K'lu
Tô Công Luân học sau tôi năm lớp, chung một trường trung học, nhưng những ngày ngoài quê, tôi không quen Luân. Chỉ biết mặt vì biết anh trai Luân là Tô Công Lam. Hai anh em nhà Luân, Lam đã làm điên đảo khá nhiều đứa con gái từ lớp trên đến lớp dưới ở trường bởi rất đẹp trai, lãng tử và có nụ cười như xi-nê.
Luân và Khánh Minh những ngày Tết vài năm trước sau mùa vạn thọ. Bây giờ thì tất cả đã lùi xa. |
Nhưng ba năm trước, ngay sau ngày thi tú tài được vài hôm, anh trai Luân đã uống thuốc độc tự tử. Cái tin cậu học trò đẹp trai nhất trường tự tử gây ra một sự tiếc nuối và khó hiểu cho cả thầy cô và học trò. Nhưng ít ai đọc được lá thư tuyệt mệnh để lại và biết rằng anh của Luân bị bệnh máu loãng (máu không đông). Ít ai biết phía sau vẻ hào hoa của hai anh em Luân là tình cảnh bi đát của gia đình, không đủ gạo ăn thì lấy đâu tiền chữa chạy. Suy nghĩ của một thanh niên 19 tuổi quá non nớt, khiến Tô Công Lam không thể đứng vững và chọn cái chết làm sự giải thoát.
Ba năm sau, đến lượt Luân mang một bi kịch đau đớn và dai dẳng hơn. Trong bài viết của mình, tôi có trích lời chị Hiền, người cùng bán thận và ở lại Quảng Châu chăm sóc Luân, rằng trước khi lên bàn mổ Luân bảo: "Em muốn mang tiền về Phan Rang ăn cái Tết thiệt bự". Ước muốn ấy giờ vĩnh viễn lùi xa bỏ lại phía sau những cái Tết đạm bạc và thèm thuồng ở làng Bình Quý.
Và phía sau trang báo, còn có những điều không thể kể nhưng tôi hiểu nó đã góp một phần đáng kể vào bi kịch của Luân. Hai năm vào Sài Gòn, trước những mùa thi, xóm trọ bao giờ cũng thấy Luân học bài khuya, nhưng mục đích là đợi vựa rau quả bên nhà trọ họp xong để ra... nhặt nhạnh. Gia đình gần như không gửi tiền, Luân làm đủ nghề, từng làm cả nghề móc cống để kiếm 70 nghìn tiền công một ngày.
Thúc bách và túng quẫn, mang trong mình căn bệnh quái ác... Luân đã vững hơn người anh khi không tự vứt bỏ mạng sống của mình. Nhưng ý muốn liều lĩnh dùng mạng sống để có tiền đã bị chặn đứng oan nghiệt.
***
Khánh Minh, cô bạn gái đang mang trong mình đứa con bảy tháng của Luân bảo rằng hai đứa quen nhau bốn năm rồi, từ những ngày Luân trốn học đi nhổ vạn thọ ven sông Dinh cho nhà Minh bán Tết.
Luân đậu cao đẳng, kéo theo cô gái 16 tuổi đẹp nhất xóm bờ đê vào Sài Gòn. Một thằng bạn nhà thơ dân Phan Rang khi nghe tôi nói về Khánh Minh, về chặng đường nửa vạn cây số, bụng mang dạ chửa đi tìm người yêu đã thốt lên: "Sao có một người con gái ở gần vậy mà tao tìm không thấy?".
Tình yêu đã dẫn đến sự dại dột, bất chấp và cả sự bất hiếu vì đã bỏ gia đình. Nhưng trong hàng mớ chuyện tình trên báo chí, tiểu thuyết hay đã nghe đâu đó, tôi vẫn chọn câu chuyện của Luân và Minh để đặt ở vị trí đầu tiên.
Ngày rời Phan Rang, trước khi lên xe tôi còn phải chở Khánh Minh ra ghế đá bệnh viện để ngủ nhờ. Đó là đêm thứ ba hai, mẹ con Minh phải dầm sương vì không dám chạm mặt người chị gái đi làm ăn xa mới về. Minh nói ráo hoảnh: "Em với anh Luân thề với nhau rồi, ảnh có gì, em cũng đi theo...".
Đôi mắt không động đậy của Minh làm tôi sợ cô sẽ làm thật. Biết mình không đủ sức để thuyết phục, để nói với Minh bỏ suy nghĩ ấy nhưng vẫn ráng van nài: "Em còn đứa con trong bụng nữa".
Nhưng có một điều tôi không dám nói khi ai cũng biết đứa con mang trong bụng Khánh Minh gần như chắc chắn sẽ lại mang căn bệnh máu loãng như cha, ông nội và bác nó.
Cái vòng luẩn quẩn vậy là sẽ còn được vẽ tiếp vào tương lai. Mong là nó sẽ đẹp trai, sẽ hào hoa nhưng không bao giờ phải bỏ lại một mùa vạn thọ nào, không bao giờ phải đi một chặng đường bi kịch nào...
***
Có ông nhà văn nổi tiếng từng viết rằng ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Nhưng ranh giới ấy với Luân, Khánh Minh và gia đình giờ đang ở đâu thật khó tìm.
Có đôi lúc như lúc này, tôi tin: cuộc đời cũng có những bất công.
Vài nét về blogger:
Nhà báo, blogger K'lu lớn lên ở làng Chăm Bàu Trúc - Ninh Thuận. Anh tốt nghiêp đại học và lang bang tại Sài Gòn. Hiện anh công tác tại báo Pháp luật TP HCM.
Bài đã đăng: Myanmar trước và sau bão Nargis.