Ông H. ở quận Đống Đa. Cụ thân sinh của ông đã ngoài 80 tuổi vừa mất và ông cầm giấy chứng tử do phường cấp để lo ma chay cho bố. Ông đến ban lễ tang thành phố (125 Phùng Hưng). Vừa dừng xe trước khu nhà tang lễ, đám người đã vây lấy ông, chào mời: “Ma tươi hay ma khô đấy hả anh?”, “Dịch vụ trọn gói chôn cất, cải táng từ A-Z đây!”. Không bắt lời, ông H. đi thẳng vào trong. Sau lưng ông họ nói: “Trong đấy không còn chỗ đâu, có chăng cũng chỉ còn toàn chỗ góc tường, cuối bãi thôi”.
Quả nhiên, sau một hồi tra cứu con số của những lô đất trống trên bảng danh sách của nghĩa trang Văn Điển, ông nhận thấy hầu hết đã bị khoanh dấu có chủ. Còn đang băn khoăn thì một ông già kéo ông H. ra một quán nước. Đó là ông L., "cò" đất nghĩa trang kiêm các dịch vụ tang lễ đã có thâm niên hơn 40 năm, nắm chắc từng thửa ở các khu như Văn Điển, Bất Bạt, Yên Kỳ và cả những khu ngoại thành như nghĩa trang Bồ Đề, Xuân Đỉnh, Sóc Sơn... Ông L. nói: “Địa điểm nào cũng có, muốn giá nào cũng được. Quanh Hà Nội, giá mỗi suất 5,8 triệu đồng, tiền công của tôi thêm 200.000 đồng, vị chi là 6 triệu”.
"Cò" đất nghĩa trang phân làm nhiều loại. Loại thứ nhất, "cò" chỉ là người dẫn mối như ông L. và một số người làm dịch vụ tang lễ xung quanh các nhà tang lễ của thành phố. Khách đến chỗ ông L. phải đưa trước nửa số tiền để ông ta lo liệu. Gia chủ vẫn phải qua ban lễ tang thành phố làm thủ tục. Lo liệu xong công việc, ông ta sẽ lấy nốt số tiền còn lại. Sau những vụ “chỉ trỏ” như vậy, ông được khách trả 200.000-300.000 đồng/đám. Ngoài ra nếu gia chủ “có lòng” thêm bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
Loại thứ hai: "cò" đất làm ông chủ. Ông Tr. làm "cò" đất 17 năm nay, lập được hẳn một tổ chức riêng, tương đối độc lập với nhà tang lễ. Khi gặp khách, ông ta đưa họ đến làm việc thẳng với một số quản trang không qua ban lễ tang thành phố. Trong tay ông Tr. lúc nào cũng có hàng chục suất đất có vị trí đẹp xướng giá từ 7 triệu đến 30, 40 triệu đồng. Gặp khách yêu cầu ở những vị trí đắc địa như khu cao cấp (Thanh Tước), khu trung tâm nghĩa trang Bồ Đề, Yên Kỳ..., nhiều khi ông phải khất, hẹn khi mộ cũ dời đi hoặc ông ta đến nơi thương lượng với chủ mộ cũ.
"Cò" đất thấp cấp hơn là công nhân nghĩa trang, phu bốc mộ. Theo anh H., một "cò" đất kiêm bốc mộ thuê ở nghĩa trang Bồ Đề, mặc dù ủy ban phường Ngọc Lâm và Bồ Đề chỉ cho phép người có hộ khẩu thường trú ở phường được chôn cất tại đây, nhưng người ngoài vẫn qua tay "cò" đất vào được. Mỗi suất chôn trung bình 6 triệu, có người đã mua đến 14 triệu/đồng suất. Họ nói thẳng chủ mộ sẽ được nhận thẻ mộ, giấy tờ ghi số lô đất nhưng không có tên trong danh sách của phường...
Giá chênh lệch bảy lần
Hiện nay, mộ mai táng sau một thời hạn (3-5 năm) tùy theo qui định của từng nghĩa trang sẽ phải bốc lên, dời đi chỗ khác. Hố huyệt trống tiếp tục được bán lại. Giá trị của đất không hề giảm, thậm chí còn tăng lên. Trong khi đó, một suất đất để chôn vĩnh viễn (chôn một lần, không cải táng) hoặc chôn sau cải táng thì phải mua đứt.
Bởi vậy trong nghĩa trang, giá một suất đất loại này bao giờ cũng cao hơn giá đất mai táng 3-5 lần. "Cò" đất cũng căn cứ vào đó mà tăng lên tương ứng. Một suất đất mai táng ở nghĩa trang Bồ Đề chỉ có 300.000 đồng, cải táng là 1 triệu đồng. Qua tay "cò" đất sẽ là 2-3 triệu và 6-7 triệu đồng.
Ông Hoàng Thành Thái, Phó ban lễ tang TP, khẳng định cơ quan này phục vụ cho mọi đối tượng, chỉ cần có giấy chứng tử hợp pháp. Do đó, "cò" đất không thể có cửa tồn tại. Nhưng khi chúng tôi đưa ra một vài dẫn chứng về trường hợp người dân phải mua đất nghĩa trang qua tay "cò" đất với giá ngất trời thì ông lại cho rằng đó là tại họ tự tìm đến "cò". Còn ông Đặng Văn Đức, trưởng ban lễ tang TP, lý giải: “Có lẽ do nhu cầu (về vị trí đất, hướng đất) của người dân quá cao, nghĩa trang thành phố không đáp ứng nổi”.
(Theo Tuổi Trẻ)