộng là 30 người. Danh sách này năm 2004, cũng theo tờ Forbes, lên đến 36 người. Có những người như Khodorkovsky đang từ vị trí số 1 rơi xuống thứ 21 do những “điều chỉnh” của đương kim Chính phủ Putin.
Có phải báo chí đã hư cấu ra thảm kịch “cổ phần hóa” ở Nga? Không, đây là một đề tài được nghiên cứu bởi vô số tổ chức quốc tế và học giả hàng đầu thế giới, trong đó có GS Joseph Stigltz, Nobel kinh tế học năm 2001, nguyên cựu phó chủ tịch của WB, và cả đương kim nữ Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice.
Giáo sư Stiglitz viết "Các nhà tài trợ phương Tây thúc đẩy “cổ phần hóa theo kiểu vụ nổ Big Bang”, nhanh chóng chuyển các xí nghiệp nhà nước thành các xí nghiệp tư nhân. Cổ phần hóa sẽ tạo điều kiện cho việc thiết lập các định chế hậu thuẫn cho nó, bao gồm một hệ thống luật pháp bảo vệ nhà đầu tư.
Khi bắt đầu cổ phần hóa ồ ạt ở Nga, ai cũng tin rằng từ đó sẽ thiết lập nên một nền tảng cho việc cai trị theo pháp luật. Điều này đã chẳng hề xảy ra mà lại là điều ngược lại, tình trạng vô chính phủ. Lý do chính yếu là thiếu một ý muốn chính trị cần đến một chế độ cai trị theo pháp luật. Chẳng hạn như thay vì tăng cường hiệu lực cho các đạo luật dân sự và thương mại, các giám đốc và quan chức “mánh mung” lại ra sức cản trở việc thực thi các luật lệ này; họ cũng chẳng muốn có một ủy ban chứng khoán có quyền lực mạnh mẽ hơn.
Một khi họ không muốn có luật pháp uy lực, làm sao có luật pháp uy lực? Ở Nga, “luật pháp” được sử dụng bởi một vài nhóm có thế lực nhằm chiếm hữu vốn liếng tài sản của người khác qua một quá trình khiến họ phá sản. Trong một vài trường hợp “luật pháp” đã được sử dụng như là hàng rào để duy trì các vị thế độc quyền”.
Bán độc quyền nhà nước
Nhằm thu được hậu thuẫn của các giám đốc xí nghiệp, Chubais đồng ý điều lệ cho bán đến 40% số cổ phần của các xí nghiệp độc quyền cho ban giám đốc và nhân viên xí nghiệp. Giải pháp này gọi là “phương án 1”, hấp dẫn song không được các giám đốc nhất trí. Chubais lại phải điều chỉnh, gọi là “phương án 2”, cho phép ban giám đốc và nhân viên mua đến 51% số cổ phần với giá rẻ”.
Một nhóm tác giả khác của Đại học Maryland nhận xét rằng: “Việc bán trong nội bộ sẽ dẫn đến định giá có lợi cho nội bộ với nhau nhưng có hại cho xí nghiệp, nhất là khi nhà nước chẳng kiểm soát được gì. Thành ra càng cổ phần hóa ồ ạt, càng bán giá nội bộ ồ ạt, trừ phi có sẵn một cơ chế kiểm soát.
Vấn đề không phải là kế hoạch cổ phần hóa mà là bán nội bộ như thế nào. Nếu các giám đốc đương quyền tiếp tục được trao quyền, họ thường lại chẳng biết làm sao lãnh đạo trong cơ chế thị trường. Một số sẽ ăn cắp của xí nghiệp, thậm chí khai tử xí nghiệp. Thế cho nên cần phải triển khai một cơ cấu pháp luật và thực thi pháp luật thật đàng hoàng trước khi tiến hành cổ phần hóa các xí nghiệp lớn. Nếu cổ phần hóa trước, ăn cắp hàng loạt sẽ có thể xảy ra trước khi cơ sở pháp lý kiểm soát kia ra đời”.
Đầu năm 2000, ông Putin lên cầm quyền ở Nga, bắt đầu một kỷ nguyên mới: khôi phục chủ quyền Nga, cả trong kinh tế lẫn trong chính trị. Lần lượt một số tỷ phú bị truy tố về tội kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế trong thời gian cổ phần hóa trước đây. Các “ông trùm” Vladimir Gusinsky (MediaMost) và Boris Berezovsky đào thoát ra nước ngoài và trong mấy tuần qua đang ồn ào từ Anh đòi lật đổ ông Putin. Tỷ phú Mikhail Khodorkovsky của Hãng dầu Youkos thì bị bắt vào tháng 10/2003 và bị kêu án 8 năm tù... Ông Putin mới chỉ thu hồi được một phần nhỏ tài sản của nhà nước Nga, song đã khôi phục được chủ quyền Nga bằng chính sức mạnh kinh tế Nga.
(Theo Tuổi Trẻ)